| Hotline: 0983.970.780

Nở rộ những 'đại điền chủ' ở xứ Đông

Thứ Năm 15/09/2022 , 07:15 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Dù không sở hữu 'bờ xôi ruộng mật', nhưng Thanh Miện (Hải Dương) lại hầu như không có tình trạng bỏ ruộng, bởi ở đây hình thành rất nhiều 'đại điền chủ'.

Ai bảo trồng lúa không giàu!

Đến thăm cánh đồng lúa lớn của ông Trần Văn Ái ở xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương), ông cho biết từ năm 2014 đến nay đã gieo cấy gần 40ha lúa và trồng ngót 20ha cây vụ đông, quân bình mỗi năm sản xuất và bán cho người tiêu dùng trên 400 tấn thóc và 700 - 800 tấn bắp cải các loại, trừ hết chi phí đầu tư, còn dư ra được hơn 600 triệu đồng/năm.

vungtronglua

Những cánh đồng lớn ngày càng nở rộ ở Thanh Miện (Hải Dương). Ảnh: BHD.

Để có được cánh đồng thẳng cánh cò bay như thế, ông Ái phải trải qua rất nhiều chật vật. Ban đầu là thuê lại quyền sử dụng đất của các hộ không có nhu cầu sản xuất hoặc ruộng đang cấy lúa nhưng năng suất bấp bênh. Tiếp đó phải dồn đổi lại ruộng với các hộ khác cho gọn vùng, theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Nhờ đó, ông Ái mới có được cánh đồng đủ rộng liền vùng, liền khoảnh, thuận tiện cho cơ giới hóa sản xuất.

Những hộ đổi ruộng cho ông Ái cũng sẽ nhận được ruộng dễ canh tác hơn, dễ có năng suất lúa cao hơn... Cuối cùng, ông Ái phải tiến hành chỉnh trang lại đồng ruộng, củng cố hệ thống tưới tiêu, mở rộng bờ vùng bờ thửa, mua sắm máy lồng, máy cày rồi mới triển khai gieo cấy...

Ông Ái cho biết, Thanh Miện là địa phương thuần nông, quân bình mỗi hộ chỉ có khoảng 0,35ha canh tác, nhưng đa số là ruộng thấp trũng, năng suất lúa chỉ đạt 63 - 75 tạ/ha (tùy theo giống), sản xuất lấy công làm lãi còn được 50% sản lượng thu hoạch, nếu thuê mượn thêm lao động, giá trị thu nhập sẽ giảm chỉ còn 20 - 40%.

Vì thế nhiều năm trước đây, gia đình ông Ái đã phải sống ở ngưỡng cận nghèo. Để có thể thoát nghèo, vợ chồng ông Ái đã mở thêm nghề gạo xáo - mua gom thóc của người dân trong vùng về xay xát, bán cho người tiêu dùng. Dần dà, ông Ái đã xây dựng được thị phần cung ứng lúa gạo ổn định trong khu vực.  

z3719331091528_a7925b860a4e1430fc624c9b022bd5ae

Với diện tích tập trung 40ha, ông Ái chủ yếu cấy giống lúa Q5 để phục vụ nhu cầu chế biến. Ảnh: H.Tiến.

Phát huy kết quả đạt được, ông Ái quyết định sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Nhờ vậy, ông luôn có được nguồn lợi nhuận trên dưới 600 triệu đồng/năm như đã nêu. Đồng thời, ông còn giúp cho hàng chục lao động nông nhàn của địa phương có việc làm ổn định, mức thu nhập từ 200 - 500 nghìn đồng/ngày, tùy theo công việc. “Đôi khi cần gieo cấy kịp thời vụ hoặc phải chống úng khẩn cấp, tôi phải trả tới 1 triệu đồng cho 1 công lao động”, ông Ái tiết lộ.

Để đảm bảo đủ lượng thóc, gạo cung ứng cho các mối hàng, ông Ái cơ bản chỉ gieo cấy giống lúa Q5, đây là mặt hàng rất được ưa chuộng trong các làng nghề bánh tráng, nấu rượu, bún tươi, bún khô. Vì gạo Q5 đưa vào chế biến mì, bún, rượu rất “dôi” sản phẩm so với làm từ các loại gạo khác. Giống lúa này còn cho tiềm năng năng suất cao, khả năng kháng bệnh cao, cứng cây, chịu úng ngập và chống đổ ngã tốt, rất phù hợp cho canh tác bằng máy.

z3719012495983_957e16f7ef333ba59df9e384f9217487

Khâu phun thuốc BVTV hiện nay vẫn còn tốn nhiều công lao động, cần phải cơ giới hóa tại mô hình của ông Ái. Ảnh: H.Tiến.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, phong trào tích tụ ruộng đất, thâm canh lúa theo cánh đồng lớn ở Thanh Miện đang phát triển khá nhanh, riêng địa bàn xã Ngũ Hùng có 4 - 5 hộ tích tụ được ruộng 10ha trở nên. Đây cũng là lý do đồng đất của địa phương này không thuộc diện “bờ xôi ruộng mật” nhưng nông dân không bỏ hoang ruộng.

Cần hoàn thiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất

Dù ngày càng xuất hiện nhiều "đại điền chủ", tuy nhiên trong sản xuất lúa tại những cánh đồng lớn ở Thanh Miện vẫn còn nhiều khâu đang sản xuất thủ công, cần phải tiếp tục đồng bộ cơ giới hóa, đồng thời đưa các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác khoa học, tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, tăng hơn nữa lợi nhuận.

Khi được hỏi sản xuất lúa đã cơ giới hóa những khâu nào? Ông Ái cho hay, vẫn bón phân, sạ giống lúa bằng tay, kể cả phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng mới cơ giới hóa được gần 50% nên tiêu tốn khá nhiều tiền cho thuê mượn người làm thủ công. Thực tế, ông Ái phải dùng động cơ máy làm đất và 3 - 4 người kéo vòi ống đi bơm phụt thuốc trừ sâu bệnh cho khắp cánh đồng, rất vất vả và tốn kém.

z3719012443663_0c2b797cd1f5db0d21e05bf45827d11c

Việc phun thuốc BVTV thủ công tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Ảnh: H.Tiến.

Theo tính toán của TS Lê Quý Kha, cố vấn cao cấp về khoa học công nghệ nông nghiệp của Công ty Cổ phần Đại Thành: Nếu ông Ái dùng drone (máy bay không người lái) thay cho các khâu còn phải làm thủ công (bón phân, sạ giống, phun thuốc BVTV), lợi nhuận hàng năm từ cây lúa sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu đồng nữa. Đặc biệt, lúa canh tác bằng máy móc sẽ đảm bảo được “nhất thì, nhì thục”, năng suất sẽ còn tăng cao hơn đáng kể.

Ngoài ra dùng drone, chỉ cần bón phân vi sinh chuyên dụng, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, sẽ đảm bảo hiệu quả sản xuất gia tăng, tiết giảm kinh phí, tránh gây ô nhiễm môi trường sinh thái, không ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

“Để chắc chắn, trong thời gian đầu, nhà nông nên thuê drone từ các công ty chuyên nghiệp về dịch vụ này trên đồng ruộng của mình, để vừa học hỏi cách vận hành thực tế, vừa so sánh giữa thuê mượn drone với mua thẳng nông cụ này, xem cách làm nào có lợi hơn để quyết định”, TS Lê Quý Kha khuyến cáo.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.