| Hotline: 0983.970.780

Sông Hồng nát bươm bởi những tàu cuốc khổng lồ ngày đêm móc ruột

Thứ Tư 21/11/2018 , 14:05 (GMT+7)

Chỉ ít năm gần đây hàng trăm ha ruộng đồng và bãi bồi bị lở xuống sông do nạn khai thác vàng và cát sỏi vô tội vạ đã khiến dòng sông Mẹ nát bươm và biến dạng khủng khiếp...

Sông Hồng từ ngàn đời nay dòng sông cần mẫn chuyên chở phù sa từ những đỉnh núi cao để bồi đắp nên châu thổ sông Hồng màu mỡ, phì nhiêu nuôi sống triệu triệu con người và làm nên nền văn minh lúa nước rực rỡ của người Việt. Vậy mà, chỉ ít năm gần đây hàng trăm ha ruộng đồng và bãi bồi bị lở xuống sông do nạn khai thác vàng và cát sỏi vô tội vạ đã khiến dòng sông Mẹ nát bươm và biến dạng khủng khiếp do những tàu cuốc khổng lồ ngày đêm móc ruột dòng sông.

19-15-00_4
Bờ sông Hồng bị sạt lở, đe dọa kênh mương tưới nước của nông dân

Mới bắt đầu vào mùa khô mà dòng sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Yên Bái đã trơ đáy do thượng nguồn phía Trung Quốc xây đập ngăn nước cho các nhà máy thủy điện. Những con suối cung cấp nước cho dòng sông ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng bị hàng chục nhà máy thủy điện lớn nhỏ chặn dòng. Lòng sông toang hoác, ngổn ngang những bãi, gò cát sỏi cao như núi do những con tàu hút cát sỏi và vàng để lại.

Nạn đào đãi vàng sa khoáng trên dòng sông Hồng rầm rộ nhất từ năm 2013 đến năm 2016. Những con tàu cuốc cao to lừng lững như ngôi nhà hai, ba tầng di động trên dòng sông. Tiếng máy nổ chạy ầm ầm, những chiếc gầu sắt rộng gần một mét nối với nhau bằng những sợi dây xích sắt khổng lồ vục xuống lòng sông sâu 20-30m tải đất cát lên những giàn đãi, máy bơm nước công suất lớn phun dòng nước cực mạnh làm tan rã lớp đất đá từ các gầu sắt vừa đổ xuống giàn đãi. Đất, cát, sỏi chảy qua hệ thống sàng rung vào các máng sỏi, cát và vàng. Những đống sỏi thải được moi từ đáy dòng sông trắng nhởn cao như núi được các con tàu bỏ lại phía sau tạo thành vật cản khổng lồ ngăn cản dòng chảy, tàu thuyền và bè mảng đi qua những đoạn sông này phải lượn như đánh võng.

19-15-00_5
Tàu cát tặc bị bắt giữ tại xã Quy Mông

Thôn I, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), có thời gian 5 tàu đào vàng cùng hoạt động, tiếng máy nổ vang trời khiến người dân sống cạnh bờ sông mất ăn mất ngủ. Mới đầu những tàu vàng còn hoạt động giữa dòng sông, sau di chuyển gần bờ, lòng sông bị đào bới sâu hoắm. Ruộng lúa và bãi màu hai ven bờ thoai thoải, trước đây người dân sau khi đi làm đồng vẫn xuống sông rửa chân tay, nay lở sâu hoắm, cao cả chục mét. Nhìn đã thấy chóng mặt.

Bà Nguyễn Thị Vinh dẫn tôi ra bờ sông nước ngàu bọt chảy thốc vào bờ cay đắng nói: "Nhà tôi có 3 sào ruộng ở khu vực này, bãi bồi ngoài kia trước đây gia đình tôi còn trồng mấy hàng chuối xanh um. Bây giờ bác nhìn xem không còn một cây chuối nào, đất đã lở vào tới chân ruộng, chẳng mấy nỗi ruộng của gia đình tôi và bà con ở đây bị dòng sông nuốt sạch. Khi ấy chúng tôi biết lấy gì để sống hả bác?".

Chia sẻ nỗi buồn với tôi, chị Vũ Thị Mến nhà nằm ngay cạnh dòng sông thì chua chát: "Gần năm nay chẳng đêm nào chúng tôi ở đây được ngủ ngon. Những chiếc tàu vàng chạy ầm ầm suốt ngày đêm không sao ngủ nổi. Dân kêu mãi, bây giờ chúng nghỉ ngày chạy đêm. Cứ thế này thì có ngày điên lên mất…"

Tìm hiểu tại sao những tàu vàng lại hoành hành dữ dội kéo dài cả một thời gian dài như vậy, UBND xã Đào Thịnh đã gửi nhiều văn bản phản ánh nạn vàng tặc mà không đẩy đuổi được những con tàu đó ra khỏi địa bàn? Một vị lãnh đạo huyện thở dài cho tôi hay những tàu vàng đó là của cháu của một "ông lớn". Không biết thực hư chuyện đó như thế nào, chỉ khi báo chí lên tiếng và người dân phản đối dữ dội quá nên những tàu vàng đó mới rút đi đâu không rõ để lại nhiều đoạn bờ sông lở lói, lòng sông lô nhô rất nhiều cồn cát.

19-15-00_6
Cơ quan chức năng huyện Trấn Yên lập biên bản một tàu khai thác cát sỏi trái phép

Tiếp đến tháng 10/2014, Bộ Giao thông- Vận tải cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn nạo vét nhiều đoạn sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I từ 1/11/2015 đến 4/5/2016. Giai đoạn II từ 1/11/2016 đến hết 31/12/2016.

Kết quả việc nạo vét luồng lạch như thế nào tỉnh Yên Bái có nhận được báo cáo? Thế nhưng, theo báo cáo của huyện Văn Yên, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương Mại Việt Sơn đã tiến hành thi công dự án không đúng với hồ sơ thiết kế và phương án thi công đã được phê duyệt. Các điểm nạo vét và tận thu sản phẩm trên sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Văn Yên đều có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng tới sinh hoạt của bà con nhân dân…Thực chất việc nạo vét dòng sông là đào vàng và tận thu cát sỏi. Bởi thế, khi tàu của Công ty Thành Sơn đến đâu người dân đều khua chiêng gõ mõ, ném đá xua đuổi buộc các con tàu cuốc phải rời xa bờ.

Nạn tàu vàng tàn phá sông Hồng kéo dài một thời gian khá dài, số lượng tàu cũng đông đảo chưa từng thấy. Có thời gian tại địa phận giáp ranh giữa địa phận tỉnh Yên Bái và Lào Cai người ta đếm được trên 30 tàu, đỗ ken đặc cả một đoạn sông. Ông Doãn Văn Thủy- Phó Chủ tịch huyện Văn Yên ngao ngán: "Khi huyện chúng tôi làm ráo riết thì chúng rút lên Lào Cai, khi tỉnh Lào Cai mở cuộc truy quét vàng tặc thì chúng lại tràn xuống Yên Bái đậu ở khu vực giáp ranh. Huyện cũng chỉ đẩy đuổi chứ không làm được gì hơn…"

Năm 2016 nạn vàng tặc tạm thời im ắng thì lại nổi lên nạn cát tặc. Chiều 11/7/2016 chúng tôi theo đoàn Thanh tra sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái lên cầu Móc Tôm, nơi tiếp giáp giữa hai xã Đào Thịnh và Báo Đáp để tận mắt thấy tàu khai thác sỏi đang hoạt động tại đây cả tháng trời mà các cơ quan chức năng của huyện Trấn Yên không hay biết. Đoàn đã phối hợp với Phòng Tài nguyên- Môi trường và lãnh đạo xã Quy Mông bắt tại trận một tàu hút cát sỏi đang hoạt động.

Đầu năm 2018 nạn vàng tặc lại quay lại sông Hồng. Sáng 12/11, chúng tôi lên thôn Làng Còng xã Tân Hợp bắt gặp một tàu vàng đang chạy rầm rầm vang động cả một khúc sông. Bờ bên kia là nhà máy gạch thuộc xã Đông Cuông, một đoạn bờ sông khá dài bị sụt xuống lòng sông. Nhìn bờ sông sạt lở ai cũng hiểu do những đụn cát sỏi nằm giữa dòng sông là tác nhân khiến dòng chảy đổi dòng thúc mạnh vào bờ làm lở bờ sông.

19-15-00_1
Tàu vàng đang hoạt động tại thôn Làng Còng, xã Tân Hợp (ảnh chụp ngày 12/11/2018)

Ông Triệu Đình Khôi- Phó Chủ tịch xã Tân Hợp cho biết: Ngày 11/1, xã đã lập biên bản một tàu đào vàng trái phép và yêu cầu phải rời khỏi địa bàn xã. Từ bờ bên này tàu vàng di chuyển sang bờ bên kia thuộc xã Đông Cuông, có lần xã huy động người dân cùng xua đuổi, chúng dạt lên giáp xã Đông An trú ngụ. Thời gian gần đây lại thấy tàu vàng xuất hiện, mệt mỏi với đám vàng tặc này quá…

Trao đổi với ông Vũ Quang Hải- Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, ông Hải cho biết: Lực lượng chức năng của huyện vừa đuổi hai tàu vàng ra khỏi địa bàn, nghe nói chúng đang đậu ở khu giáp ranh giữa huyện Văn Yên và Trấn Yên. Nhiều lần chúng tôi lập biên bản thu mỏ neo, ắc quy buộc chúng phải rời đi. Huyện cũng chỉ làm được đến thế thôi…

Khi xuống Báo Đáp, chúng tôi ra bờ sông Hồng tại đây có một tàu vàng đang hoạt động gần sát bờ sông, mái lợp tôn đã bạc màu, chứng tỏ tàu này hoạt động đã lâu. Một câu hỏi người dân đặt ra: Ai có thẩm quyền bắt giữ những tàu vàng khai thác trái phép đó, tàu bị đuổi chỗ này chạy đi chỗ khác và điệp khúc xua đuổi kéo dài mãi mà không có hồi kết?

19-15-00_2
Tàu vàng đang hoạt động tại xã Báo Đáp (ảnh chụp ngày 12/11/2018)

 

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.