| Hotline: 0983.970.780

Thu hẹp cảng cá Quy Nhơn là 'triệt tiêu' nghề cá của ngư dân

Thứ Hai 20/07/2020 , 09:31 (GMT+7)

Bình Định đang gấp gáp khắc phục “thẻ vàng” EC, hạ tầng cảng cá là tiêu chí cần khắc phục thì tỉnh này lại “quyết tâm” thu hẹp cảng cá, dành phần cho cảng hàng.

Với diện tích mặt nước hiện có, cảng cá Quy Nhơn đã chật chội so với lượng tàu cá đến 6.300 chiếc. Hậu quả là tàu cá ra vào cảng quay trở rất khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Với diện tích mặt nước hiện có, cảng cá Quy Nhơn đã chật chội so với lượng tàu cá đến 6.300 chiếc. Hậu quả là tàu cá ra vào cảng quay trở rất khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Long đong số phận 

Cách đây hơn 2 năm, Tân cảng Quy Nhơn (thuộc Cty CP Tân cảng Quy Nhơn) triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng container 30.000 DWT theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã xây dựng xong cầu cảng 200m, đầu tư thiết bị bốc xếp với 2 cần cẩu chuyên dùng, nhưng chưa xây dựng bãi sau cầu cảng nên hạn chế khả năng khai thác.

Với lý do trên, ngày 22/5/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Thông báo số 125/TB-UBND do Phó Chủ tịch thường trực Phan Cao Thắng ký với nội dung đồng ý cho Tân cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch mở rộng cảng Quy Nhơn giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn sau năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.

Theo quy hoạch, Tân cảng Quy Nhơn sẽ mở rộng bãi sau cầu cảng với diện tích 7ha. Như vậy, luồng vào ra cảng cá Quy Nhơn sẽ còn tối thiểu 100m, không đảm bảo cho tàu ra vào khu neo đậu tránh trú bão bên trong và cập tại cảng cá bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu, đá lạnh, luồng tàu chạy cũng bị thu hẹp.

Trước những bất cập trên, ngày 11/6/2018, Báo NNVN đã có bài phản ánh việc mở rộng Tân cảng Quy Nhơn sẽ ảnh hưởng đến luồng vào của cảng cá Quy Nhơn.

Hai ngày sau, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Văn bản số 3458/UBND – KT ngày 13/6/2018 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT và Sở NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại quy hoạch dự án Tân cảng Quy Nhơn làm ảnh hưởng đến luồng tuyến vào ra cảng cá Quy Nhơn theo phản ánh của Báo NNVN; báo cáo, đề xuất để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Sau khi nghe các Sở, ngành liên quan báo cáo lại, ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản số 4545/UBND – KT về việc tạm dừng triển khai giai đoạn 2 của dự án mở rộng Tân cảng Quy Nhơn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng triển khai xây dựng cầu cảng container, để các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá lại ảnh hưởng tác động của việc thực hiện dự án đối với luồng tuyến ra vào của tàu cá và hoạt động của cảng cá Quy Nhơn.

Do diện tích mặt nước trước cảng cá Quy Nhơn chật chội, đến mùa trăng, tàu cá của ngư dân tấp nập vào cảng bán sản phẩm khiến cảng trở nên quá tải. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do diện tích mặt nước trước cảng cá Quy Nhơn chật chội, đến mùa trăng, tàu cá của ngư dân tấp nập vào cảng bán sản phẩm khiến cảng trở nên quá tải. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tiếp đến, ngày 22/8/2018, UBND tỉnh Bình Định lại tổ chức cuộc họp nghe các Sở, ngành liên quan báo cáo về tình hình triển khai dự án của Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng có ý kiến cho rằng việc đầu tư nâng cấp mở rộng cụm cảng biển Quy Nhơn gắn với dịch vụ logistic là phù hợp và cần thiết cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, tại QĐ số 1976/QĐ – TTg ngày 22/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ xác định cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại 1; được xây dựng, nâng cấp kết hợp tránh trú bão cho tàu cá, phục vụ hoạt động khai thác thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Do đó, trong thời gian cảng cá Quy Nhơn tồn tại, cần có sự phát triển hài hòa giữa nâng cấp cảng biển và phát triển cảng cá”.

Từ đó đến nay, việc mở rộng Tân cảng Quy Nhơn đã yên ắng, cảng cá Quy Nhơn tưởng chừng như đã giữ lại được diện tích mặt nước trước cảng với 7ha để đảm bảo tàu cá của ngư dân ra vào cảng an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.

Lại đứng trước nguy cơ bị thu hẹp

Thế nhưng sự thể không như vậy. Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Cảng Quy Nhơn (thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam) có Tờ trình số 981/TTr – QNP ngày 2/6/2020 về việc đề nghị phê duyêt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030.

Tàu cá tiếp nhiên liệu, đá lạnh tại cảng cá Quy Nhơn cũng rất vất vả do chật chội. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tàu cá tiếp nhiên liệu, đá lạnh tại cảng cá Quy Nhơn cũng rất vất vả do chật chội. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về vấn đề ngày, Sở NN-PTNT Bình Định đã có Văn bản số 1402/SNN – QLXDCT ngày 19/6/2020 trình bày: Đối với diện tích mặt nước dự kiến san lấp giai đoạn 2020 – 2025 về phía nam cảng Quy Nhơn có ranh giới mặt nước thuộc khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được giới hạn bởi các điểm: A11, A12, A13, A14, A15, A16 với diện tích khoảng 6,2ha.

Diện tích này không nằm trong quy hoạch mở rộng cảng Quy Nhơn được phê duyệt tại QĐ số 793/QĐ – UBND ngày 8/3/2018.

Hiện nay, Sở NN-PTNT Bình Định đang trình Sở TN-MT thẩm định, cấp tạm vùng nước cho cảng cá Quy Nhơn theo Văn bản số 1713/UBND – KT của UBND tỉnh Bình Định ngày 4/4/2019 về việc tạm cấp vùng nước cho cảng cá Đề Gi và cảng cá Quy Nhơn để đáp ứng yêu cầu cảng cá loại I, hoạt động theo quy định của Luật Thủy sản.

Theo đó, diện tích mặt nước cảng cá Quy Nhơn là 20,6ha, bao gồm 6,2ha diện tích mặt nước dự kiến sẽ san lấp nói trên.

“Để đảm bảo việc phát triển ổn định giữa cụm cảng biển và cảng cá Quy Nhơn theo quy hoạch, tránh chồng lấn về không gian xây dựng, Sở NN-PTNT đề nghị không đưa vào quy hoạch hạng mục san lấp diện tích mặt nước phía nam của cảng Quy Nhơn có diện tích 6,2ha, thuộc khu neo đậu tránh trú bão và vùng hoạt động tối thiểu của cảng cá Quy Nhơn”, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đề nghị.

Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp nên hạn chế tàu cá ra vào cảng, tàu thuyền của ngư dân địa phương hầu hết tập trung về cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp nên hạn chế tàu cá ra vào cảng, tàu thuyền của ngư dân địa phương hầu hết tập trung về cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, nếu cảng cá Quy Nhơn luồng còn tối thiểu 100m sẽ không đáp ứng được chỗ neo đậu và quay trở cho tàu công suất lớn, nhất là đối với tàu cá vỏ thép.

Bình Định hiện có đến 6.258 tàu cá, trong đó có khoảng 3.600 tàu công suất lớn hoạt động xa bờ; đặc biệt là hiện nay tỉnh Bình Định có 48 tàu cá vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ gỗ đóng theo NĐ 67 đã đưa vào sử dụng, trong khi hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được hoạt động của lực lượng tàu cá nói trên.

Khi chưa nâng được công suất của cảng cá Quy Nhơn lên mà giờ luồng cảng còn bị thu hẹp đến 6,2ha thì sẽ làm giảm lượng tàu thuyền và lượng hải sản thông qua cảng, không đáp ứng được tiêu chí của cảng cá loại I, trái với tinh thần của Văn bản số 2664/BNN-TCTS ngày 10/4/2018 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bố trí nguồn lực để thực hiện các quy định mới theo Luật Thủy sản 2017.

“Bình Định hiện đang có 3 cảng cá là Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Thế nhưng hiện nay 2 cảng cá Đề Gi và Tam Quan luôn trong tình trạng bị bồi lấp, hạn chế việc ra vào cảng, nên hầu hết tàu cá tập trung về cảng cá Quy Nhơn.

Trong khi đó, với diện tích mặt nước hiện nay, đến mùa mưa bão là tàu cá vào cảng cá Quy Nhơn tránh trú bão đã bị trôi neo, va đập gây thiệt hại lớn cho ngư dân, nếu giờ mất đi 6,2ha thì không biết sự thể sẽ như thế nào. Như vậy, thu hẹp cảng cá Quy Nhơn đồng nghĩa là “triệt tiêu” nghề cá của ngư dân địa phương.

Đặc biệt, hiện nay Bình Định đang nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” EC, hạ tầng cảng cá đủ đáp ứng hoạt động là một trong những khuyến nghị quan trọng của EC, thế nhưng quy mô cảng cá Quy Nhơn hiện chưa đáp ứng được, mà giờ còn bị mất đi 6,2ha thì biết đến bao giờ mới đáp ứng được khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, lo lắng.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.