Khởi nghiệp nông nghiệp năm 49 tuổi
Thế nhưng khi bắt đầu bước sang tuổi 49, anh thấy trong người không đủ khỏe để cứ phóng xe máy vèo vèo đi từ tỉnh này sang tỉnh khác nhận công trình làm mộc như thế nữa nên quyết định giải nghệ, về quê tại thôn Lương Sơn, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ở quê, việc nhà nông một là trồng trọt, hai là chăn nuôi, ngoài ra chỉ có làm công nhân trong các khu công nghiệp nhưng lứa tuổi ngũ thập đó không thể đi được nữa nên anh quyết định chọn nghề chăn nuôi.
Sau khi dồn điền đổi thửa đám ruộng gần, đám ruộng xa anh được mảnh đất 1.000m2 gần nhà, đủ để thiết kế một trang trại nuôi gà khép kín, với hệ thống quạt mát thông gió. Trước khi bắt tay vào làm, anh có đi tham quan nhiều trang trại khác của bạn bè, của người quen để học hỏi, có người nuôi gia công cho công ty lớn, có người tự mày mò nuôi, bởi vậy nên khi rẽ sang nghề mới làm trang trại không gặp nhiều bỡ ngỡ về kỹ thuật. Tuy nhiên sự cố khó lường nhất của đời anh chính là dịch Covid 19 bất ngờ ập đến.
Mất 2 năm lao đao, hầu như anh không thu được lợi nhuận, có lứa gà còn không bán được vì xe chuyên chở không thể đến trang trại do vướng các chốt theo Chỉ thị 16. Gà đến lứa ế nhưng vẫn phải nuôi, mỗi ngày tiêu tốn cả 4-5 triệu tiền cám mà không tăng trọng thêm một gram nào, kéo dài nửa tháng như thế đã thâm hụt cả vào vốn đầu tư. Về sau, khi anh túc tắc bán được sản phẩm thì giá gà lại xuống dốc không phanh. Gà ri lai bình thường đang từ 70-80.000đ/kg xuống chỉ còn 42.000đ/kg, gà Mía đang từ hơn 90.000đ/kg xuống chỉ còn 65.000đ/kg, đã thế giá cám lại tăng cao. Mãi về sau khi hết giãn cách xã hội thì người chăn nuôi như anh Vinh mới “dễ thở” được đôi chút:
“Mỗi năm tôi chăn 3 lứa gà, cỡ tháng 8, 9 nuôi gà Mía phục vụ cho mùa đám cưới cuối năm và Tết dương lịch, Tết nguyên đán, còn những tháng 3, 4, 5, 6, 7 thì nuôi gà ri lai phục vụ cho quán hàng không quá đòi hỏi về chất lượng. Nói chung là chăn nuôi vất vả hơn khi xưa đi làm thợ mộc, thu nhập cũng thấp hơn nhưng được cái ở nhà sáng tối, có thời gian chăm sóc được con cháu nên tinh thần thoải mái hơn. Chỉ những lúc giá cả thị trường bấp bênh mới thấy hơi không vui một chút thôi.
Cuộc sống gia đình của tôi từ khi chăn nuôi không có gì xáo trộn nhiều. Ngày ngày 6h sáng cơm nước xong thì tôi 7h30 ra trại cho gà ăn, kiểm tra van uống nước của gà, 9h30 về chăm sóc gia đình, cơm nước, nghỉ ngơi, chiều 4h30 lại ra cho gà ăn, về ăn cơm chiều, tối lại ra trại ngủ. Có camera tại trại nên chỉ cần xem điện thoại tôi cũng biết hết mọi diễn biến ở đó nên có thể xử lý được kịp thời mọi công việc”.
Lứa gà Mía 5.000 con này, trang trại của anh được Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ chọn làm mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học, được hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn, 50 % thuốc uống, chất khử khuẩn, thời gian nuôi dự kiến 4,5-5 tháng. Trước khi nhận làm anh Vinh cũng đến trại gà của một người bạn nuôi theo hướng an toàn sinh học với số lượng lớn tới 15.000 con để tham quan và nhận thấy cơ bản nhất là phải đảm nguồn nước sạch và thức ăn, thuốc uống an toàn:
“Chăn nuôi an toàn sinh học khác chăn nuôi bình thường ở chỗ phải kiểm soát nguồn thuốc kháng sinh, nguồn nước uống và nguồn thức ăn cho gà. Trước đây cho gà ăn cám tự do, nguồn nước không được kiểm định. Kể từ khi tham gia vào mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có đưa cán bộ kỹ thuật về kiểm tra nguồn nước, nguồn thức ăn, mọi thứ đều phải đạt.
Nước uống của gà đạt tiêu chuẩn ngang với của người, bơm từ giếng khoan lên được qua bình lọc, lắng phèn, khử khuẩn rồi chuyển vào bể chứa, cấp xuống chuồng gà theo hệ thống uống tự động. Thuốc, chủ lực là các loại vắc xin phòng bệnh, gà có mấy bệnh cơ bản như cầu trùng, viêm ruột (45 ngày-60 ngày tuổi hay mắc), khi bị có thú y về mổ khám xem nguyên nhân vì sao để chữ trị. Thức ăn phải đảm bảo có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Còn về đầu ra, bên khuyến nông có giới thiệu chỗ bao tiêu nhưng giá cả tôi phải tự đàm phán. Khi hết mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, dù không được hỗ trợ nữa tôi vẫn cứ áp dụng vì quy trình kỹ thuật đã thuộc rồi và cảm thấy nó rất bền vững”.
Ở đâu khó, có khuyến nông
Anh Nguyễn Văn Hùng-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ thông tin, trong những năm gần đây, mỗi năm đơn vị thực hiện trung bình ít nhất 3-4 mô hình bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Như mô hình khảo nghiệm một số giống lúa mới TBR 97, TBR89, TBR87, VNR20 với kết quả của năm 2020, năm 2021 khi so sánh với những giống khác thấy trên địa bàn, thích nghi tốt nên khiến nghị UBND huyện, Phòng Kinh tế đưa vào cơ cấu chính. Như mô hình nuôi thủy sản VietGAP triển khai theo dạng luân chuyển giữa các xã, năm 2019 thực hiện ở xã Thanh Bình, năm 2020 thực hiện ở xã Đại Yên, năm 2021 thực hiện ở xã Thượng Vực.
Thông thường, sau khi được giao thực hiện chương trình mô hình khuyến nông Trạm sẽ báo cáo với UBND huyện và Phòng Kinh tế, xuống làm việc với xã để lựa chọn các hộ nông dân tiêu biểu có đủ điều kiện nhân lực, kỹ thuật cũng như vật lực gồm cơ sở vật chất hạ tầng, vốn đối ứng. Những hộ được chọn, ngoài được hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn, vắc xin phòng bệnh, hóa chất sát khuẩn chuồng trại còn có cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ thường xuyên trợ giúp về mặt kỹ thuật, bám sát mô hình để theo dõi tốc độ sinh trưởng cũng như phòng chống dịch bệnh.
Năm nay Trạm thực hiện 2 mô hình khuyến nông, thứ nhất là 10.000 gà chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ở xã Đông Sơn trong đó chia ra 5.000 con nuôi khép kín để cấp giấy chứng nhận VietGAP, bên cạnh 5.000 con nuôi thả vườn để có sự so sánh. Số lượng đàn gia súc, gia cầm của Chương Mỹ rất lớn, tổng đàn lợn có 203,5 nghìn con; đàn trâu, bò có 13,1 nghìn con; đàn gia cầm có 6.210 nghìn con (lớn nhất Hà Nội). Trước đây chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ dễ phát sinh dịch bệnh, khó khống chế, giờ phát triển lên chăn nuôi tập trung, gọn khu, gọn khoảnh, xa khu dân cư, áp dụng theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo môi trường và kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, tránh lây lan.
Mô hình thứ hai là nuôi 20 con bò sinh sản ở xã Đông Sơn và Trung Hòa, thời gian thực hiện trong 2 năm. Những hộ được chọn thuộc dạng khó khăn nhưng vẫn có điều kiện về nhân lực để chăm sóc cho gia súc, đủ cơ sở vật chất, chuồng trại để đảm bảo quy mô nuôi 3-4 con bò. Còn những hộ nghèo họ đã có các chính sách khác của Nhà nước hỗ trợ, nếu cứ đưa vào mô hình sẽ khó đảm bảo điều kiện chăm sóc, khó thành công.
Huyện Chương Mỹ đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Hồng Phong, Đồng Phú, Quảng Bị...; Vùng trồng cây ăn quả ở các xã Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Trần Phú...; Vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở xã Lam Điền, Thanh Bình...; Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Trung Hòa, Thủy Xuân Tiên...; Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết.