Ông Trần Mão, cha của ngư dân Hạo, với tấm cửa sắt bị dân “xã hội đen” xịt sơn đỏ 2 chữ “trả nợ”. |
Mục đích để tạo áp lực cho con ông Mão là ngư dân Trần Văn Hạo, chủ chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, trả khoản nợ vay nóng.
Theo ông Trần Mão, cuối năm 2015, con trai ông là ngư dân Trần Văn Hạo (48 tuổi) cùng ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) làm thủ tục vay của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn (Vietcombank Quy Nhơn) số tiền 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép, số hiệu BĐ 99029 TS.
Tàu vừa mới đóng xong đã liên tục hư hỏng, phải nằm bờ chờ đơn vị đóng tàu sửa chữa. Gia đình ngư dân Trần Văn Hạo lập tức lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bởi số tiền tích góp được bấy lâu nay đã góp vốn đối ứng hơn 1 tỷ đồng, trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa, anh Hạo phải vay nóng bên ngoài để chi dụng trong gia đình.
Tàu sửa chữa xong, anh Hạo tiếp tục vay nóng để sắm tổn cho những chuyến biển. Những năm đầu, biển còn cho nhiều cá, nên tàu còn “đẻ” ra tiền, anh Hạo có điều kiện để trả lãi khoản vay nóng. Thế nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, biển “đói” cá, tàu của anh Hạo liên tục có những chuyến biển lỗ tổn, khiến anh mất khả năng trả lãi cho khoản vay nóng, gia đình anh lập tức lâm cảnh nợ nần chồng chất.
“Do nhiều chuyến biển đánh bắt không có cá, bị lỗ tổn, muốn đi chuyến biển sau con tôi phải vay của “xã hội đen” để mua sắm nhiên liệu, đá lạnh, lương thực cho thuyền viên ăn.
Khoản vay chuyến này chồng lên chuyến kia, khiến số tiền vay của “xã hội đen” hiện lên đến 800 triệu đồng. Cứ 100 triệu đồng mỗi tháng phải trả lãi 25 triệu đồng, vị chi vay 800 triệu mỗi tháng con tôi phải trả khoản lãi là 200 triệu đồng.
Chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Hạo vừa đóng xong đã hư hỏng. |
Trong khi chiếc tàu vỏ thép đóng tới 17,7 tỷ đồng lại không làm ra tiền. Mất khả năng trả nợ nên nó phải dắt vợ và 3 đứa con nhỏ bỏ trốn, từ đó đến nay không liên lạc được. Con trai lớn của nó đã có vợ con đề huề, nhưng sợ dân “xã hội đen” bắt gia đình nó làm con mồi nên cũng đã dắt vợ con bỏ nhà đi mất”, ông Mão kể trong nước mắt.
Cũng theo ông Mão, con trai ông dắt vợ con bỏ nhà trốn đi từ ngày 20/9 đến nay. Ngay sau khi anh Hạo đi, cứ vài ngày là dân “xã hội đen” đến “viếng” nhà của ông Mão 1 lần.
Mỗi lần dân “xã hội đen” đến là căn nhà của ông Mão bị hư hỏng 1 ít, khi thì tấm cửa, khi thì cái bàn, bởi bị đập phá. Thậm chí lực lượng đi đòi nợ còn dùng sơn đỏ xịt 2 chữ “trả nợ” đỏ loét lên mọi cánh cửa của căn nhà ông đang ở trông rất đe dọa.
“Hạo nó lớn rồi, đã có gia đình ở riêng, lẽ nào nó nợ mà bắt vợ chồng già tôi gánh. Hiện trong nhà tôi còn có đứa con gái và 2 đứa cháu nội con của em thằng Hạo ở với vợ chồng tôi. Ngoài đập phá nhà, xịt sơn đỏ, dân “xã hội đen” còn đe dọa bắt cóc mấy đứa cháu nhỏ, thậm chí tụi nhỏ đi học còn bị họ chặn đường, chặt xe đạp, không cho đi học”, ông Mão giãi bày.
Ngoài đập phá nhà, xịt sơn đỏ, dân “xã hội đen” còn đe dọa bắt cóc mấy đứa cháu của ông Mão. |
Ông Trần Mão trình bày thêm: Lúc con trai ông vay của Vietcombank Quy Nhơn 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép, ngân hàng bảo anh Hạo phải đưa sổ đỏ nhà ở cho ngân hàng cầm để làm tin, và hướng dẫn vợ chồng anh Họa viết giấy tự nguyện nộp sổ đỏ cho ngân hàng.
Lúc ấy, anh Hạo nghĩ là đóng tàu xong ngân hàng sẽ trả lại sổ. Nhưng đến năm 2016, sau khi tàu đóng xong, anh Hạo đưa đầy đủ hồ sơ thế chấp con tàu cho ngân hàng và đòi lại sổ đỏ nhưng ngân hàng không trả.
Sau đó, anh Hạo biết được trong Nghị định 67 của Chính phủ không có điều khoản nào quy định khi vay vốn đóng tàu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, vậy là anh Hạo lại đến Vietcombank Quy Nhơn đòi lại sổ đỏ nhưng bị phía ngân hàng từ chối.
“Sau khi con trai tôi lâm nợ phải bỏ nhà ra đi vì sợ bị “xã hội đen” truy sát, tôi làm đơn kêu cứu ngân hàng trả lại sổ đỏ để con tôi bán căn nhà đó đi, để vừa trả ít nợ cho ngân hàng, vừa trả cho “xã hội đen” 800 triệu đồng để gia đình con tôi sum họp làm ăn, tiếp tục đi biển tạo cơ hội hoàn vốn cho ngân hàng. Nếu không trả lại sổ đỏ thì tôi đề nghị ngân hàng cho con tôi vay thêm 800 triệu, vật thế chấp là sổ đỏ, để con tôi trả nợ cho “xã hội đen” rồi về tiếp tục đi biển. Thế nhưng ngân hàng từ chối tất cả”, ông Mão vừa khóc vừa nói.
Trước đây, tại cuộc họp do UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến những chiếc tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng, câu chuyện sổ đỏ nhà ở của ngư dân Trần Văn Hạo bị Vietcombank Quy Nhơn “cột” mới lộ ra.
Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, khẳng định việc ngân hàng bắt ngư dân thế chấp sổ đỏ khi vay vốn đóng tàu vỏ thép là sai, vì quy định của Nghị định 67 chỉ yêu cầu ngư dân thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tức là con tàu vỏ thép đóng mới. “Nếu đã giữ sổ đỏ của ngư dân thì phải trả lại cho họ”, ông nói.
Hiện Vietcombank Quy Nhơn vẫn chưa trả lại sổ đỏ cho ngư dân. Vừa rồi UBND tỉnh Bình Định và ngành chức năng có làm việc với Vietcombank Quy Nhơn về vấn đề này, ông Trần Châu có đặt câu hỏi tại sao ngân hàng giữ sổ đỏ của ngư dân, trong khi Nghị định 67 chỉ yêu cầu ngư dân thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tức là con tàu vỏ thép đóng mới, phía ngân hàng trả lời đó là quy định của ngân hàng, đã có sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng vay nên họ không trả. |