Những con số buồn
Tính đến 31/5/2021, tỷ lệ số hộ dân trên toàn tỉnh Cao Bằng được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 91,3%, đây là tỷ lệ rất thấp so với con số bình quân chung của cả nước là hơn 99%. Những nơi người dân chưa có điện tập trung số lượng khá lớn ở các xã thuộc khu vực biên giới. Trong 37 xã biên giới trên toàn tỉnh, có 24 xã đã có 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới, còn 13 xã thiếu điện thuộc các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và Hà Quảng.
Cá biệt là huyện Bảo Lạc, có 5 xã biên giới là Khánh Xuân, Cốc Pàng, Thượng Hà, Cô Ba và Xuân Trường, thì cả 5 đều có tỷ lệ số hộ dân chưa được sử dụng điện rất cao, xã ít nhất là hơn 12%, và nhiều nhất là khoảng 50%. Theo báo cáo của huyện Bảo Lạc, hàng năm huyện cũng đã tận dụng các nguồn vốn để đầu tư vào các dự án kéo điện lưới về cho các xã, xóm, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên đầu tư còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Giải thích vì sao huyện Bảo Lạc lại có tỷ lệ người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia cao nhất tỉnh Cao Bằng, ông Lê Hoàng Cương, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lạc cho biết: Bảo Lạc có địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt là nhiều xã biên giới có những xóm cheo leo trên vùng núi đá, chưa có đường giao thông đến xóm. Người dân lại sống rải rác thành từng nhóm hộ nên việc kéo điện đến những xóm này rất khó khăn do nguồn kinh phí lớn.
Vùng tối Khánh Xuân
Khánh Xuân là một xã biên giới và có tỷ lệ người dân được sử dụng điện thấp nhất tỉnh Cao Bằng. Cả xã chỉ có 5/13 xóm có điện lưới quốc gia, trong đó chỉ có 3 xóm là Cốc Pục, Bản Phuồng, Kha Rào là 100% số hộ dân được sử dụng điên, 2 xóm còn lại vẫn còn nhiều nhóm dân cư chưa có. Có tới 8 xóm, bản vùng cao chưa có điện, điều này làm làm cho xã Khánh Xuân có tới khoảng 50% người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Triệu Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân thông tin: Nhiều năm qua, xã đã có đề xuất xin các cấp đầu tư kéo điện lưới về các xóm vùng cao, giúp người dân tiếp cận được ánh sáng văn minh, mở mang tri thức, góp phần vào nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Người dân ở Khánh Xuân ngày ngày khao khát ánh điện, điều đó được thể hiện bằng việc họ tìm mọi cách để có điện. Như việc ở xóm Lũng Rì, xóm gần nhất trong 8 xóm vùng cao chưa có điện, 20 hộ dân đã tự đóng góp số tiền hơn 5 triệu/hộ để mua khoảng 5km dây điện kéo về bản chia nhau dùng. Nhưng do đường điện quá xa, dây cáp nhôm kém chất lượng nên mỗi nhà chỉ có thể thắp được 1 bóng (loại tiết kiệm điện 5W) mà cũng phập phù, chứ không thể dùng thêm được các vật dụng khác như tivi, tủ lạnh.
Xóm Hò Lù là một trung những xóm vùng cao khó khăn nhất của xã biên giới Khánh Xuân, người dân ở đây cơ bản là người dân tộc Dao và đều là hộ nghèo. Theo thông tin của ông Chảo Quẩy Cao, Trưởng xóm Hò Lù, được biết nơi đây được công nhận là xóm 3 không vì không điện, không đường, không công trình nước sạch.
Buổi tối người dân chủ yếu sử dụng đèn dầu nhưng cũng chỉ dám thắp một chút buổi tối, không dám dùng nhiều vì sợ tốn tiền dầu. Mùa đông hay mùa hè cũng vậy, nhiều gia đình 6 - 7 giờ tối đã tắt đèn đi ngủ. Cuộc sống quanh năm tăm tối, thiếu ánh điện nên người dân chưa được tiếp cận văn minh thường xuyên như các nơi khác. Người dân Hò Lù mong được kéo điện lưới, làm đường bê tông đến xóm nhưng đó vẫn là mơ ước khá xa vời.
Ước mơ tivi
Trong căn nhà xiêu vẹo nơi lưng chừng núi ở xóm Lũng Rì (xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc), chúng tôi ngồi trò chuyện cùng với cậu bé có tên Chảo Y Quẩy. Quẩy vừa học hết lớp 5, chuẩn bị được lên lớp 6. Phóng viên cảm thấy nghẹn đắng ở cổ họng khi được nghe những tâm sự của Quẩy, về mơ ước hiện tại của cậu bé, một điều tưởng chừng như rất bình thường ở nơi khác, nhưng lại chưa biết đến bao giờ mới có ở nơi biên cương này.
Quẩy nói: Cháu muốn được xem tivi như các bạn ở dưới xã, dưới phố, nhưng nhà cháu không có, ở xóm trước cũng có nhà có tivi nhưng không có điện để xem. Cháu được nghỉ hè thì về nhà làm việc cùng bố mẹ, đi chăn bò, không có việc thì đi chơi với các bạn trong xóm.
Mơ ước của cậu bé Quẩy, có lẽ cũng là mơ ước chung của những trẻ em nói riêng và người dân ở nhiều xóm, bản nơi biên giới Cao Bằng. Thiếu điện là rào cản ngăn con người được tiếp cận với ánh sáng văn minh, ánh sáng tri thức. Được sử dụng điện lưới không chỉ là đáp ứng một phần nhu cầu của đời sống, mà người dân được xem tivi để giải trí và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi để sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Do không có điện lưới quốc gia và cũng không có có sông, suối để đặt máy phát điện nên nhiều năm nay, đời sống, sinh hoạt của người dân nhiều xóm, nhóm hộ ở xa vẫn chìm trong tối tăm, lạc hậu. Các thiết bị sử dụng điện, như tivi, quạt máy hay đài ... đều không thể dùng được ở nơi này.
Không có điện, niềm vui duy nhất của người dân vào mỗi tối là quây quần bên bếp lửa, trò chuyện với nhau. Ai cũng khát khao có điện lưới quốc gia để được xem tivi, hay đơn giản chỉ là thắp lên ánh điện chiếu sáng cho gia đình sinh hoạt tiện lợi hơn.
Tỉnh Cao Bằng đã cấp phép cho hàng chục dự án thủy điện lớn, nhỏ xây dựng ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, có giá trị đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ. Trong đó, công trình thủy điện lớn tập trung ở các huyện biên giới Bảo Lâm (thủy điện Bảo Lâm 1 có công suất 30MW, thủy điện Bảo Lâm 3 công suất 46MW, thủy điện Bảo Lâm 3A công suất 8MW) và huyện Bảo Lạc (thủy điện Bảo Lạc A công suất 30MW, thủy điện Bảo Lạc B công suất 18MW).
Nhưng thật trớ trêu là, chính 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc lại có tỷ lệ người dân chưa được dùng điện lưới quốc gia cao nhất của tỉnh Cao Bằng.