Những thành quả ở vùng biên giới
Sau nhiều năm đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội của vùng biên giới hiện tại cũng có những điểm tích cực. Cụ thể như: 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 91% đã đường nhựa và đường bê tông hóa; 69% xóm, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 91% số hộ dân được dùng điện lưới Quốc gia và phần lớn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện biên giới hàng năm giảm trung bình khoảng 5,2%.
Về giáo dục, cơ bản các xã biên giới đã được phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở; được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
Về lĩnh vực kinh tế cửa khẩu, tỉnh Cao Bằng cũng đã ký kết với Khu tự trị dân tộc Choang (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, kinh tế của khẩu, nông nghiệp và du lịch. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,4%/năm. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên chỉ đạt là 600 triệu USD.
Tỉnh Cao Bằng xác định triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu giao thương, kết nối với phía cơ quan chức năng của Trung Quốc về những chính sách tạo điều kiện cho hàng hóa qua biên giới. Đồng thời Cao Bằng cũng đề xuất với Chính phủ cho khơi thông tuyến vận tải quốc tế theo hướng đường cao tốc; đề xuất xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua cửa khẩu Trà Lĩnh (Phía Trung Quốc gọi là Long Bang), qua đó góp phần hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới tỉnh Cao Bằng thuận lợi hơn.
Khu kinh tế cửa khẩu cũng thu hút được 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 36,8 triệu USD, 65 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký là 14.000 tỷ đồng. Hiện đã có 35 dự án đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng, góp phần hoàn thiện hạ tầng khu vực biên giới.
Biên giới Cao Bằng còn nghèo khó
Tuy nhiên, khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, đời sống kinh tế và nhận thức của người dân chưa cao. Nhiều vấn đề khác, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã làm chậm quá trình phát triển của kinh tế vùng biên Cao Bằng.
Cao Bằng có tổng cộng 37 xã tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, thuộc 7 huyện (Thạch An, Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc và Bảo Lâm). Phần lớn người dân ở các xóm giáp biên giới qúa nghèo, chuyện thiếu ăn mỗi năm 2 – 3 tháng là bình thường; những vấn đề như không có đường giao thông, không điện lưới Quốc gia, thiếu nước sinh hoạt… là vấn đề đang diễn ra.
Cái nghèo vẫn bủa vây đa số các xã biên giới ở tỉnh Cao Bằng, đời sống người dân hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn điều đó được thể hiện qua những con số biết nói. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã còn rất cao, chiếm hơn 40%. Cá biệt có những xã tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 50% (theo tiêu chí cũ) và đều thuộc vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng là các xã: Tổng Cọt 61,4%, Cải Viên 60,8%, Nội Thôn 59,1%, Lũng Nặm 56,4%,... Nếu tính theo tiêu chí mới, số hộ nghèo còn cao hơn rất nhiều, nhiều xã tỷ lệ lên tới trên dưới 60%.
Đường giao thông đến các xóm vùng cao khu vực biên giới chủ yếu vẫn là đường cấp phối, đường đất, thậm chí là đường mòn nên việc đi lại, giao lưu buôn bán có nhiều hạn chế. Nhiều xã ngay cả nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng thiếu, chứ chưa nói gì đến nước sản xuất. Nghiêm trọng nhất là vùng lục khu huyện Hà Quảng không có nước khe, nước ngầm nên chủ yếu sử dụng nước mưa chứa bằng các bể lu, bể vuông gia đình. Vào mùa khô thường xuyên bị thiếu nước do ít được đầu tư các bể nước tập trung hoặc các hồ treo chứa nước.
Người dân mong các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cần quan tâm hơn nữa để sớm có giải pháp hiệu quả để người dân thoát nghèo bền vững, đời sống được nâng cao.
Các nguồn lực được ưu tiên đầu tư
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã đưa rất nhiều giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn, tạo động lực cho nhân dân phát triển kinh tế, tiếp cận được với điều kiện tối thiểu trong cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 6602 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn, nhằm tạo động lực cho người dân yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết căn bản “lõi nghèo” của tỉnh. Qua đó thực hiện tốt chủ trương lớn, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không ai bị bỏ lại phía sau” do Trung ương phát động.
Tỉnh Cao Bằng triển khai chính sách phát triển nông – lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xác định nông nghiệp vẫn là hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân, vì vậy triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo vùng khí hậu và theo hướng kinh tế hàng hóa. Để thực hiện tốt, việc hỗ trợ vốn và đưa cán bộ kỹ thuật về các xã, xóm, bản để hướng dẫn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, biết cách áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nói riêng và các mặt đời sống nói chung.
Quan trọng nhất và được người dân quan tâm nhất, đó là việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, nhất là giao thông nông thôn; xây dựng công trình cấp điện lưới quốc gia trong giai đoạn 2020 – 2025 cho các địa bàn chưa có điện. Các xóm, bản đặc biệt khó khăn khu vực biên giới sẽ được tỉnh Cao Bằng ưu tiên đầu tư sớm nhất.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, một số lĩnh vực khác cũng được đưa ra như: Phát triển ngành du lịch dựa trên cơ sở là đặc điểm kinh tế. xã hội của từng vùng, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm nâng cao dân trí cho nhân dân vùng biên giới thông qua các giải pháp về duy trì phổ cập giáo dục các cấp học; ưu tiên tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số vào các trường nội trú; tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn.