Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, trong những năm qua, ngành chăn nuôi heo quy mô lớn đã phát triển khá nhanh. Hiện có 3 chuỗi liên kết trong chăn nuôi heo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Trong đó, chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam là lớn nhất với quy mô 58 hộ và tổng đàn 94.400 con.
Theo sau là Công ty TNHH CJ Vina Agri liên kết với 9 hộ chăn nuôi cùng tổng đàn 21.438 con; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam liên kết với 15 hộ chăn nuôi cùng tổng đàn 51.600 con.
Thống kê từ Sở NN-PTNT, đến tháng 6/2024, tỉnh có đàn heo lớn 480.000 con, tăng 50.000 con so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 88% kế hoạch năm. Toàn tỉnh Đắk Nông có 298 trang trại chăn nuôi heo. Trong đó, đàn heo của các trang trại chiếm khoảng 75% tổng số đàn heo của tỉnh.
Theo ông Ngô Xuân Đông - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, chủ trương của tỉnh là hướng đến chăn nuôi heo bền vững ở trang trại quy mô lớn, kiểm soát được an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chất lượng từ con giống, vật tư, kinh doanh buôn bán các sản phẩm từ thịt heo... nhằm hạn chế mầm bệnh xuất hiện và lây lan. Các đơn vị chuyên môn được chỉ đạo sẵn sàng các phương án nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nhanh mầm bệnh trên đàn heo trong bất kỳ tình huống nào.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cũng được tỉnh chú trọng theo dõi sát sao. Định hướng của tỉnh hiện nay là kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án nhà máy chế biến thức ăn gia súc; trang trại chăn nuôi con giống; nhà máy chế biến phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Đắk Nông hình thành, phát triển các vùng chăn nuôi lớn, trong đó chăn nuôi heo sẽ tập trung tại 3 huyện phía Bắc tỉnh là Cư Jút, Krông Nô và Đắk Mil.
Huyện Cư Jút cũng là một trong số địa phương có ngành chăn nuôi heo quy mô lớn và trang trại phát triển mạnh. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có tổng cộng 45 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đang hoạt động, nằm tại các xã như Ea Pô, Cư K’nia, Nam Dong,...
Ông Ngô Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, huyện chú trọng triển khai các biện pháp nhằm kiểm tra, theo dõi các doanh nghiệp lớn và các trang trại thực hiện các biện pháp về chăn nuôi đã cam kết.
“Đối với những hành vi vi phạm, cơ quan chức năng xử lý đúng quy định theo pháp luật, tạo được tính răn đe để đảm bảo được các yêu cầu về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, môi trường” ông Phong cho biết.
Huyện Cư Jút có 3 cơ sở chăn nuôi lớn gồm: Trang trại RF Ea Pô của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam; trại heo Nguyễn Phạm Xuân Thả và trang trại chăn nuôi heo Green Farm. 3 cơ sở trên đã được chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, huyện còn đang từng bước hình thành được vùng chăn nuôi tập trung theo đúng định hướng và quy hoạch để phát triển kinh tế, xã hội.
“Ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc trong khoảng 5 năm gần đây. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác, dịch tả heo Châu Phi xảy ra đối với cơ sở lớn thì điều này không xảy ra tại Đắk Nông, dịch chỉ xuất hiện ở nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hàng năm các cơ sở chăn nuôi xuất bán sản phẩm con giống và thương phẩm chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu địa phương cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông.