Vụ Đại uý Lê Thị Hiền, cán bộ Đội CSGT trật tự cơ động của Công an quận Đống Đa - Hà Nội gây rối tại Sân bay Tân Sơn Nhất, đã diễn ra từ ngày 11/8. Thế nhưng, khi clip của sự việc tung lên mạng xã hội, thì dư luận mới choáng váng.
Dù ở tại quầy thủ tục, hay ở tại phòng an ninh, bà Lê Thị Hiền đều thể hiện thái độ hống hách và ngang tàng, luôn miệng chửi mắng người khác.
Bà Lê Thị Hiền. Ảnh cắt từ clip. |
Cách hành xử của bà Lê Thị Hiền thật khó tin. Ở một nơi công cộng được mặc định tiêu chuẩn văn minh như cảng hàng không, người bình thường có biểu hiện ngược ngạo như vậy đã khó chấp nhận, huống hồ bà Lê Thị Hiền lại là một người trong lực lượng vũ trang vốn tôn trọng kỷ luật tuyệt đối.
Cũng bất ngờ trước hình ảnh phản cảm ấy, đơn vị đang trực tiếp quản lý bà Lê Thị Hiền là công an quận Đống Đa đã ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ cán bộ này để kiểm điểm, xử lý.
Về phía bà Lê Thị Hiền, trả lời báo chí: "Tôi bị oan quá. Sự việc đang bị báo chí, mạng xã hội hiểu sai sự thật. Ngay cả video cũng không thể hiện từ đầu của buổi check-in vé dẫn đến việc tôi bức xúc đến như vậy. Video hoàn toàn đã bị cắt ghép chỉnh sửa. Tôi sẽ đề nghị làm rõ đoạn video. Mong muốn của tôi cần phải làm sáng rõ sự việc. Tôi đồng ý quan điểm sai đến đâu thì xử lý đến đó. Tuy nhiên, tại sao các bạn đã photoshop tôi như một con lợn để lăng mạ sỉ nhục tôi?".
Bà Lê Thị Hiền có bị oan thật không? Cứ hạ hồi phân giải. Thế nhưng, trong đoạn clip thì bà Lê Thị Hiền mắng mỏ và tấn công nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, không khác gì dân giang hồ tung hoành giữa chợ trời. Bà Lê Thị Hiền dùng ngôn từ mạt sát nhân viên quầy thủ tục: “Mặt đã xấu mà còn ngu”, “Loại mày ra ngoài gặp người khác người ta vả vào mặt mày. Loại này tôi phải chạy 5 triệu đồng facebook chửi con này” và còn nguyền rủa “có chồng thì ế chồng, có con thì dị tật”.
Chưa hết, bà Lê Thị Hiền còn lao vào đánh nhân viên phòng an ninh và la hét như thể mình bị… ức hiếp. Kiểu người đanh đá và táo tợn như bà Lê Thị Hiền, dường như chỉ còn thấy trong các bộ phim phản ánh đời sống vỉa hè những thập niên trước đây.
Nếu không cậy mình là đại úy, bà Lê Thị Hiền có dám hành xử như vậy không? Về mặt tâm lý, khi không phải ở trong tình trạng say xỉn bia rượu hoặc dùng chất kích thích, thì bất kỳ ai muốn tác oai tác quái chốn đông người cũng phải dựa vào một sức mạnh nào đó. Sức mạnh ấy có thể là tiền bạc, sức mạnh ấy có thể là quyền lực, sức mạnh ấy có thể là quan hệ…
Trường hợp bà Lê Thị Hiền khiến nhiều người nhớ đến chuyện một cảnh sát giao thông huyện Tân Uyên - Bình Dương đã múa kiếm ở sân bay Đà Nẵng, vì cậy mình là công an và cậy cha mình là quan chức cấp tỉnh.
Cậy mạnh, cậy giàu để gây rối trật tự công cộng là một biểu hiện đáng lên án. Thế nhưng, trong thời đại hội nhập, mà có kẻ cậy mình thiếu văn hóa để gây rối trật tự công cộng thì còn đáng lo ngại hơn, đáng sợ hãi hơn.