| Hotline: 0983.970.780

Canh 'giặc lửa' giữ rừng xuyên lễ

Thứ Hai 29/04/2024 , 20:27 (GMT+7)

Nắng nóng đặc biệt gay gắt trong những ngày qua đưa mức cảnh báo cháy rừng trên địa bàn Hà Tĩnh lên cấp nguy hiểm (cấp 4) và cực kỳ nguy hiểm (cấp 5).

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với một năm nắng nóng gay gắt song diễn biến cực đoan của thời tiết khiến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn.

Qua số liệu thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, từ đầu tháng 4 đến nay trên địa bàn xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt, độ ẩm trong không khí, trong đất thấp. Đặc biệt, 4 ngày gần đây nền nhiệt luôn duy trì ở mức 41 – 42 độ C khiến cỏ cây khô héo, thiếu nước trầm trọng.

Rừng trồng thông, keo, tràm là những diện tích cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Thanh Nga.

Rừng trồng thông, keo, tràm là những diện tích cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Thanh Nga.

“Diện tích rừng lõi chưa đến mức báo động nhưng rừng tự nhiên hỗn giao gỗ, giang, nứa; rừng trồng thông, keo, tràm…nguy cơ cháy rất cao”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.

Theo vị lãnh đạo, khu vực “giặc lửa” đe dọa nhiều nhất nằm ở các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh; một phần ở huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn.

Địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có 1.309 ha rừng, trong đó, 79 ha rừng tự nhiên; hơn 1.200 ha rừng trồng. Diện tích rừng ở Hồng Lĩnh nằm trên địa bàn hành chính của 5 phường và chủ yếu là rừng trồng thuần loài như thông nhựa, keo, tràm… Nắng nóng kỷ lục những ngày qua đưa mức cảnh báo cháy rừng ở địa phương này lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ông Thái Vi, ở phường Đậu Liêu được giao khoán chăm sóc, bảo vệ 30ha rừng trồng. Trước mùa nắng nóng, gia đình đã chặt, tỉa cành khô, dọn dẹp thực bì; đồng thời ký cam kết thực hiện tốt việc bảo vệ rừng; thường xuyên nhắc nhở người dân, du khách ra vào rừng không xả rác, đốt lửa bừa bãi đề phòng gây cháy rừng.

“Tuy nhiên, nắng nóng cực đoan nếu còn kéo dài, chắc chắn công tác phòng cháy sẽ cực kỳ vất vả”, ông Vi lo ngại.

Những ngày nghỉ lễ 30/4, người người nhà nhà đi du lịch, nghỉ dưỡng bên gia đình nhưng 15 cán bộ, công chức Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn vẫn phải trực gác 24/7 tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

Lãnh đạo UBND huyện và Hạt Kiểm lâm Hương Sơn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong dịp nghỉ lễ 30/4. Ảnh: Thanh Nga.

Lãnh đạo UBND huyện và Hạt Kiểm lâm Hương Sơn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong dịp nghỉ lễ 30/4. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết, trên tổng diện tích hơn 84.000 ha rừng và đất lâm nghiệp đơn vị đang quản lý, bảo vệ, hiện có khoảng 25.000 ha rừng bị "bà hỏa" đe dọa. Trong đó, 3.000 ha rừng thông, chủ yếu ở 5 xã Kim Hoa, Sơn Bình, Sơn Trung, Sơn Lễ, Sơn Tiến và một số diện tích rừng hỗn giao ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng đặc biệt dễ cháy.

“Diện tích rừng giang, nứa khó cháy nhưng nếu bị “giặc lửa” điểm mặt chỉ tên sẽ rất khó chữa cháy. Vì vậy, chúng tôi lấy phương châm “phòng là chính”. Trong dịp nghỉ lễ, toàn bộ quân số đều phải trực PCCCR. Riêng 2 trạm kiểm lâm địa bàn xã Sơn Tây và Sơn Lĩnh hơn 1 tháng nay luôn có 2 Phó Hạt trưởng cắm chốt”, ông Danh chia sẻ.

Theo ông, giai đoạn này đang bước vào mùa khai thác mật ong, lượng người vào rừng lớn nên bà con cần nâng cao ý thức trong việc phòng cháy chữa cháy rừng. Tuyệt đối không mang vật liệu dễ cháy vào rừng, dừng xử lý thực bì bằng lửa. Về phía chính quyền địa phương, tuyên truyền liên tục, sâu rộng về công tác PCCCR, nhất là đối với người dân sinh sống gần rừng, các hộ được giao đất giao rừng, các em học sinh; đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp PCCCR theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm tăng sự chủ động trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Đối với thị xã Hồng Lĩnh, ngay từ đầu năm 2024, địa phương đã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo đơn vị chức năng, chủ rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ nắng nóng cao điểm về nguy cơ cháy rừng.

UBND thị xã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các phường và đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân; hướng dẫn, kiểm tra công tác đốt, dọn thực bì và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với hộ dân có diện tích đất sản xuất gần rừng. Hướng dẫn các hộ có rừng xây dựng phương án PCCCR theo nguyên tắc 4 tại chỗ; chú trọng tu bổ các đường băng, đường ranh cản lửa, chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, vật tư, phương tiện để PCCCR.

Ông Kiều Đình Linh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Hồng Lĩnh cho hay, đơn vị đã phối hợp với chủ rừng tu bổ gần 20km đường băng, đường ranh cản lửa; gắn biển báo, biển cấm lửa tại những vị trí theo quy định và khu vực có nguy cơ cháy cao; phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo, UBND các phường, xã trực tiếp tuyên truyền cho học sinh, ban cán sự tổ dân phố; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với các tổ dân phố.

Các biển báo 'cấm lửa' được lắp đặt dày đặc tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Thanh Nga. 

Các biển báo "cấm lửa" được lắp đặt dày đặc tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Thanh Nga. 

Đặc biệt, năm nay, thị xã Hồng Lĩnh đầu tư lắp đặt camera giám sát lửa rừng ở 3 vị trí, gồm: đường lên chùa Long Đàm - Thiên Tượng và rừng trên địa bàn phường Đức Thuận; đường lên chùa Hang và rừng trên địa bàn phường Nam Hồng; đường lên Suối tiên - hồ Thiên Tượng và rừng trên địa bàn phường Bắc Hồng.

“Việc lắp 'mắt thần' hỗ trợ lực lượng kiểm lâm rất hiệu quả trong việc phát hiện sớm các điểm phát lửa, nhất là những khu vực trên cao, xa khu dân cư”, ông Linh chia sẻ thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất