Ông Lương Đình Trọng ở xã Tân Việt, Yên Mỹ (Hưng Yên) cùng 4 hộ khác liên kết gieo cấy hơn 63ha lúa các loại. Dù thời thời tiết vụ xuân hè năm nay không ủng hộ cây lúa, nhóm của ông Trọng vẫn đạt năng suất bình quân 2 tạ/sào (sào 360m2, tương đương 55,4 tạ/ha). Tính theo giá tại thời điểm, ông Trọng và các hộ trong nhóm lãi 500.000 đồng/sào.
Để phục vụ sản xuất, ông Trọng đã vận động các thành viên trong nhóm cùng góp vốn mua sắm nhiều loại máy móc, cơ giới hoá các khâu sản xuất nặng nhọc như làm đất, cấy, gặt, tưới nước và phun thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, ông Trọng còn gắn kết được cánh đồng lúa lớn với các cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu ở thị trấn Yên Mỹ. Theo đó từ nhiều năm nay, nhóm ông Trọng chỉ gieo cấy lúa nếp các loại (Nếp 415, nếp hương, Nếp 97) cung ứng cho các cơ sở này.
Tuy vậy, ông Trọng vẫn cho rằng, sản xuất lúa năm nay thiệt đơn thiệt kép, cụ thể so với năm trước, năng suất lúa thất thu từ 10 - 20%, giá bán thóc cũng giảm 10 - 12% (tuỳ loại).
Ông Trọng khẳng định: "Nhờ mua sắm được nhiều loại máy nông nghiệp, không phải thuê mượn nên lãi được công lao động. Nếu sản xuất nhỏ lẻ, phải thuê toàn bộ công cày lồng, gieo cấy và gặt đập, âm vào vốn là cái chắc".
Bà Đặng Thị Nhung cấy gần 2ha lúa Bắc thơm 7 và Nếp 87 do phải thuê máy làm đất, gieo cấy, thu hoạch và phun thuốc trừ sâu bệnh nên vụ sản xuất lúa xuân vừa qua thất thu khoảng 5 triệu đồng.
Bà Nhung phân tích, lỗ vốn thế vẫn còn may, vì phải thuê mượn hết mọi công lao động nặng nhọc. Cùng với đó, thời tiết rất khắc nghiệt, trời ít mưa làm cho cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, đẻ kém, ít bông, đòng ngắn; bước sang thời kỳ lúa trỗ, trời có mưa nhiều ngày liên tục, kèm theo rét muộn, rét kéo dài tới tận cuối tháng 4 đầu tháng 5 gây bất lợi cho cây lúa trỗ bông, phơi màu, dẫn đến năng suất thấp, một số ruộng lúa đang trỗ gặp phải rét đã bị trắng đầu bông hoặc không kết hạt.
Ngoài ra, do bà Hoà gieo cấy diện tích lớn giống lúa Bắc thơm 7, là giống chất lượng cao nhưng kém chịu rét, kém chịu thâm canh, khả năng chống chịu cũng kém hơn so với các giống lúa nếp.
Trong khi đó, mô hình liên kết sản xuất lúa của ông Lương Văn Tranh và ông Lương Đình Tám (xã Tân Việt) đạt thu nhập khá hơn cả. Trên diện tích 20ha ruộng tích tụ, ông Tranh và ông Tám gieo cấy 100% giống Nếp 415 và đầu tư được nhiều phương tiện cơ giới hoá sản xuất lúa nên vẫn có lãi 600.000 đồng/sào (gần 17 triệu đồng/ha).
Ông Tranh cũng cho biết so với vụ lúa xuân năm trước, ông bị thất thu khoảng 400.000 đồng/sào do ảnh hưởng thời tiết và giá lúa gạo giảm thấp. Giống Nếp 415 (địa phương thường gọi nếp ngố vì hạt lúa to hơn bình thường) thời gian sinh trưởng khá dài (145 - 150 ngày) nhưng là giống chịu rét, chịu thâm canh, năng suất cao (70 - 75 tấn/ha), gạo trong, cơm ngon, thơm dẻo, luôn bán được giá cao.
Qua thực tế sản xuất cánh đồng lúa lớn nhiều năm, ông Tranh chỉ ra: Dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa hiệu quả không cao bằng cải tiến vòi xịt rửa ô tô, xe máy, sau gắn với đầu máy cày, máy bơm nước hoặc máy phát điện rồi kéo dài vòi ống đi phun khắp cánh đồng.
"Phun bằng máy bay không người lái tốc độ chạy nhanh, dung lịch phun pha đặc, độ tản mát của thuốc cao, thuốc khó tiếp xúc vào các vị trí sâu bệnh hại nặng, nhất là tại các phần thân, gốc lúa và bộ phận lá bên dưới cây. Đây cũng là nhận xét chung của các nhà nông sản xuất cánh đồng lúa lớn ở Hưng Yên và Hải Dương", ông Tranh nhận xét.
Để thâm canh lúa Nếp 415, cần cày lồng đất kỹ, nhuyễn, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, vàng lá sinh lý, sâu cuốn lá, đục thân... Năng suất Nếp 415 trung bình đạt 2,4 - 2,5 tạ/sào, thâm canh tốt và thời tiết thuân lợi năng suất có thể đạt 2,6 - 2,8 tạ/sào.
Thị trấn Yên Mỹ là trung tâm xay xát lúa gạo lớn ở miền Bắc. Gạo nếp chế biến tại đây chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra còn cung ứng cho tiêu dùng ở vùng cao Tây Bắc. Hiện nay, bà con các dân tộc ở Tây Bắc đang tích cực chuyển đổi diện tích lúa năng suất bấp bênh sang trồng rau và cây ăn trái, cho hiệu quả canh tác cao hơn. Theo đó, Tây Bắc đang là thị trường tiêu thụ lúa gạo lớn, bao gồm gạo nếp các loại”, ông Lương Đình Tranh tiết lộ.