| Hotline: 0983.970.780

Khô hạn nghiêm trọng ở Bình Thuận

Thứ Tư 20/05/2020 , 08:33 (GMT+7)

Do nắng nóng kéo dài, các hồ chứa ở Bình Thuận bị cạn kiệt, trơ đáy. Nhiều vùng của tỉnh bị thiếu nước sản xuất lẫn sinh hoạt.

Khô hạn kéo dài khiến nhiều hồ chứa nước ở Bình Thuận trơ đáy. Ảnh: Kim Sơ.

Khô hạn kéo dài khiến nhiều hồ chứa nước ở Bình Thuận trơ đáy. Ảnh: Kim Sơ.

Nước hồ chứa thấp nhất 10 năm qua

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty Khai thác công trình thủy lợ Bình Thuận, cho biết, năm 2019 do thời tiết trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, lượng mưa thấp nên các hồ chứa tích nước chỉ đạt 75% so dung tích thiết kế. Do đó ngay từ vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh đã cắt giảm 15.000 ha lúa để ưu tiên nước sinh hoạt, vật nuôi và trồng thanh long.

Mặc dù những ngày gần đây trên địa bàn đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa một số nơi, tuy nhiên tình hình nắng nóng vẫn đang diễn ra gay gắt. Tính đến 18/5, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn đạt 4,7% so với dung tích thiết kế. Và nguồn nước này được đánh giá thấp nhất 10 năm trở lại đây.

Sáng 19/5, ghi nhận tại hồ Ba Bàu, xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam), chúng tôi chứng kiến hồ đã cạn nước, trơ đáy và lòng hồ xuất hiện nhiều điểm khô nứt nẻ. Đây cũng là một trong 27 hồ hiện nay tại tỉnh Bình Thuận không còn nước.

Tỉnh Bình Thuận buộc cắt giảm 15 nghìn ha lúa, bắp vụ Đông Xuân 2019-2020 do thiếu nước tưới. Ảnh: Kim Sơ.

Tỉnh Bình Thuận buộc cắt giảm 15 nghìn ha lúa, bắp vụ Đông Xuân 2019-2020 do thiếu nước tưới. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Khoa xác nhận, 27/48 hồ lớn nhỏ trên địa bàn đã trơ đáy như hồ Ba Bàu và cho biết thêm, do nguồn nước cạn kiệt nên một số nhà máy nước sinh hoạt trong hệ thống thủy lợi buộc ngưng hoạt động.

Cụ thể, như nhà máy nước Suối Kiết, nhà máy nước Thạnh Cần. Đối với các nhà máy nước còn lại trong hồ thủy lợi thì vẫn đảm nước sinh hoạt đến ngày 30/6. Tuy nhiên nếu không quản lý tốt nguồn nước, để người dân sử dụng nước hoạt tưới cho cây trồng thì có thể một số nhà máy nước sẽ không đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong thời gian trên.

Do đó, ngoài sự nổ lực của Cty huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cấp cho nhà máy nước thì các địa phương cũng cần vào cuộc tuyên truyền người dân về việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tránh tình trạng cắp nước phục vụ sản xuất trồng trọt.

Đổ xô khoan giếng

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh, than vãn, hồ Ba Bàu cạn kiệt nên người dân ở địa phương thiếu nước sinh hoạt khoảng 1 tháng nay. Thanh long trên vườn không đủ nước tưới nên bị khô héo.

Nhiều diện tích thanh long của người dân bị héo do thiếu nước. Ảnh: Kim Sơ.

Nhiều diện tích thanh long của người dân bị héo do thiếu nước. Ảnh: Kim Sơ.

“Hiện nay, toàn tỉnh có 43 xã phường với khoảng 27 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức đặt bồn nước tại các địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Về sản xuất, chúng tôi khuyến cáo bà con cố gắng tiết kiệm nước để vượt qua khô hạn”.

Để cứu mình, cứu cây trồng, nhiều gia đình đầu tư từ 20-30 triệu đồng để khoan giếng, tìm nước.

“Gia đình tôi đã gọi thợ đến khoan giếng nhưng mấy ngày rồi họ chưa đến vì bận khoan cho người khác. Nước sinh hoạt bị cắt, gia đình tôi phải mua nước đóng chai loại 20 lít/bình để nấu ăn và cho gia súc, gia cầm uống cầm cự.

Mỗi ngày, cả nhà dùng hết 3 bình nước, tốn khoảng 30 nghìn đồng. Còn 1ha thanh long thì đành đứng nhìn cây khô héo chứ không tìm đâu ra nước để tưới”, bà Hoa buồn bã nói.

Cách nhà bà Hoa không xa là gia đình ông Lê Văn Sự (thôn Ba Bàu) cũng đứng ngồi không yên khi 200 trụ thanh long đang độ đơm bông bị héo do thiếu nước.

Không nỡ nhìn cây trồng chết khát, ông Sự thuê thợ đến khoan giếng ngay trước sân nhà. Giếng đã khoan đến độ sâu 90m nhưng vẫn chưa cho nước.

“Khoa một giếng mất mấy chục triệu đồng. Nếu cái này không có nước thì gia đình phải chấp nhận chứ tiền đâu làm cái mới”, ông Sự tỏ vẻ chán nản.

Cũng như xã Hàm Thạnh, cuộc sống của người dân xã Hàm Cần đang bị đảo lộn do khô hạn kéo dài. Ông Lê Đình Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần, cho biết, mấy tháng nay trên đia bàn chưa có mưa nên việc tìm nguồn nước sinh hoạt lẫn sản xuất hết sức khó khăn.

Đặc biệt, 2 ngày nay, Nhà máy nước Thạnh Cần ngưng hoạt động do nguồn nước tại hồ bị kiệt đã khiến hơn 4.000 nhân khẩu trên địa bàn bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, UBND xã đã mua bồn tích nước đặt tại các thôn để cung cấp nước tạm thời cho người dân.

Cắt giảm 15 nghìn ha lúa, bắp   

Ở Bình Thuận, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, những cơn bão cuối mùa cũng không có mưa nên ngành nông nghiệp sớm xác định được vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ thiếu nước.

Người dân phải mua nước đóng chai để sử dụng do khô hạn kéo dài. Ảnh: Kim Sơ.

Người dân phải mua nước đóng chai để sử dụng do khô hạn kéo dài. Ảnh: Kim Sơ.

Để tránh thiệt hại cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp có những khuyến cáo chỉ tập trung sản xuất ở những vùng đủ nước và cắt giảm đối với khu vực khô hạn.

“Thời gian vừa qua, chúng tôi cắt giảm diện tích sản xuất lúa bắp trên toàn tỉnh gần 15 nghìn ha. Việc cắt giảm giảm được thiệt hại cho nông dân.

Về sản lượng lương thực, vụ Đông Xuân 2019-2020, cả tỉnh sản xuất được 179 nghìn tấn, giảm gần 90 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành chỉ tiêu lương thực của năm 2020 bằng cách dồn sức vào vụ Hè Thu và vụ mùa”, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết.

Trước tình hình khô hạn kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã lên kế hoạch với 3 hươn án sản xuất. Trong đó, nếu lượng mưa đầy đủ, việc sản xuất sẽ được triển khai.

Hiện, Sở NN-PTNT Bình Thuân đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, tiếp đến là ưu tiên nước phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây thanh long, cuối cùng là phục vụ cho cây lúa.

Ông Kiều thông tin: “Theo dự báo, lượng mưa năm nay sẽ ít hơn năm ngoái. Do vậy, chúng tôi phải bàn các giải pháp chống hạn. Về tình hình hồ chứa, tính đến ngày 17/5, lượng nước ở tất cả các hồ của tỉnh chỉ còn khoảng 11,95 triệu khối, tức chỉ đạt 4,6% dung tích thiết kế.

Các nguồn nước tự nhiên khác như sông, suối, ao, hồ đã cạn kiệt, do vậy, để cứu 13 nghìn ha thanh long ở Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, chúng tôi đã đề nghị xả nước ở hồ Đại Ninh từ nay đến 25/5”.

Theo ông Mai Kiều, hiện nay, Trung ương đang đầu tư xây dựng hồ Sông Lũy ở huyện Bắc Bình và dự kiến bắt đầu tích nước từ tháng 9 tới.

Ở giai đoạn đầu, hồ dự kiến tích nước với dung tích khoảng 40 triệu m3 và nếu đạt thì sẽ đáp ứng một phần cho khu vực thiếu nước ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc. Đến khi hoàn thành giai đoạn hai, hồ có thể tích 100 triệu m3 nước thì sẽ cơ bản đủ nước cho những huyện này.

“Hiện nay, Quốc Hội đang đồng ý cho chúng tôi làm hồ Ka Pét và nếu tích được 50 triệu m3 thì cấp nước tương đối cho khu vực Hàm Tân, Hàm Thuận Nam.

Còn xa hơn, các cơ quan chức năng đang dự kiến làm hồ La Ngà 3 với dung tích 470 triệu m3 nước và khi đi vào hoạt động, công trình này sẽ cấp nước cho các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu”, ông Kiều chia sẻ.   

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, cho biết: Hiện nay nhiều hồ chứa trên địa bàn như: Tà Mon, Ba Bàu, Cẩm Hang và một số ao bàu nhỏ bị bồi lắng, không đảm bảo tích nước theo thiết kế. Do đó, quá trình đơn vị tính toán cân đối nguồn nước bị hụt so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, một số kênh chuyển nước được xây dựng bằng đất nên tỷ lệ thoát nước lớn, hiệu quả sử dụng không cao. Công ty kiến nghị các cấp đầu tư, nạo vét các ao bàu, gia cố các tuyến kênh chuyển nước để hạn chế thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Điểm danh' những mỏ lộ thiên cần tăng cường phòng chống mưa bão

QUẢNG NINH Các đơn vị của TKV đang rà soát kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024, xác định vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.