| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng không thuốc BVTV

Thứ Năm 16/07/2015 , 06:11 (GMT+7)

Tỉnh An Giang thực hiện cánh đồng 400 ha trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy… đã mang lại kết quả cao cho bà con nông dân.

Từ đó giảm bớt gánh nặng đầu vào, mà năng suất không thua so với SX lúa thông thường.

3 tháng không phun

Nghe chuyện làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy… thật khó tin. Được sự giới thiệu của một người đứng đầu ngành BVTV tỉnh, chúng tôi đến vùng trồng lúa ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú thấy tin tưởng hoàn toàn.

Đã hơn 11 giờ trưa, được một cán bộ Trạm BVTV huyện An Phú nhiệt tình dẫn đường chúng tôi vượt đò, chạy xe gần 5 km trên con đê ngoằn ngoèo mới đến cánh đồng 400 ha canh tác lúa không thuốc trừ sâu của hơn 100 hộ nông dân. Nhà sàn nằm dưới tán cây cổ thụ mát rượi cũng là nơi nông dân nghỉ trưa để chia sẻ kinh nghiệm đồng áng.

Ông Nguyễn Văn Lực ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc là nông dân đầu tiên cả gan làm lúa không phun thuốc trừ sâu. “Hồi đó, cách đây 10 năm, khi nghe nói về chuyện làm lúa không phun thuốc, các lão nông đều phán một câu xanh rờn, xịt đủ thứ thuốc còn không ăn thua gì, không thuốc trừ sâu có mà húp cháo”, ông Lực nói.

Chỉ sau vài vụ đầu huề vốn (vì chưa có kinh nghiệm), ông Lực được Trạm BVTV huyện mở lớp tập huấn chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Vụ đầu tiên áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác lúa bắt đầu có lãi và ông áp dụng cho đến nay. Đặc biệt, khi giá lúa rớt sâu thì cách làm của ông càng phát huy hiệu quả vì không tốn tiền mua thuốc BVTV nên giảm giá thành ở mức thấp nhất, tăng lợi nhuận.

Ông Lực minh chứng, ngay cả khi lúa rớt dưới 4.200 đ/kg vẫn có lãi. Vụ đông xuân vừa rồi, vì không sử dụng thuốc trừ sâu nên tính ra 1 ha chỉ tốn chi phí hơn 14 triệu đồng, 8 tấn lúa thu hoạch bán được hơn được 34 triệu, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi trên 22 triệu.

Canh tác lúa gần ruộng của ông Lực, nông dân Trình Văn Vinh từ hai bàn tay trắng, nhờ thuê 8 công ruộng mà học theo ông Lực để áp dụng KHKT mới trong canh tác lúa như chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, không dùng thuốc trừ sâu nhưng vụ nào năng suất lúa cũng cao hơn so với ruộng SX thông thường vài trăm kg/ha.

Ông Vinh kể, khi mới bắt tay vào làm ruộng nghe nói không phun thuốc sâu, rầy... ông chẳng tin, khi thấy ruộng gần bên không dùng thuốc cuối vụ vẫn cho năng suất cao.

"Tôi làm thử 2 công áp dụng theo quy trình không phun thuốc BVTV trong 3 tháng kết quả bất ngờ, ruộng cho năng suất cao hơn từ 20 -3 0 kg lúa/công (công 1.000 m2), chi phí đầu tư lại thấp. Từ kết quả nên các vụ sau tôi chuyển toàn bộ diện tích còn lại áp dụng quy trình canh tác mới, không phun thuốc ở bất cứ giai đoạn nào. Từ năm 2000 đến nay ruộng lúa đều cho năng suất cao, đến nay tôi đã áp dụng toàn bộ 12 ha", ông Vinh nói.

Không sợ lỗ

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân làm theo cách làm của ông Lực và ông Vinh nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành SX. Ông La Văn Tùng, một trong những nông dân tiên phong “bắt chước” đã chuyển toàn bộ hơn 11 ha sang cách làm không phun thuốc trừ sâu, rầy.

“Nếu sử dụng thuốc trừ sâu, rầy, mỗi ha tốn thêm ít nhất không dưới 4 triệu, cộng thêm vài ba triệu tiền thuê công phun xịt nữa, giá thành SX bị đội lên cao. Vì vậy giá lúa thấp thì không lời nổi. Từ khi bắt chước làm lúa không thuốc trừ sâu rầy, tôi không còn thấp thỏm lo sợ thua lỗ”, ông Tùng phấn khởi cho biết.

Ông Lực chia sẻ: "Trong vụ lúa thời gian canh 3 tháng, sẽ có 3 loại sâu gây hại cho lúa là bọ trĩ, sâu cuốn lá và rầy nâu. Muốn tránh bọ trĩ, cần vệ sinh đồng ruộng thật sạch, san bằng mặt ruộng, xuống giống đồng bộ, tháo nước khô ráo sau sạ và chọn giống xác nhận.

Rầy nâu mỗi vụ có 2-3 đợt xuất hiện, để phòng tránh hiệu quả cần theo dõi thường xuyên rầy vào bẫy nhiều hay ít. Tháo nước trên ruộng để rầy con bám vào gốc lúa gần ở phần mặt đất. Cần theo dõi thường xuyên, thấy rầy chích hút và sinh sản ở phần gốc cách mặt đất khoảng 1-1,5 cm, thân cây lúa chuyển thành màu xám hồng là trứng rầy đang trong giai đoạn sắp nở. Cho nước vào ngập khoảng nửa cây lúa, ngâm từ 3-5 ngày sẽ làm trứng rầy bị thối, sẽ giảm gây hại cho lúa khoảng 75-80%...".

Theo ông Bộ, dự kiến năm tới diện tích tăng lên 800 ha sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu của nông dân tham gia mô hình và mở rộng đến hướng năm 2020 là 2.000 ha. Lập thành vùng và có quy hoạch cụ thể, ký kết đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm; thêm lợi nhuận cho bà con.

Cách làm hiệu quả này đã được nông dân trong và ngoài huyện An Phú đã tìm đến tham quan. Họ được ông hướng dẫn đều thực hiện thành công.

Theo ông Lực, cách làm này không khó, chỉ cần thay đổi một số tập quán cũ như trồng giống lúa nhiễm sâu bệnh, sạ (gieo) dầy, bón phân không cân đối, quản lý nước trên ruộng không đúng…

Phương pháp sử dụng thiên địch

Ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm BVTV huyện An Phú cho biết: Mô hình SX lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở xã Vĩnh Lộc đang giúp nhiều nông dân hạ giá thành SX lúa, vững vàng trước tình hình giá lúa bấp bênh.

Bước đầu những nông dân này thực hiện mô hình trên cơ sở áp dụng chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” do ngành nông nghiệp hướng dẫn. Cách làm của nhiều nông dân ở An Phú thực chất là trừ sâu, rầy bằng phương pháp sử dụng thiên địch. Không phun thuốc trừ sâu rầy là để bảo vệ thiên địch có ích. Thiên địch khống chế được dịch hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié… rất hiệu quả

Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú, Mai Văn Bộ cho biết: "Huyện đã và đang nhân rộng mô hình làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu rầy. Đến nay đã có trên dưới 100 nông dân trong huyện tham gia với tổng diện tích trên 400 ha. Điều quan trọng là nhiều Cty đã đến đặt hàng những nông dân làm lúa không thuốc trừ sâu. Lúa SX theo cách này cũng đang có giá nhỉnh hơn lúa khác từ 50 - 100 đ/kg. Nghĩa là lúa sạch đang có đầu ra tốt".

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm