Cùng với nguy cơ của một số loại dịch bệnh nguy hiểm, khắc phục những vấn đề hạn chế về giống nhằm đáp ứng cho yêu cầu trồng mới cũng như phục vụ tái canh cho các vùng cây ăn quả ở phía Bắc, nhất là cây có múi đang là yêu cầu cấp thiết.
Trao đổi với NNVN, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Quy trình kỹ thuật canh tác đối với cây ăn quả phía Bắc vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Hiện nay, quy trình thâm canh dành cho cây vải, nhãn ở phía Bắc đã có, tuy nhiên, mức độ áp dụng của người dân tại các vùng SX lại rất không đồng đều. Theo ước tính, mới chỉ có khoảng từ 20-30% số hộ dân là quan tâm và có trình độ để áp dụng thâm canh với mức độ cao, theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn |
Tỉ lệ số hộ dân chưa áp dụng nghiêm ngặt các quy trình SX còn khá phổ biến. Đơn cử như với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, khống chế số quả, bón phân theo nhu cầu và năng suất cây trồng…, tỉ lệ số hộ trồng cây ăn quả phía Bắc áp dụng còn rất ít, đa số vẫn để cây phát triển, ra hoa, kết quả tự nhiên, không có sự điều tiết của con người. Điều này khiến chất lượng cũng như độ đồng đều của sản phẩm bị hạn chế, vườn xấu, vườn tốt. Hiện nay, cùng với việc diện tích một số loại cây ăn quả, nhất là cây có múi đang phát triển quá nhanh, việc quản lí, chuyển giao các quy trình kỹ thuật cho các vùng SX mới cũng rất khó khăn vì đa số nông dân các vùng trồng mới còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trong khi kỹ thuật canh tác cây có múi rất khó và đòi hỏi phải được áp dụng nghiêm ngặt.
Ông có thể cảnh báo một số nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên cây ăn quả hiện nay ở phía Bắc?
Bên cạnh nhiều loại bệnh nguy hiểm trên cây có múi như greening, vàng lá, thối rễ..., nhiều diện tích cam, bưởi cũng đang có dấu hiệu thoái hóa, phân ly và suy giảm về chất lượng, kể cả các vườn cây đầu dòng. Tại một số vùng bưởi da xanh trồng mới ở Bắc Giang, chúng tôi cũng đã ghi nhận tình trạng thoái hóa chất lượng quả. Đối với cây chuối, tình trạng bệnh héo rũ vàng lá Panama đang bùng phát tại nhiều vùng trồng chuối ở phía Bắc, nhất là vùng bãi bồi tại Ba Vì (Hà Nội), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Lâm Thao (Phú Thọ)... Nhiều vùng trồng chuối trọng điểm truyền thống có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng vì bệnh héo vàng.
Giống đang là vấn đề yếu nhất đối với việc phát triển cây ăn quả tại phía Bắc. Theo ông, cần giải pháp nào để cải thiện vấn đề này trong thời gian tới?
Một là cần phải tăng cường quản lí, bởi chất lượng giống rất trôi nổi. Nói đơn cử như với cây có múi, diện tích cam – bưởi vài năm qua tăng tới trên 20 nghìn ha (từ 75 nghìn lên 92 nghìn ha). Với diện tích tăng mạnh như thế, ai cũng biết hệ thống vườn cây đầu dòng ít ỏi, nguồn cây giống đưa ra trồng mới khó đạt yêu cầu về chất lượng. Việc quản lí, cấp phép cho các vườn cây có múi đầu dòng ở nhiều địa phương vẫn còn rất nhiều bất cập. Do không quản lí được hệ thống các cơ sở nhân giống, nên các trung tâm, đơn vị khoa học dù có đầu tư để SX giống sạch bệnh một cách bài bản cũng rất khó bung ra SX, bởi giá thành đầu tư luôn cao hơn so với nguồn giống trôi nổi bên ngoài...
Sẽ có dự án xây dựng 3 vườn cây có múi đầu dòng quy mô lớn tại 3 vùng SX trọng điểm ở phía Bắc |
Vừa qua, chúng tôi đã đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép các đơn vị khoa học kết hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương để tổ chức các đoàn công tác đánh giá lại một cách toàn diện, chặt chẽ đối với các vườn cây có múi đầu dòng. Bên cạnh đó, nhà nước (có thể thu hút DN đầu tư) cần phải có chiến lược đầu tư bài bản cho hệ thống vườn cây đầu dòng đảm bảo cung ứng cho nhu cầu SX tại các địa phương. Đây còn là chiến lược để chúng ta sẵn sàng cho việc tái canh đối với các diện tích cây có múi có nguy cơ dịch bệnh, thay thế vườn già cỗi...
Đối với cây chuối, hiện nay tỉ lệ sử dụng các giống chuối cấy mô vẫn còn rất thấp, một số vùng thậm chí vẫn đang sử dụng phương pháp trồng bằng chồi con nên nguy cơ dịch bệnh và ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Tin vui là hiện tại, chúng ta đã có giống chuối tây NK có khả năng chống chịu với bệnh héo vàng. Với giống chuối tiêu, hiện tại Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc VAAS) cũng đã nghiên cứu thành công về cơ bản đối với 3 giống chuối tiêu chống bệnh héo vàng, đang trong quá trình đánh giá cuối cùng và có thể đưa ra mở rộng SX trong vòng 1-2 năm tới. Hiện nay, Viện cũng đã và đang hợp tác với Viện Nghiên cứu chuối Đài Loan để nghiên cứu tiếp các giống chuối chất lượng, năng suất cao và có khả năng chống – kháng với các loại bệnh nguy hiểm.
Đối với nhóm nhãn – vải, hiện nay, nhóm giống vải chín sớm mới chỉ chiếm khoảng 20%, nhưng chất lượng nhìn chung còn thấp. Mặc dù vậy, một số giống vải chín sớm như giống vải lai Thanh Hà, lại có vỏ dày, mã đẹp và rất tốt để XK. Vì vậy, nên tiếp tục nâng diện tích vải chín sớm từ 20% lên 25-30% trong những năm tới, đi đôi với cải thiện chất lượng giống.
Xin cảm ơn ông!
Dự án lớn cho 3 vườn đầu dòng cây có múi Tại cuộc làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Thời gian tới, chủ trương sẽ phải tập trung giải quyết căn cơ những vấn đề đang tồn tại đối với cây ăn quả tại phía Bắc, trong đó nhất là cây có múi. Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ có dự án lớn cho việc nâng cấp, đầu tư một cách bài bản để xây dựng 3 vườn cây có múi đầu dòng (vườn FS0, FS1) quy mô lớn, hiện đại nhằm đáp ứng cho nhu cầu trồng mới cũng như tái canh tại 3 vùng cây có múi chính gồm: Vùng Nghệ An – Hà Tĩnh (xây dựng vườn đầu dòng tại Phủ Quỳ); vùng Hòa Bình – Hà Nội (xây dựng tại Xuân Mai); vùng Trung du Miền núi phía Bắc (đầu tư tại Phú Thọ). “Hệ thống vườn giống gốc sẽ phải đủ năng lực, quy mô để bung ra đáp ứng cho SX, chứ không phải chỉ ở quy mô thí nghiệm” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị hệ thống các đơn vị khoa học của Bộ NN-PTNT bắt tay xây dựng cơ cấu giống cây có múi phù hợp cho từng tỉnh trọng điểm, kèm theo các gói kỹ thuật cụ thể cho từng vùng. Đồng thời, có các gói kỹ thuật đồng bộ cho từng tỉnh, từng loại cây ăn quả chủ lực như chuối, vải, nhãn, trong đó đặc biệt chú trọng về phòng chống bệnh, tỉa cành tạo tán, điều tiết ra hoa – đậu quả… Hưng Giang |