Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức bế giảng và trao chứng nhận cho 20 cán bộ đã hoàn thành khóa đào tạo giảng viên TOT về quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa năm 2023.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, các giảng viên được cấp chứng nhận đã trải qua khóa đào tạo gần 3 tháng gồm lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng.
Theo ông Hiển, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) ra đời và được các nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam quan tâm từ rất sớm. Chương trình IPM quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 1992, với sự hỗ trợ của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) để đối phó với tình hình bộc phát của sâu hại do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Chương trình IPM áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp dựa trên phương pháp tiếp cận sinh thái, giúp nông dân hiểu rõ hệ sinh thái đồng ruộng, sử dụng các phương thức canh tác hợp lý. Từ đó, đưa ra các quyết định hiệu quả trong quản lý hệ thống sản xuất, hướng tới mục tiêu trồng cây khỏe và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên thông qua khóa đào tạo giảng viên TOT thực hành (người trực tiếp mở lớp FFS-IPM cơ bản) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk đã tổ chức khoá đào tạo giảng viên TOT thực hành về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa năm 2023 (khai giảng vào ngày 26/7).
Thời gian lớp học kéo dài 16 tuần trong suốt vụ lúa hè thu 2023 để học viên có điều kiện nghiên cứu đầy đủ các giai đoạn trong chu kỳ phát triển của cây lúa. Các học viên có điều kiện thực hành đầy đủ các biện pháp kỹ thuật từ làm đất, gieo cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, hạch toán kinh tế. Đồng thời, được nâng cao kỹ năng huấn luyện nông dân thông qua 4 lớp FFS-IPM trên cây lúa tại các xã Ea Nuôl, Ea Wer (huyện Buôn Đôn); xã Ea Bông, Đray Sáp (huyện Krông Ana) với 120 nông dân tham dự.
20 học viên là cán bộ kỹ thuật của các trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố nhằm tạo nguồn giảng viên cho chương trình IPM của tỉnh. Các học viên khi được cấp chứng chỉ sẽ bổ sung nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn cao, góp phần đẩy mạnh chương trình IPM tại các địa phương.