Tình trạng này cũng xảy ra khi Ấn Độ hạn chế một số hoạt động xuất khẩu gạo, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết.
Chỉ số giá lương thực đã tăng 1,3% trong tháng 7 so với tháng 6, do chi phí gạo và dầu thực vật cao hơn. Đây là lần tăng đầu tiên và cũng làm tăng chỉ số lần đầu tiên trong vòng một năm.
Trước đó, giá hàng hóa đã giảm kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nguồn cung bị gián đoạn từ hai quốc gia đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vì hai quốc gia này là những nhà cung cấp hàng đầu về lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và các sản phẩm thực phẩm giá cả phải chăng khác, đặc biệt là cho các quốc gia ở một số khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á, nơi hàng triệu người đang phải vật lộn với nạn đói.
Giá lúa mì quốc tế tăng 1,6% trong tháng 7 so với tháng 6, mức tăng đầu tiên trong 9 tháng, nhà kinh tế trưởng của FAO, Maximo Torero cho biết. Thế giới vẫn đang hồi phục sau những cú sốc giá cả, vốn làm gia tăng lạm phát, nghèo đói và mất an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đáng lo ngại hơn, lệnh cấm thương mại của Ấn Độ đối với một số loại gạo trắng không phải Basmati đã thúc đẩy việc tích trữ loại lương thực này ở một số nơi trên thế giới. Các hạn chế được áp đặt vào cuối tháng 7 được đưa ra do hiện tượng El Nino xảy ra sớm hơn dự kiến, gây ra thời tiết khô hơn, ấm hơn ở một số vùng châu Á và dự kiến sẽ gây bất lợi cho sản xuất lúa gạo.
FAO cho biết giá gạo đã tăng 2,8% trong tháng 7 so với một tháng trước đó và 19,7% trong năm nay, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.
Tổ chức này cho biết trong một tuyên bố rằng, gạo đắt hơn “làm gia tăng mối quan ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người dành phần lớn thu nhập để mua lương thực”.
Torero khẳng định, tình trạng gia tăng giá lương thực thực phẩm sẽ đặc biệt khó khăn đối với khu vực châu Phi cận Sahara vì đây là khu vực nhập khẩu gạo chính. Thậm chí, rõ nét hơn là giá dầu thực vật tăng vọt, tăng 12,1% trong tháng 7 so với tháng 6, sau khi giảm 7 tháng liên tiếp. Tổ chức này chỉ ra rằng, giá dầu hướng dương tăng 15% sau “những bất ổn mới” về nguồn cung sau khi kết thúc thỏa thuận ngũ cốc.
Torero cho biết: “Mặc dù thế giới có đủ nguồn cung cấp lương thực, nhưng những thách thức với nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn do xung đột, hạn chế xuất khẩu hoặc thiếu hụt sản xuất do thời tiết, có thể dẫn đến mất cân bằng cung và cầu giữa các khu vực”. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng “thiếu khả năng tiếp cận lương thực do giá cả ngày càng tăng và khả năng mất an ninh lương thực tiềm ẩn”.
Ông lưu ý rằng, giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu khác với những gì mọi người trả ở chợ và cửa hàng tạp hóa. Mặc dù giá cả trên thị trường thế giới giảm mạnh kể từ năm ngoái, nhưng sự cứu trợ ở từng quốc gia có thể vẫn chưa đến được với các hộ gia đình. Đồng thời, việc giá hàng hóa thực phẩm cao hơn “có thể khiến tình trạng thiếu lương thực lan rộng và kéo dài hơn dự kiến”.
Hiện, giá thực phẩm địa phương vẫn đang tăng ở nhiều nước đang phát triển vì đồng tiền của họ đã suy yếu so với đồng đô la, được sử dụng để mua ngũ cốc và dầu thực vật.