| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện chưa kể nơi dãy núi Tam Đảo

Thứ Tư 26/12/2012 , 10:04 (GMT+7)

Dưới chân dãy núi Tam Đảo, bà con nơi đây vẫn lưu giữ trong ký ức sự kiện bắt sống tên phi công Mỹ chưa bao giờ được công bố.

Trong 12 ngày đêm diễn ra trận chiến Điện Biên Phủ trên không đầy oanh liệt, không chỉ người dân Thủ đô mà tại vùng quê cách Hà Nội hàng trăm km dưới chân dãy núi Tam Đảo, bà con nơi đây vẫn lưu giữ trong ký ức sự kiện bắt sống tên phi công Mỹ chưa bao giờ được công bố.

Sau khi mở những đợt oanh tạc liên tiếp vào Thủ đô Hà Nội, nhằm đánh lạc hướng các đơn vị chiến đấu của ta, không lực Hoa Kỳ cho máy bay ném bóm đánh phá chiến thuật dữ dội các khu vực công nghiệp nặng quan trọng ở tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, tại đây chúng đã nhận thất bại nặng nề khi nhiều chiếc máy bay tiêm kích bị bắn hạ trên bầu trời, trong đó người dân xã Văn Yên, huyện Đại Từ đã bắt sống một phi công trẻ người Mỹ lái chiếc F-105.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Lý Văn Đồng, nguyên là Trung Đội trưởng Trung đội Dân quân trực chiến đóng tại xã Văn Yên (Đại Từ) lúc bấy giờ vẫn nhớ như in khoảnh khắc bắt sống phi công Mỹ tại ngọn núi phía sau làng. Ông Đồng cho biết, vào khoảng 11 giờ 20 phút ngày cuối tháng 12, trên bầu trời xã Văn Yên xuất hiện một chiếc máy bay bốc cháy nghi ngút lao từ hướng Hà Nội lên. Khi chiếc máy bay chuẩn bị đâm vào ngọn đồi Măng sau xóm Bầu, tên phi công bung dù nhảy ra ngoài. Trong phút chốc, chiếc máy bay đâm sầm vào lòng núi chỉ còn hở ra khúc đuôi. Do trong máy bay còn đạn và bom nên phát nổ liên tục trong 2 ngày mới chấm dứt.


Ông Lý Văn Đồng bồi hồi kể lại việc bắt được tên phi công Mỹ năm xưa

Về phía tên phi công, sau khi bung dù hắn cố gắng lái hướng về phía cánh rừng hạ cánh nhằm trốn thoát. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp nên tên phi công mới lái đến cửa rừng đã bị rơi xuống khu đồng Đát thuộc xóm Bầu. Tại thời điểm đó, bà Phạm Thị Ngồng là Phó chủ tịch UBND xã Văn Yên lúc bấy giờ cùng ông Nguyễn Văn Được đang vạc cỏ bờ đã cầm lẹ khoắng lao ra khống chế tên phi công đề phòng hắn chạy thoát. Nhưng trên tay tên phi công khi ấy vẫn lăm lăm khẩu súng lục, trong khi ông Được đánh lạc hướng gây sự chú ý, bà Ngồng bất ngờ dùng cào vụt mạnh vào tay tên phi công khiến súng văng ra.

Ông Lý Văn Đồng nhớ lại, ngay lúc có mặt tại nơi tên phi công rơi trên bầu trời xuất hiện một tốp máy bay tiêm kích F-105 gầm rú xung quanh nhằm tìm cách giải cứu tên phi công. Không biết xử trí thế nào, ông Đồng yêu cầu ông Được dùng dao lẹ khoắng rạch hết quần áo tên phi công ra nhưng máy bay vẫn vần vũ trên bầu trời. Bí quá, ông Đồng cướp chiếc máy bộ đàm và đạp tên phi công ngã xuống ruộng rồi dìm bộ đạm xuống bùn nhưng nó vẫn kêu, phải đến khi dùng dao chặt đứt dây bộ đàm thì tốp máy bay trên bầu trời mới chịu bỏ đi.

“Sợ máy bay cứu được người nên tôi buộc phải đánh ngã tên phi công xuống ruộng nhưng do hắn nặng quá nên sau phải nhờ tới ba anh dân quân mới dựng được hắn dậy. Sau đó, tôi dẫn tên phi công về trói vào gốc nhãn nhà ông Trần Văn Vĩnh ở xóm Bậu, xã Văn Yên trong lúc đợi cấp trên về xử lý.”

Chúng tôi tìm tới gia đình ông Trần Văn Vĩnh và vui mừng biết ông vẫn còn sống và khá minh mẫn. Gặp chúng tôi, con cháu ông Vĩnh cho biết thỉnh thoảng ông cụ vẫn nhắc lại việc bắt được tên phi công Mỹ khi xưa. Hồi đó, ông Vĩnh là Tiểu đội trưởng Dân quân tự vệ xóm Bậu, theo sự điều động của ông Lý Văn Đồng, ông Vĩnh dẫn giải tên phi công về trói ở gốc nhãn trước nhà. Do bị lột hết giầy và quần áo nên tên phi công kêu la ầm ĩ khi bị bắt đi chân đất trên bờ ruộng.


Ông Trần Văn Vĩnh nhớ lại hành động cho tên phi công Mỹ chiếc quần đùi

Với người dân sống dưới chân dãy núi Tam Đảo, nhắc đến may bay tiêm kích, ném bom chiến lược B52 của Mỹ ai cũng biết bởi trong trận chiến 12 ngày đêm, rất nhiều phi công Mỹ do sợ chết trước làn đạn như vãi trấu của phòng không, không quân ta bắn lên đã trút bom xuống những cánh rừng trên dãy Tam Đảo để chạy trốn. Đến nay, thỉnh thoảng người dân tại xã Văn Yên và Ký Phú đi rừng vẫn bắt gặp dấu tích khi xưa. Thậm chí, những lúc rảnh rỗi bà con nơi đây còn vào rừng khiêng vỏ bom về bán sắt vụn hoặc treo làm kỉ niệm.

Mỗi lần nhắc tới chuyện cũ, ông Vĩnh đều bật cười để lộ hàm răng móm mém bởi với người dân chân lấm tay bùn như ông Vĩnh việc bị đỉa cắn là bình thường nhưng tên phi công Mỹ khi bị đỉa cắn sợ quá kêu lên như bò rống. Mặc dù trong thâm tâm căm thù tên giặc lái đến tận xương tủy vì gây ra không biết bao nhiêu cái chết cho người dân vô tội song ông Vĩnh vẫn nhường chiếc quần đùi duy nhất của mình cho tên phi công.

“Tôi thì nhỏ mà hắn thì to nên khi mặc chiếc quần đùi của tôi vào chật ních nhìn buồn cười không chịu nổi. Tên phi công mới chỉ ngoài 20 tuổi mà cao 1,8 m, nặng tới 96 kg, bằng cả hai người như chúng tôi lúc bấy giờ nên khi hắn bị ngã không dậy được mà phải ba người như tôi mới nâng được hắn dậy", ông Vĩnh cười nhớ lại.


Nhiều người dân sống dưới chân dãy núi Tam Đảo vẫn lưu giữ lại những vỏ bom do quân Mỹ chạy trốn trút bỏ xuống cánh rừng

Theo như lời ông Lý Văn Đồng, ngay khi giải tên phi công về UBND xã Văn Yên, rất nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ đã kéo đến vây kín trụ sở ủy ban đòi giết tên phi công vì quá căm phẫn trước việc chồng, cha, con mình bị hy sinh do bom đạn. Phải đến khi ông Lý Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ lúc bấy giờ nổ 3 phát súng chỉ thiên người dân mới để cho lực lượng cách mạng chuyển tên phi công được đi. Sau đó, ông Đồng quay trở lại thu nhặt lại tất cả vật dụng tên phi công bỏ lại và không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một phi công Mỹ được trang bị tận răng không thiểu một thứ gì, đủ để tồn tại trong rừng cả tháng trời. Trong đó, có súng, dao, lều bạt, thức ăn, đồ uống, lửa, thuốc men,… Tuy nhiên, dù có được trang bị tối tân đến đâu nhưng nước Mỹ với hàng không mẫu hạm và pháo đài bay vẫn không thể khuất phục được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm