| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ, lấy lại 'sức khỏe cây trồng' cho Tây Nguyên

Thứ Năm 24/11/2022 , 09:35 (GMT+7)

Là vùng lạm dụng hóa chất nông nghiệp rất nặng nề, việc triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) cho Tây Nguyên đang là yêu cầu rất cấp thiết.

"Lấy đà" cho IPHM từ chương trình IPM

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, một trong những nhiệm vụ của chiến lược là “Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ sức khỏe đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái”.

Untitled

Những kết quả của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) sẽ là nền tảng quan trọng cho chương trình IPHM. Ảnh: Quang Yên.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), chương trình IPHM có mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bà Vũ Thị Ninh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk cho biết, Chương trình IPM là chương trình quản lý dịch hại tổng hợp được triển khai cách đây 30 năm và có 4 nguyên tắc chính là trồng cây khỏe; thường xuyên thăm đồng; bảo tồn thiên địch và nông dân trở thành chuyên gia.

Điều cốt yếu của chương trình là giảm thuốc BVTV để vệ sức khỏe người dân trực tiếp sản xuất, giảm dư lượng trên sản phẩm, từ đó bảo vệ được môi trường sinh thái. Còn đối với chương trình IPHM, hiện Cục BVTV đang tổ chức tập huấn cho các chuyên gia đã qua lớp IPM.

“Chương trình IPHM xoay quanh việc làm sao chúng ta quản lý được sức khỏe cây trồng. Để làm được việc này, chúng ta cần phải chú ý đến công tác giống, canh tác... Chương trình IPHM thay đổi quan điểm dịch hại không phải là trung tâm nữa mà là sức khỏe cây trồng”, bà Bình chia sẻ.

Theo bà Bình, hiện Cục BVTV đang triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ tại các tỉnh thành về chương trình IPHM. Trong đợt tập huấn vừa qua, Đắk Lắk đã cử 10 học viên tham gia lớp học này. Sau khi kết thúc khóa học, Chi cục sẽ có những kế hoạch để các giảng viên này tập huấn cho cán bộ, người dân để triển khai chương trình IPHM. Đây cũng mới là bước đầu để nâng cao chương trình IPM.

IMG_6902

Chương trình IPHM sẽ giúp cải tạo đất Tây Nguyên sau thời gian lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Quang Yên.

“Các giảng viên này sẽ làm nòng cốt xây dựng kế hoạch cũng như triển khai chương trình IPHM trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với những giảng viên này xây dựng kế hoạch trình cấp trên”, bà Bình nói.

Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông) cho biết, chương trình IPHM chính là bước nâng cao từ hiệu quả của chương trình IPM. Hiện nay, Chi cục Phát triển Nông nghiệp đã cử các cán bộ tham gia lớp tập huấn chương trình IPHM của Trung tâm BVTV phía Nam mở.

“Trên cơ sở kiến thức tập huấn, các cán bộ sẽ tham mưu cho Chi cục xây dựng và triển khai chương trình IPHM trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện cán bộ được đào tạo ít nên khối lượng công việc sẽ nhiều”, ông Vui thông tin.

Tây Nguyên vào cuộc "khởi động" IPHM

Để triển khai chương trình IPHM, Trung tâm BVTV phía Nam vừa qua cũng đã tổ chức tập huấn cho 30 học viên ở các tỉnh phía Nam nhằm bổ sung những kiến thức về chủ đề One health (một sức khỏe) và 12 chuyên đề về nông nghiệp sinh thái gồm: Phân bón; biện pháp đấu tranh sinh học; giống khỏe (giống chất lượng và trồng cây khỏe); sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; nông nghiệp sinh thái (sinh thái nông nghiệp và bảo vệ môi trường); sinh thái đất, biện pháp cải tạo đất; quản lý cỏ dại bền vững; thuốc BVTV (văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quản lý thuốc BVTV, thuốc BVTV thế hệ mới; thuốc sinh học); chương trình phát triển thuốc BVTV sinh học; phân bón (hóa học, hữu cơ, phân vi sinh, nguyên tắc sử dụng); bảo vệ môi trường (thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón…); canh tác giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu; chuỗi liên kết sản xuất.

z3899506412862_537a994b64fa9596d347ffd5ce4ba56b

Các giảng viên chương trình IPM được Cục BVTV tập huấn, nâng cao để trở thành các giảng viên nòng cốt của chương trình IPHM. Ảnh: Quang Yên.

Chương trình TOT - IPHM dựa trên nền tảng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và cập nhật kiến thức mới trong IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp). Nhờ vậy, giảng viên được đào tạo TOT - IPHM không chỉ có khả năng truyền đạt kỹ thuật canh tác bền vững mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về sức khỏe cây trồng, trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại. 

Theo kế hoạch của Cục BVTV, mục tiêu đến năm 2030, trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Mỗi tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Cục BVTV phấn đấu 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh. Qua đó giảm 30% lượng thuốc BVTV và 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% các xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (thuộc Cục BVTV) cho biết, đơn vị được Cục BVTV giao tổ chức 4 lớp tập huấn cho học viên liên quan đến chương trình IPHM.

Theo ông Vấn, những học viên này trước đây đã học IPM đủ 155 ngày, nay sẽ học thêm 10 ngày đối với lớp IPHM.

“Trước đây IPM chủ yếu là quản lý sinh vật gây hại. Còn chương trình IPHM nâng cấp lên theo hướng quản lý sức khỏe cây trồng, sức khỏe hạt giống, sức khỏe đất và bảo vệ môi trường. Những học viên được tập huấn sẽ là lực lượng nòng cốt sau này về tập huấn, tham mưu cho địa phương xây dựng chương trình hành động IPHM”, ông Vấn thông tin.

z3903490865274_a5e473e60d4232e6c941145fbd4456b3

Cục BVTV phấn đấu 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh đến năm 2030 ứng dụng IPHM. Ảnh: Quang Yên.

Ông Vấn cho biết thêm, điểm mới của chương trình IPHM là trên nền cơ bản của IPM nhưng sẽ bổ sung một số chuyên đề mới hơn liên quan đến sức khỏe cây trồng, sức khỏe đất. Chương trình sẽ tạo ra một sản phẩm an toàn hơn, hình thành chuỗi liên kết từ trồng trọt đến tiêu thụ. Chương trình cũng gắn với một số điều kiện như mã số vùng trồng để phục vục cho xuất khẩu.

“Hiện nay, số lượng nhu cầu tập huấn chương trình rất nhiều, nhưng điều kiện tổ chức lớp là chỉ 4 lớp cho khu vực phía Nam. Nhu cầu địa phương còn nhiều nhưng trong năm nay chỉ có 120 người được tập huấn. Thời gian tới, Cục BVTV cũng như Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có chiến lược mở rộng các lớp để đào tạo cho các học viên thực hiện chương trình IPHM.

Lực lượng sau khi đi học về sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình, mở các lớp tập huấn cho cán bộ trong tỉnh. Từ đ,  lực lượng chuyên gia sẽ càng lớn mạnh hơn, giúp chương trình triển khai hiệu quả”, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam chia sẻ.

Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, nông dân Tây Nguyên lâu nay lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học khiến cho đất ngày càng trở nên bạc màu, cằn cỗi. Chiến lược của Cục BVTV, Bộ NN-PTNT là sản xuất theo hướng hữu cơ nên khuyến cáo người dân sử dụng phân, chế phẩm sinh học để cải tạo lại đất. Đây là chiến lược lâu dài của ngành nông nghiệp. Do đó, chương trình IPHM sẽ giúp cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe cây trồng và hướng đến hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.