| Hotline: 0983.970.780

Cấp nước sinh hoạt miễn phí cho dân

Thứ Sáu 22/05/2020 , 13:10 (GMT+7)

Với mục tiêu không để dân khát, thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Bình Thuận đang điều xe chở nước cấp miễn phí cho người dân ở những vùng thiếu nước sinh hoạt.

Điểm cấp nước sinh hoạt miễn tại xã Mương Hán, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Điểm cấp nước sinh hoạt miễn tại xã Mương Hán, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Kim Sơ.

Giếng nước cạn kiệt

Những ngày này, Bình Thuận chìm trong nắng nóng gay gắt. Mặc dù những ngày trước trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện vài cơn đầu mùa rải rác, song lượng mưa không đáng kể, chẳng đủ thấm đất nên hạn hán vẫn kéo dài.

Anh Nguyễn Phước Trọng, ở thôn Văn Phong, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam than vãn: Chưa năm nào khô hạn diễn ra nghiêm trọng như năm nay, từ đầu năm đến cuối tháng 4, trên địa bàn chẳng có mưa. Mấy ngày nay đã xuất hiện mưa đầu mùa nhưng chỉ ráy ráy chút ít, chẳng đủ thấm đất.

Theo anh Trọng, nước sinh hoạt ở thôn Văn Phong chủ yếu nhờ các giếng khoan vì chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt. Trong khi 3 tháng nay hầu hết các giếng đều đứt nước.

Để có nước phục vụ việc ăn uống, bà con phải mua nước bình với giá 10 ngàn đồng/bình (20 lít). Và tùy theo mỗi gia đình, mỗi ngày ít nhất sử dụng 2 bình nước như thế.

Còn nước dành cho tắm giặt, bà con chạy khắp nơi xin những gia đình mà giếng còn nước. Nhưng nhiều lúc nguồn nước giếng cũng khan hiếm, chảy nhỏ giọt, chẳng đủ cho tất cả mọi người nên ai nấy đều sử dụng nước rất tằn tiện.

Còn bà Võ Thị Sáu (65 tuổi), ở thôn Văn Phong, hiện sống một mình, không có con cái. Mấy tháng nay giếng nước gia đình bà cạn kiệt nên phải dùng nhờ các giếng nước hàng xóm gần bên. Nhưng hiện các giếng này cũng đã cạn kiệt nên nguồn nước sinh hoạt rất khó khăn. Giờ để kiếm nước dùng phải đi sang các thôn khác xin các giếng nước còn nước, rất khổ cực.

“Mấy năm trước thời điểm này đã xuất hiện vài cơn mưa lớn nên bà con dùng các thùng chứa “đón” nước sử dụng hoặc các giếng nước được bổ sung nguồn nước. Ấy vậy mà, năm nay đến giờ trời vẫn nắng nóng, ít mưa quá”, bà Sáu giọng buồn buồn nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Mương Mán cũng xác nhận tình hình khô hạn ở địa phương xảy ra 3 tháng nay do nắng nóng kéo dài. Việc này đã khiến ít nhất trên 500 hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Gần đây, ở địa bàn xã đón 2 cơn mưa nhưng lượng mưa không lớn, thời gian mưa không dài nên lượng nước người dân tích được không đủ duy trì sinh hoạt.

Tại xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), theo ông Lê Đình Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã, do mùa khô kéo dài khiến 1.181 hộ dân với 4.200 nhân khẩu địa phương thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng trên, nhiều gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng khoan giếng tìm nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, việc khai thác mạch nước ngầm không mấy hiệu quả, nhiều công trình khoan xuống độ sâu hàng chục mét nhưng vẫn không có nước.

Không để dân khát

Với mục tiêu không để dân khát, thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Bình Thuận đang điều xe chở nước cấp miễn phí cho người dân ở những vùng khô hạn.

Huyện Hàm Thuận Nam điều xe chở nước đến các bồn chứa để dân thiếu nước sinh hoạt đến lấy miễn phí. Ảnh: Kim Sơ.

Huyện Hàm Thuận Nam điều xe chở nước đến các bồn chứa để dân thiếu nước sinh hoạt đến lấy miễn phí. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện nay, hồ Ba Bàu đã cạn kiệt nên nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt bị cắt, phải ngưng hoạt động. Trên địa bàn chỉ hồ Tân Lập còn nước nên nhà máy nước Thuận Nam vẫn duy trì được việc cung cấp nước cho người dân.

Do nguồn nước hồ Ba Bàu cạn làm hàng nghìn hộ dân ở các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Cường, Tân Lập… thiếu nước sinh hoạt. Để người dân có nước sử dụng trong những ngày khô hạn, Phòng NN-PTNT huyện dùng xe bồn chở nước về từng thôn xóm.

Sáng 21/5, chúng tôi đến xã Mương Mán, bà Nguyễn Thị Ngọc Bình, cho biết: Kể từ ngày 20/5, chính quyền phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức lắp đặt 4 bồn chứa (loại 5.000 lít/bồn) ở 3 thôn Đại Thành, Đàn Thành và Văn Phong trong xã để cung cấp nước tạm thời cho người dân. Tuy nhiên trong điều kiện khô hạn kéo dài, nhu cầu sử dụng nước rất lớn nên người dân chỉ lấy lượng nước đủ dùng với tinh thần chia sẻ cho nhau.

Tại thôn Văn Phong, xã Mương Mán, bà Võ Thị Sáu đã đến điểm đặt bồn nước lấy những bình nước sinh hoạt về dùng. Bà Sáu xúc động nói: “Cảm ơn Đảng và nhà nước, cùng chính quyền đã quan tâm giúp bà con vượt qua cơn đại hạn”.

Bà Sáu phấn khởi khi nhận những thùng nước sinh hoạt miễn phí. Ảnh: Kim Sơ.

Bà Sáu phấn khởi khi nhận những thùng nước sinh hoạt miễn phí. Ảnh: Kim Sơ.

Tương tự, tại xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), các bồn chứa nước cũng đã lắp đặt tại các thôn cung cấp nước miễn phí cho người dân.

Theo ông Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, hiện nhu cầu dùng nước sinh hoạt của bà con là rất lớn. “Như trong ngày đầu tiên, chúng tôi chở nước về xã Hàm Cần và dân số của xã này ít nhưng chỉ trong chốc lát thì hết”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ và cho biết thêm, hiện việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân là vấn đề cấp bách nên chính quyền sẽ duy trì trong thời gian tới.

Còn về lâu dài, địa phương đang đầu tư thêm nhà máy nước và tăng cường năng lực trữ nước ở các hồ đập để chủ động nguồn nước ứng phó hạn hán.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, nắng nóng đang diễn ra gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây đã gây hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng. 43 xã, phường, thị trấn của tỉnh thiếu nước cục bộ với 27.271 hộ/114.095 nhân khẩu.

Dự báo, trong tháng 5, địa phương tiếp tục xảy ra nắng nóng, ít mưa, lượng nước tiếp tục thiếu hụt. Do vậy, lượng nước còn lại trong các hồ chứa tỉnh này sẽ ưu tiên phục vụ nhu cầu sinh hoạt đến hết tháng 6/2020.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm