| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo trồng sầu riêng trên đất lúa ngoài đê bao ở Tiền Giang

Thứ Ba 08/01/2019 , 10:10 (GMT+7)

Thời gian gần đây, diện tích sầu riêng của tỉnh Tiền Giang liên tục tăng mạnh. Sầu riêng trồng khắp nơi, trồng cả trên đất lúa ngoài đê bao không an toàn, vượt quy hoạch, ngoài tầm quản lý, kiểm soát của chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương…

Thuê đất trồng sầu riêng

Có mặt tại địa bàn Cai Lậy (huyện và thị xã), vùng trọng điểm sầu riêng (chiếm 76,6% diện tích) của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chứng kiến rất nhiều diện tích ruộng lúa ở khu vực bắc quốc lộ 1A đã được nông dân lên líp, ụ, trồng sầu riêng.

12-02-52-4160928869
Cần thận trọng trước việc phát triển ồ ạt cây sầu riêng

Chúng tôi cùng ông Trần Quang Vịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội (TX.Cai Lậy) xuống các ruộng lúa của người dân mới chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Nông dân Nguyễn Văn Quân, ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Hội tâm sự: “Trước kia ruộng này tôi trồng lúa cũng có thu nhập ổn định, nhưng do xung quanh đây bà con lên líp trồng sầu riêng hết khiến tôi cũng buộc phải làm theo, vì nếu một mình trồng lúa thì cũng sẽ bị chuột bọ phá sạch. Tuy nhiên, từ trước đến nay mình chỉ biết trồng lúa, giờ chuyển qua trồng sầu riêng chưa quen kỹ thuật nên cũng lo. Nhưng đến đâu hay đến đó chứ biết sao bây giờ!”.

Theo ông Quân, trước kia với diện tích 5 công lúa trồng 3 vụ/năm, ông thu lời được khoảng 1,5 triệu đồng/công (1.000 m2). Gia đình ông mới chuyển sang trồng sầu riêng được hơn năm (khoảng 108 gốc) và nghe bà con nói cây này sẽ cho thu lời cao nên ông cũng bớt lo lắng và đang chờ đợi đến ngày hái quả…

Còn ghi nhận thực tế tại vùng chuyên canh sầu riêng tại huyện Cai Lậy, thời gian qua, do có hộ dân giỏi trồng sầu riêng, lại trúng mùa trúng giá thu nhập rất cao khiến nhiều người lao theo. Không chỉ thế, nhiều nông dân có vốn và kỹ thuật còn đi thuê hoặc mua thêm đất để trồng sầu riêng. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Chủ nhiệm HTX sầu riêng Ngũ Hiệp chia sẻ: “Địa phương này đã hết đất nên tôi và một số thành viên trong HTX tự đầu tư vốn tìm thuê hoặc mua thêm đất ở huyện khác để trồng sầu riêng".

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, ông Trần Quang Vịnh cho biết: “Năm 2010, trên địa bàn xã mới chỉ có vài hộ dân trồng sầu riêng (trên diện tích khoảng vài ngàn m2), nhưng đến nay sầu riêng đã phát triển lên trên 15 ha, đa số là diện tích trồng mới trên đất lúa và nằm ngoài đê bao chống lũ. Diện tích loại trái này đang tiếp tục tăng mạnh vì nhiều nông dân ở phía nam quốc lộ 1A đến đây thuê hoặc mua đất trồng sầu riêng khiến diện tích càng tăng đột biến”.

12-08-03_1
Phát triển nóng cây sầu riêng có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng dư thừa như cây tiêu và cây cam sành

Ông Vịnh cũng cho biết thêm, xã cũng đã báo cáo tình hình cụ thể lên huyện để xin thành lập vùng cây ăn trái trên đất lúa và có tuyến đê bao khép kín bảo vệ khi lũ về. “Trong đợt lũ vừa qua, xã phải cho đóng toàn bộ các cống đập để bảo vệ vùng cây ăn trái và diện tích sầu riêng mới trồng. Cũng chính vì thế đã làm ảnh hưởng đến một số ruộng lúa và loại cây trồng khác cần có nước phát triển”, ông Vịnh nói.
 

Nỗi lo vượt quy hoạch

Theo khảo sát của PV NNVN, rất nhiều vườn sầu riêng tại huyện Cai Lậy đang được trồng trên nền đất lúa, nên mặt liếp thấp, mực thủy cấp thấp, hệ thống thủy lợi không phù hợp với một loại cây trồng rất nhạy cảm với ngập úng như sầu riêng. Mặt khác, diện tích trồng sầu riêng này chưa được chính quyền địa phương quy hoạch, hiện nằm xen kẽ với diện tích sản xuất lúa, nên đã xảy ra tình trạng xung đột về hạ tầng giao thông, thủy lợi với người trồng lúa. Do vậy, dự báo mức độ rủi ro cao.

Trong quá trình khảo sát thực tế, PV đã nhiều lần liên hệ với các sở ban ngành của tỉnh Tiền Giang nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Không được phép phát ngôn”. Kể cả khi PV trực tiếp tìm đến Sở NN-PTNT Tiền Giang liên hệ phỏng vấn lãnh đạo Sở và điện thoại, nhắn tin nhiều lần cho Giám đốc Sở NN-PTNT để tìm hiểu về việc phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng, nhưng đến nay cũng chưa có bất cứ hồi âm nào!

Theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Bí thư Huyện ủy huyện Cai Lậy, địa phương đã mở rộng diện tích cây sầu riêng chuyên canh lên 8.875 ha, tăng hơn năm trước trên 1.500 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tập trung chủ yếu ở các xã phía nam tiếp giáp sông Tiền.

Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích sầu riêng đang tiếp tục phát triển rộng sang vùng phía bắc quốc lộ 1A, nơi bị ảnh hưởng của lũ và trồng trên đất lúa.

Do đó, mới đây tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành khảo sát thực tế, thống kê diện tích sầu riêng hiện có và hiện trạng thủy lợi nội đồng, giao thông… để tiến hành lập quy hoạch phát triển bền vững cây sầu riêng ở các xã thường xuyên bị ngập lũ này. 

Trao đổi với NNVN, Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: “Diện tích sầu riêng của tỉnh Tiền Giang trong vài năm gần đây đang phát triển mạnh đến mức đột biến, do đó địa phương cần phải đặc biệt lưu ý.

Không chỉ riêng cây sầu riêng của tỉnh Tiền Giang đang “phát triển nóng” trên vùng đất lúa chưa đảm bảo cho cây ăn trái, mà ở nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ hiện cũng đang trồng sầu riêng rất nhanh, nhiều người trồng cả gần trăm ha, thậm chí có hộ trồng tới 800 ha”.

Theo TS.Điền, do cây sầu riêng là cây trồng rất đặc thù nên sự “phát triển nóng” về diện tích sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và chất lượng đất, do tầng đất bị thấp và dễ bị phèn. Ở các vùng mới, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đã khuyến cáo không nên trồng cao, vì mật độ chắn gió bão không có thì sẽ bị gãy đổ thiệt hại.

12-02-52-1-ong-nguyen-thnh-tung-pho-cuc-truong-cuc-trong-trot160817920Ông Lê Thanh Tùng, phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Tôi cho rằng một số loại cây ăn trái ở vùng ĐBSCL, điển hình như cây sầu riêng hiện vẫn chưa định hình rõ vùng trồng cũng như thị trường xuất khẩu.

Các loại cây trái khác chúng ta mới chỉ xuất khẩu được bưởi da xanh và bưởi Năm Roi, chôm chôm, xoài, còn cam quýt và chanh cũng còn khá thăng trầm… Chính vì yếu tố thị trường khiến cho cây sầu riêng trong thời gian gần đây đang “lên ngôi” và phát triển mạnh, nguy cơ sẽ dẫn đến khủng hoảng dư thừa như cây tiêu và cây cam sành.

Về phía cơ quan chuyên môn chúng tôi đã có cảnh báo với các vùng trồng này. Tuy nhiên, việc quản lý vùng trồng cây ăn trái vẫn khó hơn so với trồng lúa, vì không có vùng trồng nào đủ lớn tới một hai trăm ha. Như vậy, chỉ có Sở NN-PTNT các tỉnh mới có thể trực tiếp quản lý và định hình vùng trồng, đồng thời khuyến cáo phát triển diện tích phù hợp cho từng loại cây. Còn trước đó, đa số những vùng phải giải cứu nông sản là do không đưa ra được định hướng thị trường sản xuất và tiêu thụ và không có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp...

12-02-52-3-ong-trn-qung-vinh-pho-chu-tich-ubnd-x-tn-hoi16080621Ông Trần Quang Vịnh, Phó chủ tịch xã Tân Hội, TX Cai Lậy

Hiện tại chúng tôi cũng chưa khẳng định được vùng đất này có phù hợp với cây sầu riêng hay không. Qua theo dõi loại cây trồng này đang phát triển tốt, nhưng những năm tiếp theo cho hiệu quả như thế nào thì cũng chưa biết. Thực tế, diện tích sầu riêng vẫn đang tăng theo từng năm và không thể kiểm soát mặc dù chính quyền xã có khuyến cáo nông dân nên thận trọng với loại cây trồng này.

 

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.