Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, bão số 3 đã làm chết khoảng 400.000 con gia súc, gia cầm, tập trung ở các địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Tiên Yên. Nhiều trang trại, chuồng nuôi bị tốc mái, đổ tường, ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngay sau bão, Chi cục đã phân công cán bộ đến các địa phương bị ảnh hưởng, phối hợp với chính quyền cấp xã, đơn vị chuyên môn đến cơ sở hộ chăn nuôi, hướng dẫn bà con khắc phục, cải tạo lại chuồng trại và môi trường. Đặc biệt, công tác khử trùng tiêu độc, dọn dẹp chuồng trại, kiểm tra tình trạng sức khỏe của gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, hướng dẫn người dân chăm sóc, hỗ trợ tăng sức đề kháng, vacxin phòng bệnh. Ngoài ra, cán bộ thú y cơ sở phối hợp với người dân thu gom và xử lý xác động vật chết bằng hình thức chôn hoặc đốt để giảm lây lan dịch bệnh hoặc ô nhiễm môi trường.
Chi cục khuyến cáo tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm ở những khu vực bị ô nhiễm chưa được xử lý vệ sinh; không để gia súc, gia cầm uống nước giếng, ao, hồ bị nhiễm bẩn. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi bị lũ lụt.
Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm, người chăn nuôi cần thông báo ngay đến cơ quan chuyên môn, thú y để phối hợp xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra môi trường.
Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định sinh kế cho người dân, Chi cục khuyến cáo các hộ nuôi chỉ tái đàn vật nuôi khi đã gia cố xong chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi đầy đủ, khu vực chăn nuôi đã được vệ sinh đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định.