| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh dành nguồn lực lớn cho IPM

Thứ Tư 22/02/2023 , 13:51 (GMT+7)

Triển khai chương trình IPM trên cây trồng, Quảng Ninh đã dành nguồn lực lớn về kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân.

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) đang được người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng...

Vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai chương trình IPM trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp, thực hiện ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.

20210722_082345

Người dân thực hành tại lớp học IPM ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2022, cấp tỉnh đã tổ chức 7 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với 210 học viên tham gia (trên cây lúa 4 lớp; trên cây ngô 2 lớp, trên cây ăn quả 1 lớp) với tổng kinh phí thực hiện hơn 614 triệu đồng.

Cấp huyện đã tổ chức 29 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với 840 học viên tham gia (trên cây lúa 17 lớp; cây rau màu 6 lớp; cây ăn quả 4 lớp; cây dược liệu và cây công nghiệp 1 lớp), tổng kinh phí thực hiện hơn 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức được 41 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và bảo vệ thực vật, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng với 2.050 lượt người tham gia; các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 91 lớp với 4.242 lượt người tham gia.

Trong năm 2022, cấp tỉnh đã xây dựng 10 mô hình IPM lồng ghép trong các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) và mô hình khảo nghiệm giống mới kết hợp IPM với diện tích 8,64ha. Các địa phương đã xây dựng 29 mô hình thông qua các ruộng học tập của lớp huấn luyện IPM. Nhiều mô hình IPM được lồng ghép thực hiện cùng với các chương trình khuyến nông và chương trình khác.

Các mô hình thực hành, ứng dụng IPM trên các cây trồng (lúa, rau, cây ăn quả...) tại các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt đã đem lại hiệu quả về kinh tế cho người dân, là cơ sở để nhân rộng và tuyên truyền chương trình IPM trong cộng đồng.

20210722_092058

Những lớp học IPM góp phần giúp nông dân Đất mỏ từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đơn cử, năng suất trung bình của giống lúa ST25 tại một số địa phương như huyện Tiên Yên, Hải Hà, TP Uông Bí... đều đạt 55 - 60 tạ/ha. Sản phẩm gạo được đánh giá có chất lượng thơm ngon, giá bán cao hơn các sản phẩm thông thường từ 50 - 70%.

Ngoài ra, các mô hình trồng cây dược liệu, trồng xen cây dược liệu với cây lâm nghiệp cũng được quan tâm triển khai thực hiện như mô hình nhân giống trà hoa vàng bằng phương pháp chiết cành tạo cây thế tiểu cảnh, trồng cây giổi xanh xen kẽ cây dược liệu sâm cau đỏ, trồng lim xanh xen kẽ cát sâm tại một số huyện phía đông của tỉnh đã góp nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống của người dân bản địa.

Đặc biệt, việc áp dụng IPM giúp giảm số lần phun thuốc BVTV trên cây trồng từ 1 - 2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc BVTV và công phun thuốc từ 90.000 - 180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4 - 4,9 triệu đồng/ha/vụ).

Bên cạnh đó, năng suất cây trồng tăng trung bình 5 - 10% so với diện tích không thực hiện chương trình IPM. Đặc biệt, giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường sống, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.

lan-toa-chuong-trinh-ipm-trong-cong-dong-1543_20210906_533-172239

Hiệu quả thiết thực trong áp dụng IPM đã giúp nông dân Quảng Ninh hồ hởi đón nhận, nhân rộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình IPM đã góp phần giúp nông dân Đất mỏ từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, qua đó thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Để bảo vệ môi trường nông thôn từ hoạt động sản xuất trồng trọt, trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.

Tính đến hết năm 2022, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom là 10.800kg (trong đó khối lượng đã xử lý tiêu hủy là 3.640kg; khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom vào các bể chứa, khu lưu chứa chờ xử lý tiêu hủy là 7.160kg).

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.