| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá Quy Nhơn mùa mưa bão: Nỗi kinh hoàng của ngư dân

Thứ Sáu 31/07/2020 , 11:46 (GMT+7)

Mặt nước trước cảng chật hẹp, nên vào mùa mưa bão, tàu cá neo đậu tránh bão ở đây thường bị va đập gây hư hỏng, đây chính là nỗi kinh hoàng của ngư dân.

Đến tàu vỏ thép cũng không thoát

Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay ở Bình Định sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình này, ngư dân càng lo ngay ngáy, bởi nơi neo đậu tránh trú bão không an toàn. “Hiện ở Bình Định có 3 nơi để tàu cá của ngư dân vào neo đậu tránh trú bão, đó là cảng cá Tam Quan ở TX Hoài Nhơn, cảng cá Đề Gi ở huyện Phù Cát và cảng cá Quy Nhơn ở TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, 2 cảng cá Tam Quan và Đề Gi thường xuyên bị bồi lấp, nên vào mùa mưa bão, hầu như toàn bộ tàu cá với hơn 6.300 chiếc của ngư dân Bình Định đều tập trung về cảng cá Quy Nhơn để neo đậu tránh trú bão. Do diện tích mặt nước của cảng cá Quy Nhơn hiện nay chật hẹp, nên vào những mùa mưa bão, tàu cá neo đậu tránh trú bão tại đây thường xuyên bị va đập gây hư hỏng khiến ngư dân bị tổn thất rất lớn”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, phụ trách cảng cá Quy Nhơn, thừa nhận.

2 tàu cá BĐ 91324 TS (720CV) và BĐ 91010 TS (700CV) của ngư dân Nguyễn Việt Hằng đang nằm trên đà để sửa chữa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

2 tàu cá BĐ 91324 TS (720CV) và BĐ 91010 TS (700CV) của ngư dân Nguyễn Việt Hằng đang nằm trên đà để sửa chữa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không nói đâu xa, cơn bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 10/2019 đã phá hỏng không biết bao nhiêu tàu cá của ngư dân Bình Định khi đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn. Ngư dân Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 mang số hiệu BĐ 99279 TS (940CV), nhớ lại: “Khi ấy tàu của tôi vào neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn để tránh cơn bão số 5. Khi bão nổi lên, nhờ là tàu vỏ thép nên tàu của tôi trụ được. Thế nhưng sau khi bão tan, hoàn lưu bão khiến gió đổi hướng, những tàu vỏ gỗ đều bị bừa neo, trôi tấp hết vào cầu tàu; khi hoàn lưu bão thì gió nổi loạn xà ngầu. Những chiếc tàu gỗ bị bão quăng tới tấp vào tàu của tôi, sự va đập khiến neo tàu của tôi bị đứt và quấn vào chân vịt. Khi ấy tàu của tôi đã nổ máy nhưng không di chuyển được vì chân vịt đã bị tê liệt”.

Khi ấy anh Trương Hoài Khánh và một số thuyền viên có mặt trên tàu nhưng chỉ biết ngồi chịu trận chứ chẳng làm gì được, sau đó, bão xô đẩy chiếc tàu của anh trôi lên bãi cạn. Sáng hôm sau, bão tan, anh Khánh ngậm ngùi nhìn chiếc tàu của mình nằm nghiêng trên bãi cạn chỉ chực lật úp. Anh Khánh và thuyền viên vẫn còn trên tàu nhưng chẳng thể đi đứng được, bởi độ nghiêng của chiếc tàu quá dốc. Toàn bộ giàn lưới vây và những vật dụng trên tàu đều bị trút xuống biển mất tích. Lần ấy anh Khánh bị tổn thất đến cả trăm triệu đồng.

Be tàu của ngư dân Nguyễn Việt Hằng bị vỡ do bị va đập trong cơn bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 10/2019. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Be tàu của ngư dân Nguyễn Việt Hằng bị vỡ do bị va đập trong cơn bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 10/2019. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Một ngư dân bị hư hỏng cùng lúc 3 tàu cá

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chủ của 4 tàu cá, trong đó có 1 tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99009 TS (880CV) và 3 chiếc tàu gỗ gồm: BĐ 91324 TS (720CV), BĐ 91010 TS (700CV) và BĐ 91011 TS (720CV), có lẽ là người bị tổn thất nhiều nhất trong cơn bão số 5. Lúc ấy, cả 4 tàu cá của ngư dân Hằng đều đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, chỉ có chiếc tàu vỏ thép là trụ được trong bão, còn 3 tàu vỏ gỗ kia đều bị hư hỏng nghiêm trọng do bị gió làm trôi dạt, va đập.

“Đến mùa mưa bão, hầu như toàn bộ tàu cá của ngư dân trong tỉnh đều cập vào khu neo đậu tránh trú bão nằm bên trong cảng cá Quy Nhơn để tránh bão. Cảng thì hẹp mà tàu thì nhiều, trong khi bão nổi gió rất săn nên không thể tránh khỏi sự va đập. Bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 10/2019 đã làm cả 3 chiếc tàu vỏ gỗ của tôi đều bị hư hỏng nặng”, ông Hằng cho hay.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng (người mặc áo trắng) đang trông coi thợ vá víu lại những tàu ác của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng (người mặc áo trắng) đang trông coi thợ vá víu lại những tàu ác của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau bão, cả 3 chiếc tàu vỏ gỗ cùng hành nghề lưới vây của ngư dân Nguyễn Việt Hằng đều bị bể be, bể ca bin, giàn đèn dùng để phát ánh sáng dụ cá trên mỗi chiếc tàu cũng bay biến (hơn 30 bóng/chiếc). Tổn thất của những tàu cá của ông Hằng trong cơn bão số 5 khoảng từ 200 – 300 triệu đồng/chiếc. Do tổn thất lớn quá, nên sau cơn bão số 5, ông Hằng chỉ sửa chữa được 1 chiếc mang số hiệu BĐ 91011 TS (720CV), còn 2 chiếc kia đến nay ông mới có tiền sửa.

“Sau cơn bão số 5, gom góp hết tiền bạc trong nhà tôi chỉ sửa chữa được 1 chiếc. Sau đó tôi phải dồn lực hoạt động chiếc tàu vỏ thép và chiếc vỏ gỗ đã sửa xong. Đến nay tôi mới kiểm đủ tiền sửa chữa 2 chiếc tàu vỏ gỗ còn lại. Hiện tôi đã cho 2 tàu BĐ 91324 TS (720CV), BĐ 91010 TS (700CV) lên đà ở bãi Hà Thanh để sửa chữa”, ngư dân Hằng chia sẻ.

“Diện tích mặt nước của cảng cá Quy Nhơn hẹp quá, tàu của tôi vào chỉ có thể neo đậu được ở cầu cảng bến Hàm Tử, mà phải nước lớn mới neo đậu được, nước cạn thì chịu, tàu không vào được, bởi tàu vỏ thép có mớn nước rất sâu. Chiều rộng của cảng chỉ 100m nên tàu vỏ thép không thể xoay trở để vào cảng, bởi chiếc nào cũng có chiều dài trên 30m. Diện tích mặt nước cảng đã hẹp, bên Tân cảng lại đổ xà bần lấp vùng nước và những chiếc tàu đẩy đậu giăng hàng làm hẹp thêm luồng lạch ra vào cảng cá”, anh Khánh than thở. Ngư dân Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.