| Hotline: 0983.970.780

Cây bơ đẻ ra vàng

Thứ Năm 01/03/2012 , 10:42 (GMT+7)

Đó là một cây bơ trái vụ, ra quả quanh năm của ông Nguyễn Ngọc Đức ở thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư cuin (Đăk Lăk).

Cây bơ trái vụ có tuổi thọ hơn 20 năm của ông Nguyễn Ngọc Đức

Đó là một cây bơ trái vụ, ra quả quanh năm của ông Nguyễn Ngọc Đức ở thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư cuin (Đăk Lăk). "Cây bơ triệu phú" này có năm cho thu nhập tới 28 triệu đồng, bởi bơ trái vụ bán giá cao, gấp 2- 3 lần bơ chính vụ.

Đây là một cây bơ cổ thụ, nằm giữa mảnh vườn, tán rộng bao trùm như một “bóng cây Kơnia”, thân chừng hai người ôm mới hết, trên cây có đầy quả, đủ các cỡ to, nhỏ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Đức cho biết: “Cây bơ được chủ nhà trước trồng từ năm 1987. Năm 1990 tôi đã mua lại mảnh vườn và là chủ sở hữu cho đến giờ. Năm 1992 cây bơ bói được vài kg quả chỉ đủ ăn và biếu bạn bè, làng xóm. Dần theo thời gian cây ngày một to ra, số lượng quả tăng lên theo cấp số cộng. Thu tiền bán bơ trái vụ ngoài mua phân lân bón cho rẫy, tôi còn mua sắm thêm đồ dùng cũng như trang trải sinh hoạt hàng ngày”.

Khi được hỏi về nguồn gốc cây bơ trái vụ này, ông Đức kể, nghe chủ nhà trước đây cho biết, trong một lần tới Nông trường Việt Đức (thời Pháp thuộc) được ăn một trái, thấy bơ thơm ngon, đây là giống bơ trái vụ cơm vàng, hạt lép nên đã lấy vài hạt về trồng.

Ông Đức cho biết thêm: Cây bơ cho thu hoạch đều từ 15 năm trở lại đây, số lượng quả cho thu rải rác hàng năm (từ tháng 11 năm trước tới tháng 6 năm sau). Vài năm trước chuyên gia Nguyễn Lân Hùng có ghé thăm cây bơ này và tấm tắc ngợi khen, tuy nhiên lúc đó vì không ghi chép nên ông không biết số chính xác lượng quả là bao nhiêu. Đến năm 2010, ông đã lập thành cuốn số và ghi chép đầy đủ số lượng quả bán ra cũng như số tiền thu về từ bán bơ. Số lượng bơ thu đều hàng năm khoảng 650- 800 kg/năm, tùy theo từng năm.

"Với giá trung bình từ 50.000- 60.000 đồng/kg, năm nào tôi cũng thu về trên 10 triệu đồng. Cụ thể, năm 2010 tôi thu được 10.800.000 đồng, nổi trội năm 2011 do thời tiết thuận lợi nên tôi thu tới 28.640.000 đồng. Riêng năm 2012, với giá bơ ở mức từ 60.000- 70.000 đồng/kg, từ đầu năm tới giờ tôi đã thu về được 11.340.000 đồng", ông nói.

Anh Đậu Chí Thanh, người chịu trách nhiệm về kỹ thuật ghép bơ giống Minh Phát cho biết: “Bơ là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là bơ trái vụ, lại hợp với vùng đất Tây Nguyên, có thể trồng xen canh với cây cà phê… Trồng bơ nên đào hố sâu nhưng phải trồng nông để tạo cho rễ cây phát triển nhanh, lâu già cỗi.

Là chủ sở hữu một “cây bơ vàng” tại Đăk Lăk, lo ngại một ngày nào đó cây bơ này sẽ già cỗi và chết đi, nên ông Đức đã thuê kỹ sư nông nghiệp về lấy chính chồi của cây này và ghép thành công giống bơ con trái vụ. Cũng tại mảnh vườn này ông đã trồng thử nghiệm được 10 cây, hiện đã cho bói quả một năm nay, quả vẫn thơm ngon không kém cây mẹ, thậm chí to hơn (vì cây mới trồng).

Nhiều người dân nghe và đặt câu hỏi nếu ông Đức ghép, nhân giống và bán cho bà con trồng xen trong vườn cà phê thì tốt biết bao? Với mong muốn lưu giữ lại giống bơ quý này, đồng thời tạo điều kiện cho bà con nông dân có cơ hội phát triển về cây bơ. Năm 2011, ông đã quyết định ghép và bán ra thị trường.

Để khẳng định thương hiệu bơ trái vụ của mình, ông đã đặt tên cho giống bơ này là giống bơ Minh Phát. “Năm 2011 tôi đã bán ra thị trường khoảng 2.000 cây giống, với giá trung bình từ 30.000- 35.000 đồng/cây thu về được trên 60 triệu. Năm nay tôi có ý định ghép  7.000- 9.000 cây giống” ông Đức cho biết.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.