Miền bắc Italia, điểm nóng bùng phát dịch, cũng bị coi là nơi phát tán virus ra khắp châu Âu.
Ngày 26/2, Hy Lạp xác nhận trường hợp đầu tiên, một phụ nữ đã ở miền bắc Italy. Phần Lan báo cáo trường hợp thứ hai, một phụ nữ gần đây đã đến thăm Milan. Còn trường hợp thứ hai ở Thụy Điển là một người đàn ông ở độ tuổi 30 đã trở về từ miền bắc Italia vài ngày trước đó.
Tây Ban Nha, Croatia, Áo, Bắc Macedonia và Algeria đều có các trường hợp được báo cáo liên quan đến đất nước hình chiếc ủng.
Na Uy cũng đã báo cáo trường hợp đầu tiên, nhưng bệnh nhân trở về từ Trung Quốc vào cuối tuần trước.
Một số chính phủ đã khuyên công dân không nên đi du lịch đến Italia - nơi có 12 người chết trong tổng số 374 trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số trường hợp nhiễm nCoV được ghi nhận trên thế giới bắt đầu lớn hơn số ca tại Trung Quốc.
Ở châu Á, Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Sự bùng phát dịch bệnh ở quốc gia này bắt nguồn từ thành phố Daegu.
Bản kiến nghị trực tuyến rất dài gửi cho Tổng thống có tiêu đề "Kêu gọi luận tội Tổng thống Moon Jae-in" đã thu được tới 800.000 chữ ký ủng hộ.
Trong khi đó ở Trung Đông, Iran đã nổi lên như một điểm nóng lớn, với tổng số 139 trường hợp và 19 người chết. Ngay cả Thứ trưởng Bộ y tế của nước này, ông Margarj Harirchi, cũng đã nhiễm virus.
Ngày 26/2, Pakistan đã thông báo hai trường hợp đầu tiên, cả hai du khách gần đây đến Iran. Georgia cũng báo cáo trường hợp đầu tiên của mình, một công dân Gruzia đang đi từ Iran và vượt biên giới từ nước láng giềng Azerbaijan.
Một số quốc gia vùng Vịnh đã công bố các biện pháp cắt đứt liên kết với Iran trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.