| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh bứt tốc [Bài 1]: Phú Giáo vươn lên tốp đầu

Thứ Tư 29/11/2023 , 10:27 (GMT+7)

Là huyện được ưu tiên phát triển nông nghiệp, nhờ định hướng đúng, Phú Giáo vươn lên tốp đầu lĩnh vực chăn nuôi an toàn dịch bệnh của tỉnh Bình Dương.

Vùng an toàn dịch bệnh giúp Phú Giáo định hình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Vùng an toàn dịch bệnh giúp Phú Giáo định hình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Nơi đầu tiên đạt chuẩn an toàn dịch bệnh

Huyện Phú Giáo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương. Nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng do nằm trên địa hình đồi thoải lượn sóng và các dải đất hẹp ven sông Bé, đất có độ cao trung bình thấp và tương đối bằng phẳng.

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, ngay từ rất sớm, quan điểm của Phú Giáo là tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường.

Theo đó, ngay từ rất sớm, Phú Giáo đã từng bước cơ cấu ngành chăn nuôi từ chăn nuôi quy mô nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các trang trại tư nhân cũng đang tham gia ngày càng mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, thông qua việc đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với các giải pháp an toàn sinh học đã và đang mang lại kết quả tốt hơn trong chăn nuôi, hạn chế tổn thất do dịch bệnh gây ra. Các giải pháp an toàn sinh học được xem là một phần của hệ thống chăn nuôi, sản xuất gia cầm theo hướng công nghệ cao. Từ đó, giảm thiểu rủi ro và cải thiện về sức khỏe vật nuôi, sản lượng và lợi nhuận.

Trang trại gà công nghệ cao của ông Lê Dương Hạnh là một trong những trang trại được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại gà công nghệ cao của ông Lê Dương Hạnh là một trong những trang trại được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi theo chân cán bộ thú y huyện Phú Giáo đến thăm trang trại gà công nghệ cao hơn 200 nghìn con của ông Lê Dương Hạnh tọa lạc tại xã Tân Hiệp, đây là một trong những trang trại gia cầm tiêu biểu tại địa phương.

Ông Hạnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, chỉ cần sơ xuất là thiệt hại cả tỷ đồng, chưa kể việc tái đàn trở lại cũng vô cùng khó khăn vì phải có thời gian cách ly cũng như mất rất nhiều công sức để tiêu diệt triệt để mầm mống của dịch bệnh.

Để đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông đầu tư trang trại theo hướng chuồng lạnh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào xuất như hệ thống ăn uống hoàn toàn tự động.

“Việc áp dụng chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt công sức lao động, nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc tối đa. Quan trọng nhất là công nghệ cao giúp giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống hiệu quả sự xâm nhập của dịch bệnh từ môi trường vào trại nuôi”, ông Hạnh chia sẻ.

Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, trong các quy trình an toàn sinh học áp dụng cho hình thức chăn nuôi đều có giải pháp cơ bản là: phân chia khu vực để cách ly và kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Việc ứng dụng hệ thống silo ăn uống tự động giúp hạn chế người ra vào trang trại, đảm bảo ATDB, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Việc ứng dụng hệ thống silo ăn uống tự động giúp hạn chế người ra vào trang trại, đảm bảo ATDB, tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài các giải pháp an toàn sinh học cơ bản nêu trên, giải pháp tiêm phòng vacxin cũng có thể được xem là một “hàng rào” an toàn sinh học bảo vệ hiệu quả cho bất kỳ một cơ sở chăn nuôi gia cầm nào, đặc biệt là chăn nuôi theo quy mô nông hộ, khi mà chưa có được một quy trình an toàn sinh học được mô tả cụ thể như các trang trại chăn nuôi công nghiệp.

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả giải pháp tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã có chính sách tiêm phòng miễn phí vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ có tổng đàn từ 2.000 con gia cầm trở xuống.

Đàn gia cầm tại tất cả các hộ chăn nuôi theo tiêu chí này là đối tượng bắt buộc tiêm phòng, và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vacxin cũng như kinh phí tiêm phòng. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm có quy mô ngoài tiêu chí nêu trên (quy mô trang trại) sẽ tự đảm bảo kinh phí và tổ chức tiêm phòng vacxin theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển và trở nên cạnh tranh, các giải pháp an toàn sinh học vững mạnh là điều cần thiết cho bất kỳ trang trại nào.

“Việc đạt chuẩn an toàn dịch bệnh động vật đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi Phú Giáo sản xuất an toàn. Một khi kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả, sẽ giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh, làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi từ các cơ sở thuộc vùng được cấp giấy chứng nhận sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng”, ông Trần Minh Đức chia sẻ..

Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo. Ảnh: Thanh Sơn.

Phấn đấu đạt tiêu chuẩn OIE

Ông Trần Minh Đức cho biết thêm, thực tế cho thấy, thông qua việc xây dựng các giải pháp an toàn sinh học kết hợp với tập huấn, đào tạo cho nhân viên có thể mang lại kết quả tốt hơn trong chăn nuôi, hạn chế tổn thất do dịch bệnh gây ra.

Các giải pháp an toàn sinh học cần được xem là một phần của hệ thống chăn nuôi, sản xuất gia cầm; cần được xây dựng theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở chăn nuôi; có khả năng thay đổi linh hoạt và phát triển phù hợp với tình hình chăn nuôi thực tế, đồng thời yêu cầu phải có sự thấu hiểu, trách nhiệm trong thái độ và hành vi của người chăn nuôi, của chủ trang trại và nhân viên để từ đó giảm thiểu rủi ro và cải thiện về sức khỏe vật nuôi, sản lượng và lợi nhuận.

Hiện xuất khẩu nông sản, trong đó có các sản phẩm của ngành chăn nuôi là chủ trương của Phú Giáo đặt ra. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi sang các nước thì phải nâng cấp vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Việt Nam lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới (OIE).

Theo Kế hoạch quốc gia Chính phủ vừa phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương có 8 vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, trong đó, Phú Giáo là đơn vị tiên phong.

Trạm thú y huyện Phú Giáo tập trung thanh, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đảm bảo các biện pháp an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Trạm thú y huyện Phú Giáo tập trung thanh, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đảm bảo các biện pháp an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Minh Đức chia sẻ, để đạt lộ trình đề ra, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện bố trí các nguồn lực cần thiết và tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để xây dựng, quản lý vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Trên cơ sở đó, trạm tập trung thanh, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y duy trì, tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện; thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí vacxin lở mồm long móng, dịch tả tai xanh, cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ theo quy định của UBND tỉnh. Trạm còn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô, ngoài tiêu chí theo Quyết định 21 của UBND tỉnh, tự tổ chức tiêm phòng vacxin bảo đảm theo yêu cầu đề ra.

“Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, trong đó có chăn nuôi gia cầm thời gian qua là hướng đi phù hợp, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, và hướng tới mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong tương lai. Phú Giáo được quy hoạch đạt vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới có ý nghĩa đối với những người chăn nuôi heo trên địa bàn. Bởi từ đây, người tiêu dùng cả nước biết Phú Giáo là huyện có sản phẩm gia súc an toàn dịch bệnh, người dân tự tin đầu tư vào chăn nuôi và xuất khẩu”, ông Trần Minh Đức nhấn mạnh.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Lúa khỏe, năng suất tăng nhờ phân bón hữu cơ và cấy hàng rộng, hàng hẹp

NAM ĐỊNH Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp cây lúa khỏe, sạch sâu bệnh, giảm công lao động và chi phí bảo vệ thực vật...

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.