Ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về vấn đề xây dựng mã số vùng nuôi, vùng trồng với mục tiêu hướng tới sản phẩm an toàn, chất lượng không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước.
Với mục tiêu đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các sản phẩm được cấp mã số vùng trồng cũng cần được mở rộng, cả trên vật nuôi và cây trồng. Cụ thể hơn, ông đề nghị thảo luận tập trung vào việc xác định quy mô, pháp nhân và các tiêu chí để đáp ứng điều kiện cấp mã số.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, khi được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và giúp các đơn vị tiêu thụ dễ dàng kết nối hơn.
Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng quy trình hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi theo phương châm từ dễ đến khó, tập trung vào các tiêu chí quan trọng trước, mở rộng các tiêu chí khác sau.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt kiến nghị, quá trình cấp mã số vùng trồng cho các đối tượng cây trồng sẽ được chia thành 2 giai đoạn, 2021-2025 và sau 2025.
Trong đó, giai đoạn đầu sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực quốc gia ở các vùng có quy mô, sản lượng lớn, phục vụ cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Giai đoạn sau 2025 sẽ mở rộng ra các đối tượng cây trồng khác.
Trong lĩnh vực thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết một số khó khăn như công tác tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền tới người dân còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức.
Ngoài ra, người dân chưa nhận thức được mục đích của việc đăng ký, xây dựng mã số vùng nuôi, trong khi chính quyền chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đích đáng. Theo ông Trần Đình Luân, một vấn đề nữa gây vướng mắc trong quá trình cấp mã số vùng nuôi cho thủy sản, đó là nhiều diện tích đất chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng theo yêu cầu.
Là đơn vị có kinh nghiệm cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm xuất khẩu, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung kiến nghị, có thể xem xét đưa thêm yếu tố cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương vào bộ tiêu chí đánh giá Chương trình Nông thôn mới giai đoạn sắp tới.
Trên cơ sở các ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta cần đặt vào vị trí người nông dân, làm cho họ thấy được lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Từ đó triển khai theo phương châm đơn giản làm trước, để nông dân dễ tiếp cận, làm theo”.
Trước mắt, Bộ trưởng giao cho Cục Trồng trọt lựa chọn các sản phẩm để triển khai cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ trong nước. Đối tượng là các sản phẩm có quy mô lớn, đã từng xuất khẩu và có nhiều rủi ro trong thị trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tăng cường xây dựng các tổ hợp tác để thuận tiện hơn trong việc cấp mã số vùng trồng. “Có thể bắt đầu từ các tổ hợp tác đơn giản nhưng có người đứng đầu để có thể thống nhất quy trình sản xuất, sau đó nâng cấp thành các hình thức hợp tác quy mô hơn”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ, xem xét tổ chức hội nghị giữa các doanh nghiệp và địa phương để triển khai vấn đề này trong thời gian tới.