| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Hà Nội 'phi chuỗi bất thành'

Thứ Năm 16/03/2023 , 18:59 (GMT+7)

Việc đẩy mạnh hợp tác công tư, phát triển theo chuỗi đang giúp ngành chăn nuôi Hà Nội tận dụng tối đa các nguồn lực, giải quyết nhiều thách thức, phát triển bền vững.

Đẩy mạnh hợp tác công tư sẽ giúp ngành chăn nuôi Hà Nội tận dụng được tất cả các nguồn lực để phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Đẩy mạnh hợp tác công tư sẽ giúp ngành chăn nuôi Hà Nội tận dụng được tất cả các nguồn lực để phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Sáng 16/3, Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị “thúc đẩy hợp tác công tư trong công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi”.

Phát triển 53 chuỗi chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ngành chăn nuôi Thủ đô đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán sản phẩm lên xuống thất thường, thị trường cạnh tranh khốc liệt...

Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác công tư, phát triển chăn nuôi theo chuỗi đang được xem là giải pháp tối ưu để tận dụng được tất cả các nguồn lực, nâng cao giá trị, sức canh tranh cho sản phẩm , gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện ngành chăn nuôi Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng được nhiều nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình... Trung bình hàng ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi.

Theo ông Đảng, chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội được xây dựng và phát triển theo 2 hình thức. Cụ thể, mô hình chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm đầu mối, chủ động hoàn toàn các khâu từ giống, thức ăn, tổ chức sản xuất, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả như chuỗi thực phẩm A- Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu...

Mô hình chuỗi liên kết lấy các tổ chức nông dân (Chi hội/HTX/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố làm trọng tâm. Từ đó, lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có liên kết hoạt động có hiệu quả như chuỗi gà mía Sơn Tây,  gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai, Phúc Thọ, chuỗi sữa Ba Vì...

Ông Đảng cho biết thêm, các chuỗi bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết, hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện (giấy chứng nhận ATTP đối với cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế đóng gói, kinh doanh, bản tự công bố cho sản phẩm của các chuỗi…)

Kết quả, trên 20 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu; 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó, có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “nhãn hiệu tập thể”.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội (đứng) cho rằng, để hợp tác công tư thành công thì các chủ thể tham gia phải hoàn thiện hoạt động của mình. Ảnh: Phạm Huy.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội (đứng) cho rằng, để hợp tác công tư thành công thì các chủ thể tham gia phải hoàn thiện hoạt động của mình. Ảnh: Phạm Huy.

Nhà nước phải là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã nêu lên những khó khăn, trăn trở, kiến nghị xoay quanh vấn đề đẩy mạnh hợp tác công tư và xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green cho rằng: Hợp tác công tư là vấn đề không mới, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng vẫn đang còn nhiều bất cập, chưa thể triển khai được tối ưu.

Cụ thể, trong chuỗi chăn nuôi, nhà nước đang có chính sách hỗ trợ chuỗi chi phí giết mổ trên đầu con và một phần trang thiết bị. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của khâu giết mổ là liên quan tới quy hoạch, đất dựng nhà máy, môi trường. Đây là những vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí rất lớn, thủ tục hành chính rườm rà vì liên quan tới rất nhiều ban, ngành, lĩnh vực.

Do đó, nếu phát triển hợp tác công tư, phía cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu, xây dựng chính sách bàn giao cho doanh nghiệp những quỹ đất sạch, hỗ trợ công tác môi trường (nhà nước có thể thu phí, không nhất thiết phải hỗ trợ “trắng” cho doanh nghiệp) để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, mở rộng chuỗi.

Trong khâu đầu ra sản phẩm, khi một sản phẩm mới ra thị trường người tiêu dùng sẽ chưa biết, chưa hiểu về sản phẩm đó thì công tác xây dựng thương hiệu, truyền thông phải được đẩy mạnh. Trong khi, nhà nước có nền tảng, nhiều kênh truyền thông rất phong phú như thông qua các tổ chức chính trị xã hội, truyền hình, báo chí, hội nghị...

Do đó, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về hoạt động này để đưa thông tin về sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Khi đó, không cần tiếp thị vất vả mà người tiêu dùng sẽ tự tìm đến chuỗi, kích thích chuỗi phát triển.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nên nghiên cứu về việc, khi xuất bán sản phẩm thịt cho các doanh nghiệp thì thuế suất bằng 0, tuy nhiên, khi xuất hóa đơn cho tiểu thương thì thuế suất là 5%. Đây là điểm rất bất cập, bởi lẽ, đối tượng tiểu thương vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn trong khâu tiêu thụ, nếu cộng thêm thuế vô tình sẽ làm tăng chi phí, giá bán, từ đó, gây nhiều khó cho doanh nghiệp làm chuỗi.

Đại diện các doanh nghiệp, HTX nêu những kiến nghị, đề xuất để phát triển chuỗi chăn nuôi bền vững. Ảnh: Phạm Huy.

Đại diện các doanh nghiệp, HTX nêu những kiến nghị, đề xuất để phát triển chuỗi chăn nuôi bền vững. Ảnh: Phạm Huy.

Mặt khác, nhà nước cần đề ra được chính sách để tiêu chuẩn hóa, phân định rạch ròi các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi và không theo chuỗi. Từ đó, tạo thuận lợi cho chuỗi đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng có cơ sở để nhận diện, gia tăng niềm tin khi mua sản phẩm từ chuỗi.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhấn mạnh, ngành chăn nuôi Hà Nội phải luôn xác định "phi chuỗi bất thành". Hoạt động hợp tác công tư đã được ngành nông nghiệp thủ đô chú trọng đẩy mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp nói riêng, xã hội nói chung các bên tham gia phải tích cực hoàn thiện hoạt động của mình. Cu thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn, chất lượng, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết với các HTX, hộ chăn nuôi, hoàn thiện sản phẩm của mình về mọi mặt, đảm bảo truy suất nguồn gốc; tương tác thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Từ đó, tăng độ bền chặt cho chuỗi, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, mở đường thuận lợi cho sản phẩm đi vào các kênh tiêu thụ.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.