Phát triển quế làm người ta nhận ra rằng, khi đã đồng lòng thì đồng bào vùng căn cứ cách mạng sẽ chia ngọt, sẻ bùi, dồn toàn lực để phát triển kinh tế quê hương.
Hữu xạ tỏa hương
Ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Đó là điều mà anh Nguyễn Văn Vũ, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa) đúc rút được sau gần 20 năm gắn bó với đồi rừng. Với hàng chục ha quế, cùng vườn ươm quế giống quy mô 1 triệu cây/năm, anh Vũ đã trở thành triệu phú từ loại cây trồng này.
Anh Nguyễn Văn Vũ (bên phải) kiểm tra cây quế giống.
Năm 1995, khi đang là chủ một của hàng sửa chữa xe máy rất đông khách tại thị trấn Chợ Chu, anh bỏ tất cả để lên núi trồng rừng. Với số tiền gần 60 triệu đồng (khi ấy có thể mua được cả chục cây vàng) mà 2 vợ chồng dành dụm được, anh đã đầu tư mua đất trồng mới 11,6ha keo xen lẫn mỡ và mua lại gần 10ha bạch đàn ở khu vực đèo So thuộc xóm Đăng Mò, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Năm 1997, anh mua thêm 12ha rừng quế tại xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Từ năm 1996 đến năm 2000, anh Vũ làm lán ở luôn trong rừng để tiện cho việc chăm sóc và cuốc đất trồng rừng. Đến năm 2000, gia đình anh đã có hơn 50ha rừng trồng, gồm 35 ha rừng keo lẫn mỡ, 15ha quế.
Từ năm 2005, rừng của anh bắt đầu cho khai thác từng phần, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe máy. Khai thác đến đâu, anh trồng lại ngay đến đó, từng bước thay thế diện tích mỡ bằng keo lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, năm 2010 anh Vũ đã thành lập công ty TNHH Vũ Hoa do anh làm giám đốc với ngành nghề kinh doanh là trồng và chế biến lâm sản.
Năm 2011, anh Vũ bắt đầu khai thác diện tích quế và bất ngờ trước giá trị kinh tế rất cao của cây trồng này. 4 ha quế mới chỉ tỉa những cây to đã bán được hơn 250 triệu đồng. Anh giải thích, trước đây, cây quế chỉ khai thác lấy vỏ thì nay cả cành, thân, lá đều có thể tận dụng để chế biến tinh dầu. Tất cả mang cân, bán với giá khoảng 2.500 đồng/kg khô. Ý tưởng mở rộng diện tích trồng quế, gắn với chế biến tinh dầu và tiêu thụ sản phẩm được hình thành từ đó.
Anh Vũ tìm đến vùng quế Đại Sơn nổi tiếng ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái học hỏi kinh nghiệm. Để đánh giá chất lượng, anh còn mang 100 kg cành và lá quế đã phơi khô ở Định Hóa để chế biến thử. Kết quả, tỷ lệ tinh dầu của quế Định Hóa đạt 81%. Ngay lập tức, Giám đốc cơ sở trưng cất tinh dầu quế tỉnh Yên Bái đã ký cam kết sẽ bao tiêu nguyên liệu, cũng như sản phẩm tinh dầu quế của anh.
Anh Vũ (người đội mũ) bên sản phẩm từ rừng quế.
Có kỹ thuật, đầu năm 2012, anh Vũ đầu tư mua máy móc chế biến tinh dầu quế. Anh tính toán, một tấn nguyên liệu quế khô (gồm cả vỏ, cành, lá) sau khi chế biến sẽ cho khoảng 7,5 kg tinh dầu, giá bán 600 nghìn đồng/kg. Một ha quế trồng theo mật độ 5 nghìn cây, sau 5 năm có thể thu hoạch với giá trị kinh tế sẽ đạt ngưỡng trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây rừng khác.
Xây dựng Đề án, Dự án
Ông Trần Minh Hà (Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa) cho biết, trên thực tế, đồng hành cùng với anh Nguyễn Văn Vũ, cây quế đã được đưa vào trồng rải rác trên địa bàn huyện Định Hóa. Nhận thấy triển vọng giúp người dân thoát nghèo từ cây quế, từ ý tưởng và đề nghị của anh Nguyễn Văn Vũ, cuối năm 2012, HĐND huyện Định Hóa đã thông qua đề án xây dựng vùng trồng quế nguyên liệu.
UBND huyện xây dựng kế hoạch và giao cho phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Ban Quản lý rừng ATK và Công ty TNHH Vũ Hoa do anh Nguyễn Văn Vũ là Giám đốc phối hợp thực hiện. Công ty TNHH Vũ Hoa có trách nhiệm cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, xây dựng nhà máy và thu mua sản phẩm cho người dân. Phục vụ cho Đề án, anh Vũ đã xây dựng một vươn ươm quế giống đạt tiêu chuẩn với quy mô 1 triệu cây giống.
Tham gia đề án, các hộ dân được tuyên truyền chủ trương, các cơ chế hỗ trợ của huyện trong việc phát triển rừng quế. Được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, hỗ trợ giống cây, phân bón vô cơ để bón lót theo quy trình kỹ thuật. Theo đó, các hộ dân tham gia trồng quế được huyện cấp 2.500 cây quế/ha. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung ứng giống, cho vay 1.500 cây/ha.
Cây quế hứa hẹn là cây mũi nhọn, phát triển kinh tế xã hội tại ATK Định Hóa
Năm 2015, huyện Định Hóa đã triển khai thí điểm Dự án trồng xen cây quế vào diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích khoảng 100ha tại một số xã trên địa bàn huyện. Kết quả bước đầu mang lại rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt gần 90%. Trên cơ sở đó, năm 2016, huyện đã tiếp tục triển khai Dự án trên quy mô toàn huyện và giao cho Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa làm chủ đầu tư thực hiện Dự án.
Huyện cũng đã trích ngân sách trên 1,9 tỷ đồng, trong đó trên 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua cây giống. Kết thúc niên vụ trồng rừng 2016, Định Hóa đã hoàn thành trồng rừng phòng hộ, rừng trồng thay thế, rừng sản xuất và cây phân tán với tổng diện tích hơn 500 ha quế. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Định Hóa dự kiến trồng 3.000ha quế tại các xã nằm trong vùng quy hoạch gồm: Kim Sơn, Quy Kỳ, Tân Dương, Phượng Tiến, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Linh Thông, Phúc Chu.
Đánh giá về chương trình, ông Ma Đình Đối (Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, từ thực tiến sản xuất của người dân, Đề án “Cánh rừng mấu lớn” đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và triển khai. Theo đó, 460 ha quế tại xã Quy Kỳ sẽ được trồng với mật độ 5.000 cây/ha để phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu. Dự kiến sau 5 năm, doanh nghiệp có thể tỉa thưa cành, lá để phục vụ nhà máy chiết xuất các sản phẩm từ quế, sau 15 năm, tổng thu nhập từ cây quế ước đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
Qua thực tiễn việc trồng cây quế, việc nghiên cứu đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng của huyện cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế, có thể thấy chủ trương phát triển cây quế tại Định Hóa là có cơ sở và khả năng thành công rất cao, đem lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.