| Hotline: 0983.970.780

Cây chanh - vị thuốc hay

Thứ Ba 29/10/2019 , 10:00 (GMT+7)

Đông y cho rằng chanh vị chua ngọt, tính bình. Lá chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình. Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.

qu-chnh15493557

Công dụng: Lá chanh có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Quả có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc chanh như: Quả chanh được dùng làm thuốc giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hoá, chống bệnh scorbut; còn dùng làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn ra mật.

Lá chanh được dùng làm gia vị đặc biệt là thịt gà và cũng được dùng làm thuốc trị sốt rét dai dẳng, cảm cúm, hen phế quản, ho gà và trị bệnh ngoài da, rắn cắn. Dịch lá tươi, phối hợp với dầu giun, rau sam, hoà vào nước đun sôi, rồi thêm dầu thông có tác dụng trị giun tốt. Dịch quả thêm mật ong dùng chữa tưa lưỡi.

Nước hãm lá dùng uống trị cảm cúm và giúp cho răng mọc tốt. Làm mất nếp nhăn trên da: Dịch quả chứa 6,56-7,84% acid citric 0,26-4,13% đường toàn phần, protein, dầu béo, muối khoáng, vitamin B1, C. Về mặt mỹ phẩm, dịch chanh (5-10 giọt) đánh nhuyễn với lòng trắng trứng gà (1 quả) bôi lên mặt sẽ làm mất nếp nhăn trên da.

Dịch chanh trộn với nước ép quả dâu tây, dùng chải tóc và bôi lên da đầu, sau gội sạch để tẩy chất nhờn trên tóc. Về mặt y học, dịch chanh có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, cầm máu chữa cảm sốt, bệnh Scorbut (bệnh thiếu vitamin C): Khi bị viêm họng, ho nhiều, lấy chanh ngậm với ít muối, nuốt nước dần dần. Chỉ cần 2 thìa súp dịch chanh hòa vào một lít nước uống đủ để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Dịch chanh còn là nguyên liệu để chế acid citric. Dùng ngoài, dịch chanh (nửa thìa cà phê) hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà giã nhỏ 10g, dùng bôi chữa hắc lào, lở chốc.

Múi chanh: Có thể phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho, viêm họng. Sau khi gội đầu, bạn có thể vắt một ít nước chanh quả lên có tác dụng làm trơn tóc. Lá và ngọn: Lá thường dùng làm gia vị ăn với thịt gà, ốc, nấu nước để xông trị cảm cúm. Lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn trẻ em chữa bí đái, đầy chướng bụng. Lá chanh có vị the, đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí...

Một số cách chữa bệnh từ chanh:

* Sốt rét dai dẳng, dùng lá chanh 100g, rượu 30o 100ml. Lá chanh được thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm rồi đem phơi sương một đêm, uống một lần vào lúc sáng sớm, uống 3-5 ngày liền.

* Cảm cúm: Lá chanh 16g, tỏi 4-6g, lá dung hoặc lá mít 16g, nghệ 16g, nước 450ml, sắc còn 150ml, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.

* Hen phế quản: Lá chanh một nắm, dây tơ hồng một nắm; tất cả sao vàng, khử thổ, đổ ba bát nước, nấu còn một bát, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một bát; uống 7-10 ngày liền.

* Ho gà: Lá chanh tươi sắc với vài lát gừng thêm đường đủ ngọt, uống dần.

* Chữa sâu quảng: Lá chanh non, lá diếp cá, lá húng chanh, lá mùi tàu, tất cả hái khi còn tươi, mỗi thứ một nắm, thái nhỏ trộn cho đều, gói vào lá chuối hơ nóng, rạch cho thoáng rồi buộc lên vết loét, sau 24 giờ mới mở và thay miếng khác.

* Rắn cắn: Rễ chanh 8g, hạt chanh 4g, phèn chua 2g, gừng 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi, lọc kỹ, chia 2 lần uống trong ngày.

Một số món ăn - bài thuốc có chanh:

- Nước chanh: vắt lấy nước, thêm nước sôi nguội, có thể thêm đường hay muối vừa đủ. Chống nắng, chống nóng, giải khát.

- Chanh ướp muối đường: chanh tươi bóc bỏ vỏ, bỏ hột, dầm nát, thêm chút muối hoặc đường tùy ý, ngậm ít một. Dùng cho các trường hợp lợm giọng, buồn nôn, nôn ói, nóng rát vùng thượng vị.

- Chanh ướp muối: chanh bóc vỏ, bỏ hột, ướp muối khoảng 12 tiếng. ăn hay ngậm tùy ý. Dùng cho trường hợp sốt nóng, viêm họng, viêm thanh phế quản, đờm đặc, ho khan, khản giọng.

- Gà ướp chanh quay: gà 1 con, chanh 1 quả, đường trắng 1 thìa, dầu vừng 1 thìa, muối ăn vừa đủ. Gà làm sạch, chặt miếng, chanh vắt lấy nước bỏ hạt, cùng đường, dầu và muối để ướp thịt gà trong 20 phút. Cho lên chảo đun to lửa cho chín tái, sau đun nhỏ lửa cho chín nục. Dùng cho trường hợp ho khan do viêm khí phế quản, ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu.

- Vịt hầm nước chanh: thịt vịt 240g, dứa tươi cắt lát 150g, trứng gà bỏ vỏ 45g, nước chanh 90g. Thịt vịt chặt miếng, ướp nước chanh, tẩm bột gạo, cho lên chảo chiên nhỏ lửa cho chín phồng; sau đó cho gia vị, giấm, dầu vừng, xào lại, cho dứa vào, đun chín. Dùng cho trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt, kích ứng, sốt nóng, khát nước, môi họng khô (âm hư dương cang huyễn vững phiền khát).

Lưu ý: Người bị loét dạ dày - tá tràng chưa ổn định, đa toan không dùng. Chanh có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nên chế biến, hạn chế dùng dạng tươi sống.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.