Vấn nạn tham nhũng đã đeo đuổi Trung Quốc nhiều thập kỷ qua. Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GFI), một đơn vị nghiên cứu tài chính, cho biết từ năm 2003 đến 2012, khoảng 1,6 nghìn tỷ USD đã theo chân các quan tham, doanh nhân phạm pháp ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Biệt đội săn cáo
Thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong giai đoạn trên, khoảng 16.000 đến 18.000 quan tham Trung Quốc đã trốn ra nước ngoài. Chiến dịch truy lùng những người này, tức “Chiến dịch săn cáo”, là thành phần quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động từ năm 2012 với phương châm: Cắt đứt đường thoát ra nước ngoài, trấn áp tham nhũng trong nước.
Trung Quốc bắt Dư Chấn Đông vào năm 2004, cựu trưởng chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Quảng Đông, phạm tội biển thủ gần nửa tỷ USD |
Tháng 8/2016, Trung Quốc cho biết “Săn cáo 2016” đã giúp chính quyền bắt được 409 người lẩn trốn ở nước ngoài. Giới chức ngân hàng và các cơ quan chính phủ cũng tham gia săn cáo, bên cạnh biệt đội riêng gồm 20 thành viên, theo South China Morning Post. Trung Quốc coi đây là chiến dịch phức hợp với sự tham gia của nhiều thành phần, không chỉ đơn giản là lực lượng an ninh, cảnh sát như nhiều đồn đoán.
“Họ muốn gửi một thông điệp rằng dù bạn đã cao chạy xa bay, họ vẫn theo sát”, giáo sư Lance Gore, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, viết về Săn cáo.
“Có một số trường hợp, “cáo” nói rằng gia đình họ bị đe dọa, gây sức ép. Ở phương Tây, điều này là vi phạm pháp luật. Song ở Trung Quốc, nó dường như được xem là điều bình thường”, Gore nói.
Một người Trung Quốc trốn tại Canada, bị Bắc Kinh cáo buộc vi phạm pháp luật, nói với tờ Globe rằng ông bị một người đàn ông không rõ danh tính, tìm gặp và xưng là đặc vụ an ninh Trung Quốc. “Sau khi họ tiếp cận tôi, các thành viên gia đình tôi ở Trung Quốc đều gặp rắc rối. Họ bắt đầu nhằm vào người thân của tôi”, người đàn ông Trung Quốc giấu tên, cho biết.
Báo Canada cáo buộc chiến thuật săn cáo của Trung Quốc là đưa các đặc vụ giả dạng khách du lịch vào nước này, ít nhất từ năm 2000 tới nay. Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) và Cơ quan Tình báo Canada được cho là đã từng điều tra về các cáo buộc.
Tuy nhiên, trong năm 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phủ nhận việc đưa đặc vụ tới Canada. Trong chuyến thăm Canada, ông Lý tuyên bố: “Chúng tôi nghiêm túc tuân thủ luật lệ và các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng tôn trọng luật pháp của các nước khác”. Ông Lý bác bỏ thông tin nói cảnh sát Trung Quốc tới Canada theo dạng khách du lịch.
Gây sức ép
Cuối năm 2015, lần đầu tiên thông tin về đội săn cáo được thừa nhận trên báo chí Trung Quốc. Tờ Đoàn Thanh niên Cộng sản Bắc Kinh, tiết lộ về “tiến trình làm việc chung” của đội săn cáo: “Cơ quan kiểm sát sẽ liên hệ với kẻ lẩn trốn, hoặc gửi nhân viên tới nơi kẻ đó đang ẩn náu”. Điều này nhằm gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của người lẩn trốn, thương lượng hoặc dùng “các cách khác với hy vọng đối tượng trở về Trung Quốc”, báo viết.
Tân Hoa xã dẫn nguồn Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết cơ quan này đã ghi nhận 1, 16 triệu trường hợp vi phạm kỷ luật, xử lý 1,2 triệu đảng viên từ Đại hội đảng lần thứ 18, tổ chức năm 2012. |
Globe cho biết các tin nhắn mà báo này thu thập được cho thấy các nhân viên Trung Quốc đi săn cáo thường kết hợp đưa ra ưu đãi và đe dọa với đối tượng. Trong một đoạn trao đổi qua mạng xã hội WeChat với một “cáo” tại Mỹ, cơ quan kiểm tra và kỷ luật tại một địa phương ở Trung Quốc, nói với đối tượng rằng bà có thể được khoan hồng nếu về quê hương và kêu gọi người này không liên hệ với luật sư ở Mỹ về vụ việc.
Một trong các tin nhắn, bị cho là của phía Trung Quốc, nói với đối tượng rằng “cuộc sống và sự nghiệp” của các thành viên gia đình người này sẽ bị ảnh hưởng nếu bà không quay lại. “Tôi không nghĩ rằng bà muốn gia đình mình bị ảnh hưởng bởi hành động dại dột của bà”, trích một tin nhắn.
Trung Quốc cũng bị cho là còn đưa người thân của đối tượng tới Mỹ để thuyết phục, cùng với tác động từ phía nhân viên ngoại giao của Bắc Kinh ở Mỹ.
Globe dẫn nguồn tin riêng nói rằng một đội săn cáo của Trung Quốc từng đổ bộ xuống Nigeria vào thời điểm dịch Ebola bùng phát. Họ chỉ trở về khi một thành viên bị sốt cao và được các bác sĩ chẩn đoán mắc sốt rét.
Quảng Uyển Phương, cựu cán bộ ngân hàng bị bắt vì nhận hối lộ. Quảng trốn ở Mỹ 14 năm, bị Trung Quốc bắt về nước năm 2015 |
Trang Đức Thủy (Zhuang Deshui), Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính phủ thanh liêm, thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Trung Quốc cho thấy nơi này không còn là điểm trú ẩn an toàn cho những kẻ phạm pháp. Điều này tốt cho hình ảnh của Canada”.
Lưu Đông (Liu Dong), Phó chỉ huy cơ quan điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an Trung Quốc, cho biết các thành viên thuộc đội săn cáo do ông phụ trách, cần đạt ba tiêu chí: kinh nghiệm điều tra, kiến thức pháp luật và kỹ năng ngoại ngữ.
“Thành viên đội săn cáo phải có trí thông minh cao để làm việc với những kẻ xảo quyệt, chỉ số cảm xúc cao để phối hợp trơn tru với cơ quan pháp luật nước sở tại, ứng phó với tình huống khẩn cấp, khó khăn và nguy hiểm”, ông Lưu nói.
Dưới áp lực mạnh mẽ, khoảng 57.000 đảng viên đã thú nhận hành vi phạm tội vào năm 2016. Ngay cả các thành viên thuộc CCDI cũng không được coi là ngoại lệ khi hơn 7.900 người thuộc tổ chức này đã bị kỷ luật, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng.
Trung Quốc cũng đã bắt 240 “hổ”, quan chức cấp cao, và 1,14 triệu “ruồi”, quan chức cấp thấp, kỷ luật 554.000 đảng viên và cán bộ nông thôn.
Về chiến dịch săn cáo, khoảng 2.873 người vi phạm bỏ trốn ra hơn 90 nước khác nhau đã bị bắt giữ, áp giải về Trung Quốc, tính đến ngày 31/3/2017. Trong số này có 476 cựu quan chức và 40 người nằm trong danh sách truy nã đỏ, do phạm tội nghiêm trọng. Trung Quốc thu hồi được 8,99 tỷ nhân dân tệ (130 triệu USD) tài sản vi phạm.