Hiệu quả kép
Thời gian qua, nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nông dân ở Bình Dương đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi heo trại hở sang trại lạnh có ứng dụng công nghệ chuồng sàn, tiết kiệm nước, chuồng kín có trang bị hệ thống phun sương, quạt hút làm mát và có trang bị hệ thống silo cung cấp thức ăn, uống tự động…
Cách làm này vừa phòng tránh được dịch bệnh lại ít gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi heo an toàn sinh học của anh Đặng Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang là một trong những điển hình như thế.
Tham quan trang trại của anh Đức, tận mắt chứng kiến quy trình chăn nuôi khép kín theo hình thức tự động hóa khiến mọi người không khỏi trầm trồ. Trong khuôn viên xây dựng hơn 1ha, gồm 3 dãy chuồng nuôi, diện tích mỗi dãy chuồng là 3.600m2.
Chuồng nuôi được thiết kế theo tự nhiên, có cải tiến đông ấm, hè mát và 3/4 diện tích mỗi ô dùng đệm lót sinh học, máng ăn uống tự động. Khu vực nuôi được chia theo dãy: khu vực nuôi heo nái sinh sản với hàng trăm con nái (sản xuất từ 3.000 - 3.500 con heo giống) và hai dãy chuồng nuôi heo thịt, mỗi dãy có 60 ô nuôi, diện tích 60m2/ô (nuôi được 5.000 - 7.000 con heo thịt/năm).
Công tác vệ sinh môi trường được anh Đức quan tâm thực hiện, các chuồng trại luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, nước thải được đưa qua hệ thống xử lý, phân ủ làm biogas để phát điện và làm chất đốt. Heo được tiêm phòng đầy đủ vắc xin, có sức đề kháng tốt, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Đặc biệt, để giảm chi phí thức ăn, tận dụng nguồn phế phụ phẩm dồi dào tại địa phương như thân cây chuối được lấy từ Unifarm An Thái, anh Đức thêm EM thứ cấp, bã đậu nành, đạm cá vào cám. Mục đích của cám này giúp heo tiêu hóa tốt lượng thức ăn, tránh hiện tượng đi phân sống và giảm được mùi hôi từ phân thải ra.
Theo anh Đức, vốn dĩ EM thứ cấp đã có hương vị thơm nên kích thích heo ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, khi heo đạt khoảng 50kg trở đi, thì hạn chế trộn cám gạo đã ủ chung với thức ăn, vì thời điểm này, hệ vi sinh đường ruột của heo đã phát triển đầy đủ, tiêu hóa tốt, nếu sử dụng nhiều quá sẽ làm cho heo bị đau bụng. Bình quân 500 con heo trưởng thành mỗi ngày ăn hết 800kg cám, với phương pháp này, lượng cám cần sử dụng chỉ bằng 1/3 giúp anh tiết kiệm hơn 3 triệu đồng/500 con/ngày.
“Nhờ nuôi heo trong trại lạnh theo hướng an toàn sinh học này mà mình cũng khỏe, nhất là việc nhờ công nghệ tiên tiến nên việc quản lý sự sinh trưởng cũng như bệnh trong đàn heo được tốt hơn. Mùi hôi từ phân và nước cũng được xử lý gần như triệt để nên không ảnh hưởng tới môi trường.
Ngoài ra, bằng việc sử dụng các hệ thống tự động trong chăn nuôi, nên ít tốn nhiều nhân công chăm sóc. Mỗi trại heo chỉ cần hai người, chủ yếu là để theo dõi tình hình phát triển của heo cũng như làm vệ sinh chuồng trại. Mọi người vào trại đều phải rửa nước khử trùng, nên hầu như không có dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào”, anh Đức chia sẻ.
Liên kết sản xuất
Anh Đức cho biết thêm, trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, trước tình hình giá heo trong nước xuống thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi heo, được sự ủng hộ của lãnh đạo xã Phước Sang, anh đã vận động những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ liên kết nhằm tạo mối thống nhất trong hoạt động chăn nuôi.
Để sản phẩm thịt heo của các thành viên trong tổ tiêu thụ ổn định trên thị trường, anh đã đề xuất và được các thành viên chấp thuận thực hiện quy trình chăn nuôi heo bảo đảm an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng. Từ đó, quy trình chăn nuôi heo tại tổ được thực hiện khép kín hoàn toàn, từ khi heo con sinh ra cho đến khi xuất chuồng.
“Heo con từ khi sinh ra đến 20kg sẽ được cho ăn cám phù hợp nhằm tăng cường sức đề kháng; bắt đầu heo nặng từ 20kg trở đi sẽ được cho ăn thức ăn do chính người nuôi thực hiện pha trộn. Việc tự sản xuất cám vừa bảo đảm theo công thức, chất lượng thức ăn, quan trọng hơn người nuôi kiểm soát được hoàn toàn dư lượng kháng sinh có trong thức ăn. Đặc biệt, thịt heo đạt chất lượng rất cao, thịt săn chắc hơn vì toàn bộ mỡ thừa, nước tích tụ trong con heo sẽ được rút đi, các độc tố còn dư trong con heo sẽ được đào thải giúp thịt heo thơm, ngọt hơn”, anh Đức chia sẻ.
Hiện nay, tổ hợp tác quy tụ được 7 thành viên với tổng đàn heo trên 10.000 con, mỗi tháng cung ứng ra thị trường 50 - 60 tấn thịt heo an toàn. Để đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm heo an toàn sinh học, hiện tổ hợp tác đã bố trí điểm bán thịt heo tại chợ Phước Sang và một số vùng lân cận. Tới đây, tổ hợp tác sẽ mở thêm một số sạp bán sản phẩm thịt heo an toàn tại các xã Tân Hiệp, An Linh, An Thái…
Ông Nguyễn Văn Thà, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sang cho biết, từ mô hình nuôi heo khép kín trong hệ thống chuồng lạnh theo hướng an toàn sinh học của Tổ hợp tác do anh Đức làm tổ trưởng đã chứng minh hiệu quả trong thực tế vì giúp heo phát triển nhanh và phòng bệnh dịch hiệu quả. Đồng thời, đàn heo nuôi có tỷ lệ hao hụt thấp, thời gian nuôi nhanh hơn, giúp tiết kiệm chi phí, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi.
“Bên cạnh sự vào cuộc quyết tâm với nhiều giải pháp của ngành hữu quan thì người chăn nuôi đã tự cứu mình là chính, bằng cách liên kết sản xuất quy mô lớn, an toàn sinh học theo hướng công nghệ cao, đây là mô hình kiểu mẫu tại địa phương đang được nhân rộng”, ông Nguyễn Văn Thà nhấn mạnh.