| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải đáp vấn đề 'tàu 67' kém chất lượng ở Bình Định

Thứ Năm 15/08/2019 , 15:36 (GMT+7)

Chiều 15/8, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn liên quan tàu cá được đóng theo Nghị định 67 kém chất lượng gây lãng phí ở Bình Định.

Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) vì không hoạt động được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi liên quan việc đóng tàu cá theo Nghị định 67 cho ngư dân không đảm bảo chất lượng gây lãng phí, cần Bộ NN-PTNT làm rõ nguyên nhân và xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Ngoài ra, đại biểu Hạnh cũng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo nghị định trên và giải pháp là gì.

Liên quan vấn đề 20 "tàu 67" của Bình Định bị hỏng hóc sau khi đưa vào sử dụng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 năm 2014 có rất nhiều nội dung.

Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng nghề cá như cảng, khu neo đậu, trung tâm nuôi trồng và có chính sách hỗ trợ lãi suất phát triển lực lượng tàu công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ với kế hoạch ban đầu khoảng 2.228 chiếc. Ngoài ra, hỗ trợ chính sách bảo hiểm với ngư dân vươn khơi xa để đảm bảo vừa hoạt động kinh tế vừa gìn giữ chủ quyền.

Riêng về chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển các đội tàu, tính đến 30/6/2019, ngư dân các tỉnh duyên hải đã đăng ký 1.177 chiếc và có 1.032 tàu đã chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có 20 tàu của Bình Định gặp vấn đề máy không đúng chủng loại, gây hỏng hóc. Sau khi xảy ra sự việc, Bộ NN-PTNT và tỉnh Bình Định vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư nhận trách nhiệm và tập trung khắc phục, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để ngư dân có thể hoạt động.

Đến cuối 2017, 20 tàu nói trên gồm 15 tàu của Công ty Nam Triệu và 5 tàu của Công ty Đại Nguyên Dương được khắc phục xong và đưa vào hoạt động.

"Liên quan vấn đề này, Bộ NN-PTNT và tỉnh Bình Định xác định trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu, bên cạnh đó là sự liên quan của cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ. Cụ thể, đơn vị liên quan đến vấn đề này là Trung tâm đăng kiểm, thuộc Tổng cục Thủy sản của Bộ NN-PTNT.

Sau khi xác định trách nhiệm, Bộ NN-PTNT đã kiểm điểm, kỷ luật các cán bộ liên quan. Theo đó, cảnh cáo và thu hồi thẻ đăng kiểm của 3 cán bộ của trung tâm, trực tiếp tham gia đăng kiểm các tàu nói trên. Ngoài ra còn kỷ luật, cảnh cáo giám đốc, phó giám đốc trung tâm", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, làm rõ sai phạm và xử lý theo pháp luật.

Đánh giá khái quát về Nghị định 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặt tích cực của Nghị định là góp phần tăng cường số lượng tàu đánh bắt xa bờ, cụ thể là 20% và giảm được 13% tàu khai thác gần bờ.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân vươn khơi giúp người lao động phấn khởi, yên tâm hoạt động ở các ngư trường xa. Cuối cùng, tập trung được vốn lưu động của ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như nhiệm vụ phát triển hạ tầng nghề cá còn chưa tương xứng. Cụ thể, mới đầu tư được 83/125 cảng cá, mới đạt 66% còn về khu neo đậu mới đầu tư được 88/146, đạt 57%.

Về vấn đề tín dụng, bế tắc còn tồn tại khi chủ tàu được đầu tư, do lý do khách quan nào đó không đi biển được nữa thì không biết chuyển giao cho ai, dễ dẫn đến nợ xấu, lãng phí phương tiện. Ngoài ra, quá trình hỗ trợ còn kéo dài, chia thành nhiều đợt gây khó khăn cho chủ tàu trong quá trình quản lý, khai thác.

Để khắc phục các vấn đề này, ngày 2/2/2018, Chính phủ ra Nghị định 17 thay thế những điều còn bất hợp lý trong nghị định cũ. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang kết hợp với các địa phương, rà soát lại quá trình thực hiện Nghị định 67 để cuối năm 2019 tổng kết toàn bộ nội dung, phục vụ cho định hướng chủ trương mới.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.