| Hotline: 0983.970.780

'Cát tặc' hoành hành dữ dội trên sông Hồng chảy qua địa phận Yên Bái

Thứ Hai 17/12/2018 , 13:15 (GMT+7)

Chưa bao giờ tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái lại hỗn loạn, bát nháo như hiện nay. Hàng chục điểm khai thác cát sỏi trái phép đang chọc những chiếc vòi bạch tuộc ngày đêm móc ruột dòng sông, khiến hàng ngàn mét vuông đất bờ bãi ven sông rơi vào miệng hà bá.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thì dường như không hay biết, khiến người dân vô cùng phẫn nộ và thất vọng…
 

“Cát tặc” hoành hành

Trước bức xúc của người dân, nhóm phóng viên chúng tôi thuê một chuyến xe đi dọc bờ sông Hồng đoạn từ xã Tuy Lộc (TP.Yên Bái) xuống xã Minh Quân thuộc huyện Trấn Yên giáp xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), mới hay “cát tặc” đang hoạt động rầm rộ như chốn không người. Theo phản ánh của người dân, nhiều bãi cát sỏi khai thác không giấy phép nằm giáp Quốc lộ 32C đã tồn tại từ nhiều năm nay hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái lại không hề hay biết như thể họ mù màu.

11-03-06_2
Những tàu “cát tặc” đang móc ruột sông Hồng tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên

Dọc quốc lộ 32C thuộc địa phận xã Minh Quân chúng tôi đếm được 5 bãi cát sỏi đang hoạt động hết công suất. Tại bãi cát nằm ngay cạnh khu tái định cư thôn Linh Đức cát đang bơm từ sông lên một bãi rộng mấy trăm mét vuông, cao như núi. Một thanh niên mặc áo phông xanh quần xắn móng lợn đang chỉ huy việc bơm cát từ dưới sông lên thấy chúng tôi chụp ảnh thì anh ta tiến đến hỏi: Các anh ở báo nào, chụp ảnh làm gì vậy? Tôi đáp: Chúng tôi đến xem cát để mua, giá bao nhiêu một khối? Anh ta trả lời: Mười lăm nghìn một khối, rẻ như bùn mà bác…

Phía dưới cách đó một đoạn, một bãi cát có hai chiếc máy múc đang xúc cát đổ lên chiếc xe tải màu vàng, thấy chúng tôi dừng xe chụp ảnh, một thanh niên từ ngôi nhà chạy ra quát hai chiếc xe xúc dừng lại rồi nhìn chúng tôi đôi mắt gườm gườm tức giận.

Cách bãi cát đó vài trăm mét là hai bãi cát khổng lồ, dưới sông thuyền hút cát đang chạy ầm ầm, xe ra vào chở cát tấp nập, chúng tôi leo lên sườn đồi tiếp cận chiếc tàu hút cát thì hai thanh niên bặm trợn bám theo hỏi: Các anh ở báo nào, đến đây làm gì thế? Tôi đáp: Nghe nhân dân phản ảnh có tàu hút cát ở đây gây sạt lở bờ sông chúng tôi đến xem thế nào. Tàu mình hút cát ở đâu vậy? Một người chỉ tay xuống chiếc tàu bảo: Chúng tôi hút ở dưới Phú Thọ… Tôi không tranh luận với anh này, vì biết rõ đây là đất Yên Bái, nếu tàu anh ta hút cát đất Phú Thọ thì anh ta bám theo chúng tôi để làm gì?

11-03-06_3
Bãi cát không phép đang hoạt động nhộn nhịp

Khi quay lại, chúng tôi dừng xe bên ngôi nhà cạnh đường thôn Linh Đức, phía dưới sông một chiếc tàu hút cát nằm cách bờ chừng 50m đang thản nhiên hút cát, hỏi chị chủ nhà tên là Nguyễn Thị L, chị bảo: Tàu hút cát ở đây lâu rồi, bờ sông lở nhiều chỗ, đất nhà tôi chưa lở, nhưng cứ hút thế này thì ít năm nữa sẽ lở thôi…

Ngày 16/11/2018 UBND tỉnh Yên Bái ban hành văn bản số 2715/UBND-TNMT tạm dừng 10 giấy phép của 9 DN và HTX từ ngày 1/12/2018, đây là cơ hội để “cát tặc” mở hết công suất. Theo một số người dân mà chúng tôi tiếp cận, thì mỗi bãi cát ở xã Minh Quân, mỗi ngày hút từ dưới sông lên 8 - 10 tàu cát, mỗi tàu 50m3, tính ra một ngày 5 điểm “cát tặc” này hút khoảng 2.000 - 2.500m3, mỗi tháng 60.000 - 65.000m3, một năm gần 1 triệu m3. Như vậy, có thể hiểu lượng tài nguyên khổng lồ này rơi vào túi “cát tặc”, trong khi đó nhà nước thì thất thu thuế, đường sá thì hỏng, đất bãi màu ven sông lở tứ tung.

11-03-06_7
Phóng viên các báo đang tác nghiệp trước bãi cát không phép

Để kiểm chứng xem xã Minh Quân đã được sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái cấp mỏ cho doanh nghiệp nào chưa, tôi hỏi ông Bùi Đoàn Như - Trưởng phòng Khoáng sản, ông Như khẳng định: Hiện tại Minh Quân chưa cấp mỏ cát sỏi cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Còn ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trấn Yên thì cho biết: Huyện chưa cấp cho bất cứ hộ nào kinh doanh cát sỏi khu vực xã Minh Quân. Chính quyền xã Minh Quân đã lập biên bản xử lý 3 bãi cát sỏi không phép ở đây…

Như vậy có thể khẳng định tất cả các bãi cát sỏi ở xã Minh Quân đều không phép, những tàu hút cát trên đoạn sông này đều là “cát tặc”. Điều lạ lùng là các bãi cát không phép này tồn tại nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không biết hay cố tình không biết là điều rất lạ.
 

Nỗi khốn khổ của những doanh nghiệp được cấp phép

Tất cả 9 doanh nghiệp, HTX khai thác cát sỏi của tỉnh Yên Bái buộc phải dừng khai thác từ ngày 1/12/2018 theo yêu cầu công văn 2715/UBND-TNMT của UBND tỉnh Yên Bái, để hoàn tất thủ tục thuê đất mặt nước và hoàn thiện văn bản chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và giấy phép bến thủy nội địa. HTX Dịch vụ Tổng hợp Đầm Mỏ và HTX Khai Minh khi chúng tôi có mặt thì đều đóng cửa bến bãi, tàu kéo về bến.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - PGĐ HTX Khai Minh nói như khóc: HTX có 3 con tàu hút cát giờ phải kéo về bến nằm chờ các thủ tục. Chúng tôi đã 3 lần nộp thủ tục nhưng đều bị đẩy ra, khi thiếu cái này khi thiếu cái kia. HTX đã ký hợp đồng cung cấp 10.000m3 cát sỏi cho một số nhà thầu, bây giờ bị dừng khai thác chúng tôi sẽ bị phạt là điều chắc chắn…

11-03-06_4
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền- PGĐ HTX Khai Minh chỉ con tàu dừng khai thác
11-03-06_5
Bãi cát của HTX Khai Minh đã đóng cửa

Ông Đặng Ngọc Lương - GĐ HTX Dịch vụ Tổng hợp Đầm Mỏ vô cùng bức xúc: Chúng tôi bị hành đủ kiểu: Họ nói các anh muốn lập bến thủy nội địa phải có đất, còn thuê đất thì không được. Buộc HTX phải mua đất, hơn 1.000m2 đất chúng tôi mua là đất thổ cư trên 3 tỷ đồng, họ bảo đất thổ cư không thể cấp phép được, phải chuyển đổi sang đất kinh doanh... Trả lời lòng vòng như thế không thể hiểu ra làm sao. Rồi hồ sơ thuê đất, chuyện này khó nói lắm. HTX đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và làm các thủ tục khác, chúng tôi cũng muốn thuê đất lắm chứ, nhưng khi thuê đơn vị tư vấn này, họ bảo đơn vị ấy không được, chỉ sang đơn vị kia. Chạy nháo nhào, mất cả trăm triệu vẫn không xong…

Ông Lương gương mặt buồn bã và thất vọng: Chúng tôi đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đến nay lại buộc chúng tôi tạm dừng, chẳng biết đến bao giờ cho hoạt động trở lại chỉ vì một lỗi rất nhỏ thì chắc chắn HTX phá sản… Nói rồi ông Lương chỉ ra sông giọng phẫn uất: Các HTX và doanh nghiệp có giấy phép thì buộc dừng hoạt động còn các tàu “cát tặc” đang chạy ầm ầm suốt ngày đêm ngoài sông kia từ xã Tuy Lộc xuống các cây cầu: Yên Bái, Bách Lẫm, Tuần Quán, Văn Phú… đâu đâu cũng nhìn thấy “cát tặc” thì ai cấm, ai kiểm tra? Xung quanh bãi cát của chúng tôi nhiều bãi cát lậu vây quanh, họ bán giá thấp hơn của chúng tôi thì chúng tôi cạnh tranh thế nào được? Nói thật với các anh nhé, người ta chỉ nhằm chúng tôi là những đơn vị có giấy phép khai thác kiểm tra, chỉ cần một lỗi nhỏ sẽ bị họ phạt rất nặng. Còn “cát tặc” đang lộng hành thì họ làm ngơ…

11-03-06_6
Bãi cát của HTX Đầm Mỏ dừng hoạt động

Chính quyền địa phương bất lực hay dung dưỡng “cát tặc” và có “thế lực đen” bảo kê cho “cát tặc” đang hoành hành ở Yên Bái không, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.