| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Đồng Nai đạt mức độ cơ giới hóa cao

Thứ Sáu 27/10/2023 , 06:08 (GMT+7)

Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn và đại đa số là chăn nuôi trang trại. Nhờ vậy, cơ giới hóa trong ngành chăn nuôi Đồng Nai hiện đạt mức cao.

Gà uống nước qua hệ thống cho uống nước tự động trong một trang trại ở Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.

Gà uống nước qua hệ thống cho uống nước tự động trong một trang trại ở Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, ngành chăn nuôi của Đồng Nai có quy mô tương đối lớn, với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà. Đến nay, Đồng Nai có tổng đàn heo 2,1 triệu con và gà 23 triệu con, trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm 90% tổng đàn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết, Đồng Nai là một trong những vùng chăn nuôi quy mô công nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó các thành phần sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều cơ hội để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Đặc biệt, quy mô trang trại chăn nuôi lớn thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi Đồng Nai.

Thông tin từ UBND huyện Tân Phú cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có  58 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Trong đó, 30% trang trại chăn nuôi heo, 100% trang trại nuôi gia cầm đã xây dựng hệ thống chuồng kín, đệm lót sinh học, hệ thống xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi đảm bảo yêu cầu, hệ thống phối trộn thức ăn, sử dụng thiết bị máng ăn, máng uống tự động, bán tự động.

Ở khu vực chăn nuôi nhỏ, trên 80% các cơ sở tại Tân Phú đã trang bị máng ăn, máng uống tự động, bán tự động, đệm lót sinh sinh học và có hệ thống xử lý phân thải đảm bảo quy định về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.

Từ thực tế cơ giới hóa trong chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện Tân Phú khẳng định, việc đẩy mạnh cơ giới hoá vào chăn nuôi đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi phát triển đàn với quy mô lớn, tiến đến chăn nuôi theo hướng công nghiệp hàng hóa, góp phần giảm thiểu những hạn chế của chăn nuôi thủ công truyền thống, hạn chế rất lớn vấn đề rủi ro do dịch bệnh. Bên cạnh đó còn quản lý, theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi.

Ở huyện Xuân Lộc, tỷ lệ % cơ giới hóa trong khâu thu gom vệ sinh chuồng trại đạt 60%, tỷ lệ % cơ giới hóa trong khâu làm mát đạt 70%. Nhìn chung, việc ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi ở Xuân Lộc đã hoàn toàn thay thế thủ công.

Một trang trại nuôi gà quy mô lớn ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.

Một trang trại nuôi gà quy mô lớn ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.

Tính chung trong toàn ngành chăn nuôi của Đồng Nai, các khâu chế biến thức ăn gia súc (nghiền, trộn, băm), vệ sinh chuồng trại hầu hết đều được cơ giới hóa. Tỷ lệ cơ giới hóa hệ thống làm mát chuồng đạt 50%; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải,  thu trứng; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.

Ở Đồng Nai hiện có nhiều mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, tổ chức sản xuất chăn nuôi. Một trong những mô hình tiêu biểu là Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát ở huyện Long Thành. Đây là đơn vị đi đầu về xây dựng trại lạnh để nuôi gà ở Đồng Nai, với mức độ tự động hóa cao, từ làm mát tới điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, cho ăn, uống nước, uống thuốc … Các trại gà của Long Thành Phát cũng đã có các hệ thống băng chuyền vận chuyển để tự động bắt gà, tự động lấy phân gà làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ

Ở huyện Vĩnh Cửu, trại gà Trịnh Đăng Khôi đã áp dụng hệ thống dây chuyền máy thu gom và phân loại trứng, tự thu phân gà làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Phân bón hữu cơ của trại gà Trịnh Đăng Khôi đã có trong danh mục phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam và được cung cấp ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thắng đánh giá, hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã có mức độ cơ giới hóa cao, từ khâu sản xuất chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quản lý chăn nuôi. Nhiều trại đã đầu tư trang thiết bị tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình chăn nuôi. Đây là tiền đề để thực hiện tự động hóa trong lĩnh vực chăn nuôi trong giai đoạn tiếp theo.

Xem thêm
Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Mỹ mãn vụ xuân xứ Nghệ

Đối diện với nhiều bất thuận nhưng nông dân Nghệ An vẫn hưởng trọn niềm vui trong vụ xuân 2024.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.