| Hotline: 0983.970.780

Cấp mã số vùng nuôi thủy sản: Khó khăn gì? [Bài 1]: Thiết thực thì dân theo

Thứ Hai 15/05/2023 , 08:49 (GMT+7)

Kiên Giang đã cấp hàng chục ngàn mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Rà soát hàng chục ngàn hộ nuôi tôm

Kiên Giang là tỉnh ven biển, có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có hơn 42.900 cơ sở, hộ gia đình tham gia sản xuất các loại hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa và tôm quảng canh cải tiến. Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản gần 34.700 cơ sở.  

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, toàn tỉnh có 34.658 cơ sở thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản

Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh về phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Kim Hoàng Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết, thời gian qua, đơn vị đã hướng dẫn và tập huấn triển khai thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện. Đồng thời, phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT, UBND các huyện chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên đại bàn huyện quản lý.

Qua đó, công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được đẩy nhanh tiến độ. Theo thông tin từ Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, chỉ trong 1 tháng, đơn vị đã cấp gần 2.100 giấy xác nhận mã số nhận diện vùng nuôi. Lũy kế đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh đã cấp được gần 27.400 giấy xác nhận, đạt gần 79% so kế hoạch và chiếm hơn 10% mã số đã được cấp so với cả nước.

Empty

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, lũy kế đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh đã cấp được gần 27.400 giấy xác nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản, đạt gần 79% so kế hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Thanh, việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó có cơ sở nuôi tôm nước lợ là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Qua đó, góp phần phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hướng đến mục tiêu quản lý khoa học, hiện đại đối với lĩnh vực kinh tế này.

Ngành thủy sản tỉnh phối hợp với ngành, đơn vị liên quan và các địa phương thống nhất quy trình thực hiện, tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục và hoàn chỉnh hồ sơ cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ gửi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ngành nông nghiệp đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn trong công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ tại các huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đẩy nhanh số hóa vùng nuôi

Công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có sự đồng thuận cao của người dân, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Qua đó, số lượng hồ sơ tiếp nhận cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trong vùng nuôi đã tăng lên đáng kể.

Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, kết quả tổ chức thực hiện công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện khá tốt, đến nay đã đạt trên 99% số hộ đủ điều kiện. Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê lập danh sách các hộ nuôi tôm nước lợ để tiến hành hướng dẫn kê khai hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ. Qua thống kê, toàn huyện có gần 16.000 hộ cần cấp mã số nhận diện nuôi tôm nước lợ. Trong đó, số hộ đủ điều kiện cấp mã số nhận diện nuôi tôm nước lợ gần 8.460 hộ. Đến nay đã cấp mã số được trên 99%.

Kết quả tổ chức thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện An Minh được triển khai khá tốt,

Kết quả tổ chức thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện An Minh được triển khai khá tốt, đến nay đã cấp mã số đạt trên 99%. Ảnh: Trung Chánh.

Là hộ nông dân đã thực hiện chuyển đổi theo mô hình nuôi luân canh tôm - lúa hơn hai mươi năm, ông Lê Thanh Tuấn (ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) cho biết, lúc đầu người dân cũng chưa hiểu việc cấp mã số là gì. Nhưng khi được cán bộ Phòng NN-PTNT và cán bộ nông nghiệp xã đến tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nên người dân tuân thủ và đồng tình thực hiện.

Ông Tuấn bảo: “Đây là quy định bắt buộc nằm Luật Thủy sản 2017 thì người dân phải làm theo. Hơn nữa, việc cấp mã số vùng nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Tôi thấy đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực cho người dân”.

Tương tự, tại huyện Vĩnh Thuận, công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi ngành nông nghiệp triển khai, UBND huyện Vĩnh Thuận đã thành lập Tổ chỉ đạo, tuyên truyền công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, xây dựng lịch làm việc với các xã, thị trấn để triển khai thực hiện.

Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Thanh Bình cho biết, tổng số hộ nuôi tôm ban đầu thống kế trên địa bàn huyện là hơn 10.100 hộ. Nhưng sau khi rà soát kỹ còn khoảng 10.000 hộ. Nguyên nhân do ban đầu thống kê hộ sản xuất nhưng khi đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ có một giấy, do trường hợp cha mẹ chia đất cho con nhưng chưa tách thửa.

Theo ông Bình, đến nay huyện Vĩnh Thuận đã hoàn thành 100% số hồ sơ đủ điều kiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ và nộp tại Chi cục Thủy sản tỉnh, với gần 8.100 hồ sơ. Hiện Tổ chỉ đạo, tổ tuyên truyền chỉ đạo các ấp rà soát, đẩy mạnh tiến độ cấp mã số cho các hộ nuôi tôm còn lại.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát lại các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp giấy cho đủ điều kiện thực hiện. Liên hệ các hộ xâm canh, hộ thuê mướn bổ sung làm thủ tục đăng ký.

Đồng thời, đề nghị các Ngân hàng đóng trên địa bàn huyện tiếp tục hỗ trợ phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang thế chấp vay vốn theo danh sách của Phòng NN-PTNT gửi qua.

Riêng đối với những trường hợp hộ dân không hợp tác, huyện sẽ kiên quyết có biện pháp xử lý nghiêm. Tiến hành xử phạt theo Nghị dịnh số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu và nhận thức sâu hơn về công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, nhằm triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch kế hoạch đề ra. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của việc quản lý nhà nước trong công tác cấp mã số nhận diện nuôi tôm nước lợ, trong đó tập trung hướng dẫn người dân thực hiện và xử lý hồ hơ đã đăng ký, để sớm cấp giấy xác nhận cho cơ sở nuôi.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.