| Hotline: 0983.970.780

Cần xây dựng trung tâm công nghệ sinh học cho ĐBSCL

Thứ Sáu 22/04/2016 , 08:05 (GMT+7)

Vừa qua, tại hội nghị doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ĐBSCL do VASEP tổ chức, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, kiến nghị xây dựng trung tâm công nghệ sinh học cho ĐBSCL, ở Cần Thơ.

17-32-54_2104163
Ông Trần Văn Phẩm

Kiến nghị được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam ủng hộ.

Doanh nghiệp của ông chế biến xuất khẩu tôm chắc đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, loại trừ kháng sinh và chất cấm?

Không chỉ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm mà gia đình tôi nuôi hơn chục héc-ta tôm cũng gặp khó khăn trong quản lý chất lượng. Bởi vì, thuốc kháng sinh và các hóa chất phục vụ nuôi tôm có rất nhiều loại, gần như hỗn loạn trên thị trường, người nuôi khó biết chất lượng. Muốn nuôi tôm sạch, nhiều nhà khoa học và quản lý đã khẳng định là phải nuôi sinh học nhưng quy trình sinh học ở đâu?!

Được biết, Cty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng có quy trình mua nguyên liệu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khá chặt chẽ, như truy xuất tận ao nuôi và mỗi nguồn cung cấp đều có mã hoá truy xuất. Tuy nhiên, nói như ông thì dù truy xuất nguồn gốc cũng rất khó đảm bảo?

Rất khó nên chúng tôi mới vất vả, tốn kém. Đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ nông dân (do chúng tôi đầu tư và cả ngoài đầu tư) lấy mẫu kiểm kháng sinh trước khi thu hoạch 7 ngày. Với nguyên liệu mua từ đại lý, lấy mẫu kiểm kháng sinh tại nhà máy.

Ngoài ra, mỗi lô nguyên liệu vào nhà máy được kiểm cảm quan (mùi vị, tạp chất), vi sinh. Thành phẩm được lấy mẫu kiểm kháng sinh, vi sinh và cảm quan theo từng ngày sản xuất. Tất cả kết quả kiểm tra được lưu vào hồ sơ HACCP. Đối với đại lý, hàng tháng tiến hành kiểm soát điều kiện tại cơ sở thu mua. Qua thực tế, chúng tôi cũng hiểu được khó khăn của người nuôi tôm hiện nay, thường nuôi một ao thì có lời nhưng mở rộng ra nhiều ao là dễ bị lỗ vì rủi ro rất lớn.

Rõ ràng, cấp thiết phải có quy trình nuôi tôm sạch, tức là nuôi sinh thái để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh cho tôm Việt Nam. Tuy nhiên, tại sao ông kiến nghị thành lập trung tâm công nghệ sinh học ở thành phố Cần Thơ?

Vì thành phố Cần Thơ có đủ điều kiện hơn các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Vai trò trung tâm, đầu tàu kinh tế khu vực phải thể hiện rõ cả trong ngành thủy sản, giải quyết vấn đề bức bách của cả vùng. Chứ thành phố Cần Thơ mà cũng phát triển nuôi trồng như các địa phương khác thì giảm mất vai trò.

Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu cũng đã đưa ra một số quy trình nuôi tôm sinh học?

Công nghệ sinh học nếu thỉnh thoảng đưa ra một vài quy trình thì không có mấy tác động vào cuộc sống, thậm chí không có giá trị thực tiễn.

Công nghệ sinh học phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ ầm ầm như nuôi trồng để có đủ khả năng giải quyết mọi bệnh của con tôm, mọi vấn đề phát sinh trong nuôi trồng. Bệnh trên con tôm tương tự bệnh trên con người, ngày mai có khi đã khác ngày hôm nay.

Có phải ông muốn nói đến một thị trường công nghệ?

Đúng thế. Trong thị trường ấy, có nhiều đơn vị đua nhau làm, cạnh tranh nhau thường xuyên đưa ra các nghiên cứu mới giúp nuôi trồng và chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Lực lượng nghiên cứu công nghệ sinh học hùng hậu để có sản phẩm đa dạng. Qua đó, người nghiên cứu cũng có thể làm giàu như nuôi trồng và chế biến.

Muốn thế, đòi hỏi cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ sinh học?

Tôi rất phấn khởi khi kiến nghị được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam ủng hộ tại hội nghị. Tôi cũng hiểu có rất nhiều việc phải làm và rất khó khăn nhưng khi đã thống nhất tư duy, hy vọng sẽ đi đến kết quả, khó đâu gỡ đó chứ không nên kéo dài tình trạng tự phát nữa vì từ giải phóng đến nay đã 41 năm rồi.

Nếu hình thành được trung tâm công nghệ sinh học phục vụ đắc lực cho ngành thủy sản thì còn có thể mơ ước con em nông dân ĐBSCL sẽ bỏ ruộng để về Cần Thơ nghiên cứu sinh học, không phải đi làm thuê ở đâu xa xôi. Khi đó, ĐBSCL không chỉ là vựa thủy sản thương mại của thế giới mà còn là trung tâm nghiên cứu, sản xuất sản phẩm chất lượng cao.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.