| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá Quy Nhơn nguy cơ biến thành 'cảng lậu'

Thứ Tư 29/07/2020 , 07:10 (GMT+7)

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đã được Chính phủ phê duyệt là cảng cá loại I, thế nhưng đến nay chưa hoàn tất thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định.

Cảng cá Quy Nhơn đã được Chính phủ phê duyệt là cảng cá loại I. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cảng cá Quy Nhơn đã được Chính phủ phê duyệt là cảng cá loại I. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tình huống cấp bách

Ngày 20/7 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Văn bản số 4811/BNN – TCTS về việc công bố mở cảng theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ – CP của Chính phủ gửi các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước.

Theo văn bản, tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 26/2019/NĐ – CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo đó, cảng cá đang hoạt động trước ngày Nghị định số 26/2019/NĐ – CP có hiệu lực thi hành, hiện đang tiếp tục hoạt động thì phải hoàn tất thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định trước ngày 1/10/2020.

Để đảm bảo các cảng cá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/10/2020, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân và việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức quản lý cảng cá khẩn trương thực hiện các thủ tục công bố mở cảng cá theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 26/2019/NĐ – CP của Chính phủ; thực hiện công tác quản lý cảng cá theo đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủy sản, báo cáo kết quả thực hiện công bố mở càng về Bộ NN-PTNT trước ngày 20/9/2020.

Từ sau ngày 1/10/2020, những cảng cá chưa công bố mở cảng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân và doanh nghiệp thì chính quyền địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm.

“Theo Quyết định số 1976/QĐ – TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại I, đã được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc thủy sản tại Quyết định số 988/QĐ – BNN – TCTS ngày 26/3/2019. Ấy vậy mà đến nay cảng cá Quy Nhơn vẫn chưa thể thực hiện công bố mở cảng theo quy định”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, cho hay.

Cảng cá Quy Nhơn đã được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc thủy sản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cảng cá Quy Nhơn đã được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc thủy sản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nước đến chân vẫn… không chịu nhảy

Để hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Văn bản số 1713/UBND – KT ngày 4/4/2019 gửi Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh này về việc tạm cấp vùng nước cho cảng cá Quy Nhơn.

Giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Ban quản lý cảng cá Bình Định lập bản đồ, xác định diện tích vùng nước cảng cá Quy Nhơn và cảng cá Đề Gi gửi Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, chấp thuận chấp thuận chủ trương xác nhận diện tích vùng nước để đáp ứng điều kiện hoạt động theo Luật Thủy sản.

Thực hiện Văn bản số 1713/UBND – KT ngày 4/4/2019 của UBND tỉnh Bình Định, Ban quản lý cảng cá Bình Định đã thuê đơn vị tư vấn lập bản đồ, xác định diện tích vùng nước cảng cá Quy Nhơn và cảng cá Đề Gi trình Sở NN-PTNT. Sở NN-PTNT Bình Định cũng đã có Văn bản số 1080/SNN – QLXDCT ngày 15/5/2020 gửi Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định đề nghị đơn vị này thẩm định, trình UBND tỉnh.

Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định vẫn chưa có phản hồi, trong khi đến ngày 1/10/2020 nếu cảng cá Quy Nhơn chưa công bố mở cảng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân và doanh nghiệp thì UBND tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm.

Diện tích vùng nước trước cảng của cảng cá Quy Nhơn đã hẹp càng hẹp hơn do Tân cảng Quy Nhơn đổ đất đá lấn sang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diện tích vùng nước trước cảng của cảng cá Quy Nhơn đã hẹp càng hẹp hơn do Tân cảng Quy Nhơn đổ đất đá lấn sang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Theo Luật Thủy sản, các cảng cá hiện đang hoạt động phải công bố mở cảng. Cảng cá loại I thì do Trung ương công bố, cảng loại II do UBND tỉnh công bố và cảng loại III do UBND cấp huyện, thành phố công bố. Muốn công bố mở cảng phải hội đủ các tiêu chí trong đó có tiêu chí về diện tích mặt nước cảng.

Sau khi được cấp diện tích mặt nước, Ban quản lý cảng cá sẽ mời cơ quan quản lý hàng hải về khảo sát, công bố luồng, tọa độ, vị trí của cảng để trình UBND tỉnh. Sau đó UBND tỉnh sẽ ra quyết định chấp nhận. Hiện Sở NN-PTNT Bình Định đã trình và UBND tỉnh cũng đã xác nhận vùng nước cho cảng cá Quy Nhơn để làm thủ tục.

Thế nhưng Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này, dẫn tới cảng cá Quy Nhơn không thể đăng ký công bố. Theo Luật Thủy sản, đến ngày 30/9/2020 mà cảng cá Quy Nhơn chưa công bố mở cảng được thì cảng cá này sẽ trở thành “cảng lậu”.

Đến khi ấy cảng cá Quy Nhơn không được xác nhận nguồn gốc thủy sản, tàu cá của ngư dân ra vào cảng cũng bị phạm luật. Nếu điều này xảy ra thì ắt nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, lo lắng.

Xem thêm
Giống vịt Huba siêu đẻ, siêu thịt

Giống vịt Huba được đánh giá cao nhờ năng suất trứng vượt trội, tốc độ tăng trưởng nhanh và thịt thơm ngon, kỳ vọng là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Tiêu hủy hàng nghìn con vịt dương tính virus cúm gia cầm

Hopn 3.400 con vịt bơ lai (vịt supe lai vịt bầu) 46 ngày tuổi dương tính virus cúm gia cầm A/H5N1 được lực lượng chức năng tại Quảng Trị tiêu hủy.

Người bạo gan đưa cây mắc ca lên vùng đất cằn Quan Hóa

THANH HÓA Mạnh dạn chặt bỏ cây luồng để trồng thử nghiệm cây mắc ca, ông Hà Văn Thính đã thành công với cây trồng này ở vùng đất khô cằn huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Lan toả cánh đồng ‘không dấu chân’

QUẢNG BÌNH Từ mô hình đưa thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân ban đầu, huyện Lệ Thủy đã mở rộng diện tích cánh đồng ‘không dấu chân’.

Cơn mưa dập tắt đám cháy rừng trên núi

Sơn La Vụ cháy xảy ra chiều 5/4, ở khu vực núi cao, dốc đứng, địa hình hiểm trở, nhiều đá lăn nên việc tiếp cận hiện trường, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.