| Hotline: 0983.970.780

Nhiều cánh rừng ở Bình Định đối mặt nguy cơ cháy cao

Thứ Hai 29/04/2024 , 09:36 (GMT+7)

Bình Định đang nắng nóng khốc liệt, ngành chức năng tỉnh này đã phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V trên địa bàn toàn tỉnh…

Bám sát cơ sở

Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trên địa bàn tỉnh này hiện có trên 214.500 ha rừng tự nhiên và trên 131.000 ha rừng trồng. Hiện mới đầu mùa khô mà nắng nóng khắc nghiệt đã bao trùm Bình Định, những cánh rừng đã mất dần màu xanh, ngành chức năng tỉnh này đã phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) trên địa bàn toàn tỉnh.

Xác định một trong những nguyên nhân gây cháy rừng là do người dân sử dụng lửa bất cẩn trong rừng, đặc biệt là xử lý thực bì lúc thời tiết nắng nóng mất kiểm soát gây cháy lây lan. Do đó, trong những ngày qua, ngành kiểm lâm cấp huyện tăng cường lực lượng về đứng chân cơ sở, lực lượng kiểm lâm địa bàn thì phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, nghiêm cấm không cho sử dụng lửa xử lý thực bì.  

Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định), Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn cùng Trạm Sản xuất lâm nghiệp Bình Tân phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định), Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn cùng Trạm Sản xuất lâm nghiệp Bình Tân phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ở huyện trung du Tây Sơn, nơi có hơn 10.124 ha rừng; trong đó, có hơn 8.921 ha rừng tự nhiên và hơn 1.292 rừng trồng. Trong mùa nắng nóng, Tây Sơn là 1 trong những địa phương được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng rất cao.

Theo ông Sử Thành Nhơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, nếu trong 30 ngày liên tục mà trên địa bàn không có mưa là phải cảnh báo cấp dự báo cháy rừng cấp 5. Trước dự báo năm nay Bình Định sẽ phải đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt, ngay từ đầu năm đến nay, kiểm lâm địa bàn huyện Tây Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng chục buổi họp dân sống cạnh rừng để tổ chức tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng trong điều kiện nắng nóng.

Cũng theo ông Nhơn, để đảm bảo công tác PCCCR trên địa bàn đạt hiệu quả, UBND huyện Tây Sơn đã kiện toàn Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và PCCC cấp huyện và 12 ban cấp xã gồm 270 thành viên; kiện toàn 47 tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng gồm gần 600 người. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cũng đã xác định 22 tiểu khu tại 10 địa phương có rừng trên địa bàn huyện nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Phát dọn thực bì ngăn chặn nạn cháy rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Phát dọn thực bì ngăn chặn nạn cháy rừng. Ảnh: V.Đ.T.

“Từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, giai đoạn nắng nóng gay gắt, lực lượng kiểm lâm huyện trực chiến 24/24, kiểm lâm địa bàn thì thường xuyên phối hợp với tổ quản lý bảo vệ rừng các xã tổ chức tuần tra, để kịp thời ngăn chặn các hộ trồng rừng trên địa bàn xử lý thực bì bằng lửa sau khai thác rừng trồng”, ông Sử Thành Nhơn cho hay.

“Điểm danh” những vùng rừng trọng điểm

Ngành chức năng huyện Tây Sơn đã xác định các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, như: Tiểu khu 301, 308 thuộc xã Bình Nghi; tiểu khu 228, 242, 241, 252A thuộc xã Bình Tân; tiểu khu 261 thuộc xã Bình Thành; tiểu khu 283, 271B thuộc xã Bình Tường; tiểu khu 259, 271A thuộc xã Tây Giang; tiểu khu 235, 249, 258 thuộc xã Tây Thuận; tiểu khu 307 thuộc xã Tây Xuân; tiểu khu 288, 294 thuộc xã Tây Phú, tiểu khu 287B, 304, 295, 282B thuộc xã Vĩnh An và tiểu khu 252B thuộc xã Bình Thuận.

“Lực lượng kiểm lâm huyện Tây Sơn chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã cử lực lượng cùng kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra kiểm soát, chốt chặn những khu vực rừng trồng 24/24 để phát hiện sớm lửa rừng. Kiểm kê lại dụng cụ PCCCR, để khi có cháy rừng xảy ra thì thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, kiểm lâm địa bàn phải nắm chắc các hộ dân có rừng trồng đang thu hoạch để kiểm soát việc xử lý thực bì sau khai thác”, ông Sử Thành Nhơn cho hay.

Biển cấm lửa trong khu rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) trồng tại huyện Tây Sơn. Ảnh:

Biển cấm lửa trong khu rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) trồng tại huyện Tây Sơn. Ảnh:

Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong những năm qua, ngành kiểm lâm tỉnh này đã phát huy hiệu quả việc sử dụng thông tin từ trang tin phòng cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm, thường xuyên cập nhật thông tin về các khu vực trong tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp IV, V; bản đồ cảnh báo cháy rừng trong tỉnh. Thêm vào đó, 1 số hạt kiểm lâm, cán kiểm lâm địa bàn cũng đã chủ động cài đặt thêm phần mềm chuyên dụng như phần mềm vTools For Survey… trên điện thoại di động để thông qua hình ảnh vệ tinh phát hiện cháy rừng ở địa bàn quản lý.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng để phát hiện sớm các biến động rừng, cháy rừng; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái phục vụ kiểm tra, phát hiện biến động rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị có liên quan”, ông Lê Đức Sáu cho hay.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.