Hội nghị có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp xanh hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” với sự phối hợp tổ chức của Đại học Hull (Vương quốc Anh), Đại học OKama (Nhật Bản) và Đại học Trier (Đức).
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, đây là một trong những hội nghị lớn được tổ chức hai năm một lần nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề phục vụ sự phát triển bền vững trong nông nghiệp và môi trường.
Hội nghị là diễn đàn trao đổi ý tưởng, thiết lập các mối quan hệ và quan hệ đối tác, đồng thời khởi xướng các cơ hội hợp tác mới.
Toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có tác động tiêu cực đến nông nghiệp và môi trường như biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường, đất đai bị thu hẹp và thoái hóa, thiếu nước ngọt và ô nhiễm.
Sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, dựa vào việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu thụ và xử lý chất thải đã không còn bền vững. Điều này làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và góp phần gây biến đổi khí hậu. Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp là điều vô cùng cấp thiết.
“Bằng cách áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn, chúng ta có thể chuyển đổi nông nghiệp thành một ngành bền vững theo hướng có khả năng phục hồi. Nhờ đó, có thể giảm sự phụ thuộc vào phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, tiết kiệm nước và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng có thể tăng cường an ninh lương thực, cải thiện sinh kế ở nông thôn và bảo vệ đa dạng sinh học”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn phát biểu.
Hội nghị SAE 2024 được tổ chức với mục đích tạo ra diễn đàn khoa học để các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các bên liên quan trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề nông nghiệp và môi trường bền vững.
GS.TS Sören Thiele-Bruhn, Đại học Trier (Đức) cho rằng, trong nông nghiệp thâm canh hiện đại, sự suy thoái chất lượng đất và sức khỏe đất gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Đa dạng sinh học trong đất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sinh thái, như chu trình dinh dưỡng và kiểm soát dịch hại.
“Để giảm sự phụ thuộc vào phân bón và hóa chất, việc đa dạng hóa cây trồng được đề xuất nhằm cải thiện đa dạng sinh học, nâng cao độ phì nhiêu của đất và duy trì năng suất cây trồng”, GS.TS Sören Thiele-Bruhn khẳng định.
Hội nghị nhận được 191 bài tóm tắt nghiên cứu của các tác giả, học giả đến từ nhiều nước như Nhật Bản, Anh, Đức, Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong đó, trình bày báo cáo tại hội nghị có 9 chuyên đề được đặt hàng từ 9 diễn giả khoa học có danh tiếng và 54 bài trình bày ORAL từ tác giả khoa học tham dự hội nghị và 137 báo cáo khoa học theo hình thức poster.
Các chủ đề trọng tâm được xây dựng, trao đổi và bàn luận như: Xác định những thách thức trong bối cảnh hiện nay có tác động đến các hoạt động nông nghiệp và an ninh lương thực; tìm ra những giải pháp phù hợp để thích ứng và chuyển đổi trong các hoạt động nông nghiệp thiết yếu từ đó trở thành một mắt xích của một hệ sinh thái mới trong nền công nghệ số, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực để cùng nhau tăng trưởng, phát triển và khắc phục tác động của môi trường đến nền nông nghiệp nước nhà.