Hàng ngàn sổ đỏ đang ở ngân hàng
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, trong số gần 35.000 cơ sở thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện vùng nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm nước lợ thì có đến gần 9.000 cơ sở đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vay vốn ngân hàng. Đây là rào cản lớn, làm chậm kế hoạch thực hiện cấp mã số vùng nuôi theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
Ông Kim Hoàng Thanh, Chi Cục trưởng chi cục Thủy sản Kiên Giang, cho biết, công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện vẫn còn chậm, chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra do có những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có việc người dân cầm cố tài sản, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng.
Theo thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có tới gần 9.000 cơ sở (hộ nuôi tôm) chưa thể thực hiện cấp mã số nhận diện vùng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có gần 8.770 cơ sở đang chờ các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng để cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục và 391 cơ sở không chấp hành thực hiện cấp mã số.
“Công tác phối hợp với các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng để cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn như việc trích lục hồ sơ cần phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin và giấy tờ cần thiết theo quy định.
Ngoài ra, số cơ sở thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn rất lớn nên các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa bố trí đủ nhân sự để cung cấp bản sao kịp tiến độ thực hiện kế hoạch”, ông Thanh cho biết về khó khăn.
Tại huyện An Minh, có tới gần 50% số cơ sở không đủ điều kiện hoặc đang thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng nên chưa thể cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, qua thống kê toàn huyện có gần 16.000 hộ cần cấp mã số nhận diện nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, số hộ không đủ điều kiện để cấp mã số nhận diện nuôi tôm nước lợ hơn 3.400 trường hợp. Số hộ vay vốn ngân hàng đã thuế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng gần 3.990 trường hợp. Ngoài ra, còn có 135 trường hợp không chấp hành thực hiện.
Theo ông Điền, do địa bàn huyện có số hộ nuôi tôm nước lợ lớn, đối tượng cần cấp mã số nhận diện đa dạng, nhưng năm qua tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên việc tập trung hướng dẫn hộ nuôi rất khó khăn. Phần lớn hộ nuôi tôm đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thuế chấp cho ngân hàng, tổ chức tín dụng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc bổ sung vào thủ tục đăng ký cấp mã số. Một số hộ dân dân chưa thật sự quan tâm và nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện thủ tục đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ nên gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện.
Sở NN-PTNT Kiên Giang yêu cầu các huyện, thành phố có nuôi tôm nước lợ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ thực tế tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nắm rõ về mục đích, quyền lợi và trách nhiệm của việc đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ theo quy định của pháp luật. Các xã, phường và thị trấn thống kê, lập danh sách hộ nuôi tôm trên địa bàn về hình thức nuôi, đối tượng nuôi, quy mô sản xuất… Hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ cho người dân, xác nhận biểu mẫu đơn kèm theo thủ tục và tiếp nhận hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, có rất nhiều trường hợp người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản hoặc đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng để vay vốn sản xuất. Nhiều trường hợp khác thì người nuôi hợp đồng thuê đất nhưng chủ đất không có mặt tại địa phương... nên cũng gây khó khăn trong việc thực hiện thủ tục theo quy định.
Đất một nơi người một nẻo
Một rào cản khác làm cho việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang gặp khó khăn, thậm chí không thể cấp (không đủ điều kiện) do người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất tranh chấp, đất xâm canh. Hoặc là đất thuê mướn, người nuôi tôm thì không phải là chủ đất, còn chủ đất thì không liên hệ được. Theo thống kê, toàn tỉnh có tới hơn 7.600 cơ sở không đủ điều kiện cấp mã số nhận diện vùng nuôi vì các lý do kể trên.
Ông Dương Huy Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất cho biết, tổng số hộ nuôi tôm toàn hiện là 485 hộ thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn ven biển. Tuy nhiên, qua rà soát, đã có tới 211 hộ nuôi không có khả năng cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất nhận khoán của nông trường trước đây). Ngoài ra, còn có 43 hộ nuôi tôm (thuộc xã Mỹ Lâm, Bình Sơn và thị trấn Sóc Sơn) do không nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản nên không tiến hành cấp mã số.
"Đất ven biển hiện nay đang có biến động do mua bán rất nhiều, đa phần chủ đất mới là ở ngoài huyện, họ không trực tiếp sản xuất mà cho thuê lại. Người thuê khó liên hệ được với chủ đất nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn làm thủ tục cấp mã số vùng nuôi”, ông Bình nêu khó khăn.
Phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất đặt nhiệm vụ trọng tâm là từ nay đến cuối năm 2023, sẽ phối hợp với UBND các xã cấp thêm mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ cho 56 hộ, trong đó xã Bình Giang 23, Bình Sơn 15 hộ, Thổ Sơn 12 hộ và Lình Huỳnh 6 hộ. Còn lại 23 hộ sẽ tiếp tục cấp trong năm 2024 do chưa làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, phối hợp với các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện để sao lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nuôi tôm đang thế chấp, nhằm đủ điều kiện thực hiện cấp mã số nhận diện vùng nuôi.
Tương tự, tại huyện Vĩnh Thuận cũng có gần 2.000 hồ sơ chưa thể thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ. Nguyên nhân do hộ nuôi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thế chấp giấy vay vốn ngân hàng nhưng gửi thông tin ngân hàng chưa chính xác nên không trích lục được hồ sơ. Một số hộ nuôi tôm ở địa bàn huyện, tỉnh khác xâm canh, hộ thuê mướn liên hệ không được.
Theo đó, thời gian tới, Tổ chỉ đạo, tổ tuyên truyền chỉ đạo các ấp rà soát, đẩy mạnh tiến độ cấp mã số cho các hộ nuôi tôm còn lại. Tiếp tục tìm cách lên hệ với các hộ xâm canh, hộ thuê mướn để bổ sung làm thủ tục đăng ký. Chỉ đạo cán bộ địa chính của xã, thị trấn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai xác minh và cấp lại cho những hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang sẽ hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người dân thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp để đáp ứng yêu cầu được cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm. Chi cục Thủy sản thành lập các tổ công tác phối hợp với huyện, thành phố tập huấn việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ tại địa phương. Chi cục Thủy sản kết hợp với Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh thống nhất xử lý hồ sơ đầu vào, đầu ra đúng quy định, đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ, không để tồn đọng hồ sơ.