| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện hợp tác xã, trang trại sản xuất theo chuỗi liên kết ở Chương Mỹ

Thứ Tư 17/08/2022 , 14:07 (GMT+7)

Huyện Chương Mỹ có đất rộng, đông hợp tác xã, làng nghề, trang trại nên những thuận lợi cũng như khó khăn ở đây là điểm chung của nhiều huyện ngoại thành Hà Nội.

Toàn huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đang có 104 hợp tác xã trong đó 72 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số thành viên 25.711, lao động thường xuyên 1.340 người.

Một số hợp tác xã ở đây đã bắt đầu sản xuất theo chuỗi liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp để đảm nhận các khâu trong chuỗi liên kết đó. Chuyện cụ thể là sau khi chuyển đổi theo Luật mới, các hợp tác xã đều thiết lập bộ máy trực tiếp điều hành sản xuất gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, kế toán, tổ dịch vụ; số lượng cán bộ quản lý hợp tác xã là 574 người (179 người có trình độ trung cấp, sơ cấp; 119 người có trình độ đại học, cao đẳng; số còn lại được đào tạo bồi dưỡng các khóa chuyên môn ngắn hạn). Doanh thu bình quân một hợp tác xã 2.716 triệu đồng, lãi bình quân 50 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi lao động 4 triệu đồng/tháng.

Vườn bưởi ở Nam Phương Tiến. Ảnh: NNVN.

Vườn bưởi ở Nam Phương Tiến. Ảnh: NNVN.

Các hợp tác xã đã tăng cường mở rộng phạm vi dịch vụ và lĩnh vực kinh doanh, tuy nhiên chưa có nhiều chuyển biến về phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh mà vẫn chủ yếu hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm dịch vụ bảo vệ đồng điền, dự báo sâu bệnh, quy mô hoạt động manh mún, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.

Cụ thể hợp tác xã tổng hợp (hợp tác xã toàn xã hay liên thôn sau chuyển đổi-PV) hoạt động quá rộng nhưng chưa đi vào chuyên sâu, chưa có sản phẩm tốt, chưa biết cách tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu của cuộc sống. Còn hợp tác xã chuyên ngành cũng đang gặp khó khăn về vốn đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách khuyến nông của thành phố dù có hỗ trợ cho việc này nhưng mới chỉ dừng ở hỗ trợ lãi suất trong 3 năm, trong khi đó đây là khoản đầu tư lớn khiến các hợp tác xã thấy vướng trong mở rộng hoạt động, nhất là trong các khâu cơ giới hóa mạ khay máy cấy.  

Chương Mỹ là huyện đất rộng, phù hợp để phát triển mạnh kinh tế trang trại nên đã có 582 cái đạt theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT-Bộ Nông nghiệp và PTNT trong đó 575 chăn nuôi, 4 thuỷ sản, 3 tổng hợp. 158 trang trại thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tuy nhiên chủ yếu liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức chăn nuôi gia công, chưa thực sự đạt hiệu quả cao về kinh tế.

Tổng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của trang trại đạt 2.583.843 triệu đồng, thu hút lao động thường xuyên 1.524 người, lao động thời vụ 369 người; thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Có 5 chủ trang trại có trình độ đại học, 6 chủ trang trại có trình độ trung cấp, cao đẳng. Số còn lại phần lớn hàng năm đều được tập huấn và học tập kinh nghiệm sản xuất ở các trang trại trên địa bàn, thành phố và các tỉnh lân cận.

Sản phẩm trứng an toàn của Chương Mỹ tại một cuộc trưng bày. Ảnh: NNVN. 

Sản phẩm trứng an toàn của Chương Mỹ tại một cuộc trưng bày. Ảnh: NNVN. 

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề truyền thống được công nhận, chủ yếu là sản xuất mây tre đan làm đồ thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên có 10 làng nghề đã bị mai một và nhiều nơi có vấn đề về môi trường. Bởi thế, năm 2021, UBND huyện đã bố trí kinh phí lập đề án bảo vệ môi trường cho 19 làng nghề đang hoạt động, nâng tổng số làng nghề đang hoạt động có đề án bảo vệ môi trường là 25.

Với các cơ sở sản xuất hàng mây tre đan lớn, huyện vận động di dời ra khỏi khu dân cư vào cụm công nghiệp, trang bị hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Với các cơ sở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, huyện đã yêu cầu các xã có làng nghề thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề; Thường xuyên tuyên truyền tới các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp để đảm bảo môi trường, ký cam kết bảo vệ môi trường; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Nông sản Hà Nội tại một cuộc trưng bày. Ảnh: NNVN.

Nông sản Hà Nội tại một cuộc trưng bày. Ảnh: NNVN.

Dù đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Châu Âu nhưng thị trường tiêu thụ, vấn đề liên kết đầu ra cho sản phẩm làng nghề vẫn chưa ổn định. Việc tận dụng lợi thế của các trang thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm cũng như gắn tem, mã QR chưa được nhiều hộ sản xuất quan tâm nên hiệu quả kinh tế chưa được cao, nhất là trong bối cảnh hậu Covid 19 thị trường xuất khẩu nhiều nơi vẫn còn đứt gãy.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.