Để ứng phó tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp bảo vệ, ngăn chặn cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Thời gian qua Phú Yên xảy ra nhiều vụ cháy rừng. |
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, trong 6 tháng vừa qua tỉnh Phú Yên do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây, kết hợp với đới gió mùa Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên nắng nóng gay gắt, kéo dài liện tục, có nơi nhiệt độ lên đến 37-39 độ C, lớp thực bì khô, rừng trồng bị chết, dễ bắt lửa và phát hành đám cháy lớn khó kiểm soát.
Tính đến 23/7, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 317 ha rừng trồng, trong đó rừng quy hoạch sản xuất hơn 217 ha và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp hơn 100 ha. Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 25/6 đến ngày 8/7 trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 302 ha rừng trồng.
Cụ thể, tại TX Sông Cầu 4 vụ/16,05 ha; huyện Tuy An 4 vụ/8,36 ha; huyện Phú Hòa 4 vụ/119,76 ha; huyện Đồng Xuân 3 vụ/17,32 ha; TP Tuy Hòa 3 vụ/3,96 ha; huyện Tây Hòa 2 vụ/151,06 ha và Sơn Hòa 1 vụ/1,2 ha.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, có rất nhiều nguyên nhân xảy ra các vụ cháy trên. Ngoài việc do thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, thì nguyên nhân chủ quan là hầu hết các vụ cháy xuất phát từ các chủ rừng và người dân gây ra. Bà con khi sử dụng lửa trong rừng, ven rừng còn chủ quan, thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn PCCCR. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, tuần tra, phát hiện ngăn chặn việc mang lửa, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng còn hạn chế; phát hiện, khống chế điểm cháy còn chưa kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân khiến cháy rừng dễ xảy ra. |
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác PCCCR ở địa phương còn thiếu thốn. Với diện tích khu vực rừng dễ cháy của tỉnh trên 157.460 ha (rừng trồng 103.463 ha và 54.000 ha thực bị cỏ tranh ven rừng) tuy nhiên lực lượng chuyên trách PCCCR còn thiếu, phương tiện, thiết bị chuyên dụng PCCCR chưa được đầu tư tương xứng; hệ thống lâm nghiệp, băng cản lửa chưa được xây dựng đầy đủ tại khu vực rừng trồng tập trung; vệ sinh rừng trồng, rừng sau khi khai thác các hộ gia đình, cá nhân chưa được thực hiện…
Để ứng phó, theo ông Bé, các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các giải pháp bảo vệ, ngăn chặn cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Trong đó, tập trung tăng cường, kiểm tra công tác PCCCR; rà soát khắc phục ngay những tồn tại trong công tác PCCCR, để chỉ đạo cho phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay. Chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần sẵn sang phối hợp, đảm bảo xử lý nhanh chóng các điểm cháy rừng xảy ra.
Kiểm tra xác định các vùng trọng điểm cháy; thường xuyên theo dõi, xác minh các điểm cháy hàng ngày qua vệ tinh; tất cả điểm cháy đều phải được kiểm tra, xác minh và thông tin kịp thời đến lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và chủ rừng để xử lý, hạn chế tối đa điểm cháy bùng phát thành đám cháy lớn.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã thông báo cho các chủ rừng tuyên truyền người dân dừng mọi hoạt động dùng lửa trong rừng, ven rừng và các hoạt động xử lý thực bì bằng hình thức dùng lửa. Đồng thời, các đơn vị, chính quyền địa phương, chủ rừng chủ động phối hợp bảo vệ, phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, ngăn chặn, xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra…
Tại cuộc họp rà soát nhiệm vụ, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn mới đây, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở NN- PTNT, các Sở, ngành liên quan và địa phương khẩn trương kiện toàn lại ban chỉ huy PCCCR ở các cấp; sớm xây dựng và vận hành cơ chế ứng phó cháy rừng ở từng đơn vị, địa phương. Đối với các khu rừng trọng điểm và các khu rừng nguy cơ cháy rừng cao, cần bố trí lực lượng chốt chặn, tuần tra canh gác, kiểm soát người ra vào rừng, ngăn chặn các hành vi đưa lửa vào rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động kịp thời lực lượng tham gia khống chế, dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…. |