Cầu nối giữa các doanh nghiệp với người lao động
Năm 2020, được dự đoán là năm khó khăn chung, trong đó tỷ lệ người lao động thất nghiệp tại Việt Nam có nguy cơ tăng cao, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tại Bạc Liêu, ngay đầu năm 2020 Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đã triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đồng thời tổ chức các Phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 10 hàng tháng cũng như các Phiên giao dịch việc làm lưu động, các cụm tư vấn, tổ chức tư vấn tập trung theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, với vai trò là cầu nói giữa các doanh nghiệp với người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bạc Liêu luôn duy trì việc tuyên truyền thông tin thị trường lao động thông qua website vieclambaclieu.vn (đến nay có 55 tin bài được đăng tải) và thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, video tuyên truyền trên màn hình Led tại Trung tâm.
Qua đó đã kết nối việc làm cho nhiều người lao động có nhu cầu tìm việc, góp phần đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nhiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tôm tại Bạc Liêu, không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, vấn đề chất lượng nguyên liệu đầu vào… mà còn đau đầu về việc lao động bỏ việc.
Bà Hồ Thị Kiểng - Giám đốc Công ty Thiên Phú, cho biết: Hiện công ty chủ yếu là sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng chiếm hơn 70% sản phẩm tôm xuất khẩu, cho 15 quốc gia và được tổ chức Châu Âu và được cấp 7 giấy chứng nhận về an toàn xuất khẩu mặt hàng thủy sản.
“Hiện Công ty Thiên Phú có 3 xưởng chế biến, sử dụng khoảng 1.000 lao động, với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tình trạng công nhân bỏ việc để đi làm cho những cơ sở sơ chế nhỏ lẻ “núp bóng” ngày càng nhiều” bà Kiểng chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số lao động sau khi được Công ty đưa đi đào tạo có tay nghề quay về làm việc được một thời gian thì xin nghỉ việc. Vì vậy, Công ty liên tục phải tuyển lao động mới.
Đại diện Công ty TNHH Nigico chuyên chế biến hải sản xuất khẩu (phường Hộ Phòng, TX Giá Rai) cho biết: Hơn 20 năm hoạt động, hiện năng lực sản xuất và thị phần tiêu thụ sản phẩm của Công ty rất ổn định. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi hiện nay là lao động còn thiếu và không gắn bó lâu dài với Công ty.
“Để đào tạo một lao động có tay nghề thuần thục ít nhất cũng mất từ 3 - 4 tháng, thế nhưng lao động sau khi có tay nghề lại bỏ đi” đại diện Công ty Nigico cho biết.
Qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Bạc Liêu cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động và được sự tư vấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, số người lao động đã thật sự an tâm tìm những nơi làm việc có tính lâu dài và ổn định.
Ông Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bạc Liêu cho biết: Đầu năm 2020 đến nay đơn vị đã cung cấp 55 lần thông tin với 5.280 thông tin thị trường lao động cho các Điểm giao dịch việc làm xã, phường, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã.
Theo ông Tươi, năm 2020, Trung tâm tổ chức tư vấn cho 50.344 lượt người về các chính sách lao động việc làm, đào tạo nghề và bảo hiểm thất nghiệp, đạt 125,86% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2019.
Giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động
Số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2020 tại Bạc Liêu là gần 21.000 lao động, trong đó giới thiệu việc làm tại Trung tâm 228 lao động, giới thiệu việc làm tại các điểm giao dịch việc làm hơn 20.700 lao động, trong tỉnh 4.413 lao động, nữ là gần 2.000 lao động, hộ nghèo, dân tộc thiểu số hơn 1.600 lao động. Đạt hơn 116% so với kế hoạch năm, giảm 14,87% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, số lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) là 160 lao động (lao động sang thị trường Nhật Bản là 101 lao động, Đài Loan là 59 lao động).
Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp Phòng Lao động Việc làm Giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong năm qua, đơn vị đã đẩy mạnh mở nhiều hoạt động đào tạo như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo cung ứng cho doanh nghiệp, đào tạo lại cho người lao động tại các doanh nghiệp…
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm hơn 63%. Trong đó, Đại học 518 sinh viên, Cao đẳng 1.200 sinh viên, Trung cấp 800 học sinh và sơ cấp nghề - dạy nghề dưới 3 tháng là hơn 12.600 người. Học viên sau khi đào tạo đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sản xuất tại hộ gia đình. Nhờ đó, số lao động sau khi được đào tạo có việc làm chiếm hơn 80%.
Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, thông qua kế hoạch thu thập cung cầu lao động, kế hoạch tổ chức hoạt động Sàn giao dịch việc làm, điểm giao dịch việc làm, kế hoạch giải quyết việc làm…kết hợp với giải quyết việc làm ngoài tỉnh và việc làm tại chỗ cho người lao động. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để quay trở lại thị trường lao động.