| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi sáng tạo [Bài 4] Nuôi côn trùng để xuất khẩu

Thứ Sáu 17/03/2023 , 21:42 (GMT+7)

Những sản phẩm từ nông trại côn trùng này hiện đã xuất đi khắp 20 quốc gia trên thế giới.

Hợp duyên với côn trùng từ "dế mèn phiêu lưu ký"

Đến thăm nông trại dế mèn rộng gần 3ha của anh Đặng Cao Nam được đặt tại xã Lộc Hưng, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi toàn bộ đàn dế mèn được nuôi bằng công nghệ tiên tiến, cùng với quy trình tuần hoàn khép kín, bài bản, khoa học. Những sản phẩm từ nông trại này hiện đã xuất đi khắp 20 quốc gia trên thế giới.

Một góc khu nuôi dế mèn công nghệ cao của anh Nam tại huyện Lộc Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Một góc khu nuôi dế mèn công nghệ cao của anh Nam tại huyện Lộc Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Đứng bên cạnh thùng dế chuẩn bị được thu hoạch, anh Nam cho biết, vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới đầy nắng và gió này, dế mèn là động vật anh vốn yêu thích từ nhỏ và tác phẩm "dế mèn phiêu lưu ký" một trong tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài in đậm vào ký ức một thời học sinh của anh.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương với tấm bằng loại ưu, ra trường anh được một công ty nước ngoài tuyển dụng, làm việc. Đây cũng chính là cơ duyên anh Nam biết đến người dân ở nhiều nước như Canada, Mỹ, EU xem dế là loài thực phẩm dinh dưỡng. Một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan đã biến dế thành mặt hàng xuất khẩu triệu đô. Từ đó, ước mơ ấp ủ từ nhỏ của anh ngày càng lớn dần.

Anh Nam kiểm tra các thiết bị cảm biến của trang trại. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nam kiểm tra các thiết bị cảm biến của trang trại. Ảnh: Trần Trung.

Năm 2016, anh chia sẻ ý tưởng nuôi dế mèn với các đồng nghiệp trong công ty. Ban đầu khá nhiều người hoài nghi. Anh tìm cách thuyết phục, phân tích khí hậu ở Bình Phước là thiên đường để nuôi loài côn trùng này, bởi dế thích môi trường nhiệt đới nóng ẩm, tuổi thơ anh cũng từng nuôi qua, chúng sinh trưởng phát triển rất khỏe, ít bệnh tật. Sau khi thuyết phục được một người bạn đồng hành, đồng sáng lập công ty Cricket One chuyên nuôi trồng chế biến dế xuất khẩu, con đường sự nghiệp của anh bắt đầu sang trang mới.

“Tôi thấy Việt Nam mình có tất cả thuận lợi về con người, khí hậu cho đến thức ăn cho dế mèn, nếu mình sản xuất ở Việt Nam, mình chinh phục thị trường thế giới rõ ràng đây là cuộc chơi mình nắm nhiều cơ hội để chiến thắng”, anh Nam nói.

Cách nuôi có 1 không 2

Khi tiến vào bên trong nông trại dế của Cricket One của anh Nam, mọi người đều thấy ấn tượng bởi cách nuôi có 1 không 2. Theo đó, từng thùng dế xếp tầng lên nhau chạy dài thẳng tắp, hệ thống quạt hút gió cùng đèn sưởi hoạt động liên tục, hàng loạt thiết bị cảm biến và camera quan sát được lắp đặt khắp các ngõ ngách trong khu nuôi.

Theo anh Nam, các thiết bị trên đều ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để quan sát realtime các động thái di chuyển của dế, tiếng kêu to hay nhỏ, nhiệt độ và độ ẩm trong các trang trại như thế nào tự điều chỉnh cho phù hợp, để đảm bảo dế luôn trong tình trạng sinh trưởng phát triển tốt nhất.

Xe tự chế vận chuyển thức ăn tiết kiệm thời gian, giảm công lao động. Ảnh: Minh Sáng.

Xe tự chế vận chuyển thức ăn tiết kiệm thời gian, giảm công lao động. Ảnh: Minh Sáng.

Dụng cụ nuôi dế của nông trại cũng rất thú vị gồm máng đựng nước, 2 khay đựng thức ăn và các tấm nhựa/tấm giấy cứng để làm hang hốc cho dế và 1 thùng nhựa. Thoạt trông thì cấu tạo của 1 thùng nuôi khá đơn giản, nhưng anh Nam tiết lộ đó là 5 sáng chế độc quyền của nông trại, 2 cái đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ và 3 cái đang chờ được cấp.

Hệ thống uống nước của dế cũng là một sáng tạo quan trọng khác. Theo anh Nam, dế không cần quá nhiều nước nhưng không được thiếu nước. Theo cách truyền thống, người ta sẽ xịt nước trực tiếp, hành động này ngoài cung cấp nước uống cho dế, còn cung cấp ẩm cho môi trường nuôi, có thể tạo nên nấm mốc – vi khuẩn vi trùng ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của dế.

Sau khi nghiên cứu nhiều phương pháp và hệ thống nước uống tự động cả truyền thống Việt Nam lẫn thế giới, anh Nam và các cộng sự đã sáng tạo ra dụng cụ có thể khắc phục được hầu hết các nhược điểm mà các hệ thống uống nước thông thường gặp phải.

Thức ăn chuyên dụng cho dế được anh Nam đặt hàng các viện, trường nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giảm giá thành đầu vào. Ảnh: Minh Sáng.

Thức ăn chuyên dụng cho dế được anh Nam đặt hàng các viện, trường nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giảm giá thành đầu vào. Ảnh: Minh Sáng.

“Khoa học chăn nuôi dế thì cũng giống chăn nuôi các loại khác như heo, bò, gà, ông bà ta nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nước phải số 1, nước phải có sẵn cho con dế. Vòng đời của dế kéo dài từ 42 đến 45 ngày, từ trứng nở ra con và đến lúc thu hoạch. Dựa vào tập quán và bản năng sinh hoạt của dế, chúng tôi đã tạo ra môi trường mô phỏng môi trường tự nhiên mà dế sinh sống. Ví dụ, dế thích có nhiều hang hốc và không thích có nhiều ánh sáng, vậy nên chúng tôi đã tự thiết kế "chung cư dế" từ hộp xốp đựng trứng hoặc từ bên trong kết hợp hộp nhựa bên ngoài. Đặc biệt, chúng tôi cũng căn cứ vào độ tuổi của dế để thiết kế 'nhà' – thùng nhựa cho phù hợp, từng đó tuổi là dế thích đi xa sẽ ở thùng to, thời gian đó dế ít thích vận động sẽ ở thùng nhỏ”.

Theo anh Nam, thức ăn cho dế cũng rất quan trọng, nếu chúng ta nuôi cho vui để thu hoạch từ 1- 2kg/m2 thì thức ăn không quan trọng, nhưng nuôi thâm canh để tạo ra 10-15kg/m2 thì câu chuyện khác. Mặc dù vậy, dế là côn trùng khá dễ tính trong chọn thức ăn từ các phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương như thân và hạt cây ngô, lúa cho đến cành lá sắn, ngoài ra còn bổ sung đạm động vật.

Để tạo ra công thức chung phù hợp độ tuổi từng loại dế, Cricket One còn phối hợp các viện, trường, trong đó có Đại học Nông Lâm để tự chế biến sản phẩm thức ăn chuyên dụng. Trải qua hơn 5 năm, Cricket One phát triển hơn 60 công thức thức ăn, chuyên dụng cho dế, với quy mô công nghiệp. Ở các công ty nước ngoài như ở châu Âu, quy trình nuôi của họ trong khoảng 70 ngày, thậm chí kéo dài 3 tháng đến 4 tháng, còn Cricket One thì tối đa 45 ngày.

Công nhân thu hoạch dế bằng thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân thu hoạch dế bằng thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Trần Trung.

“Ngoài 4 trang trại thuộc công ty, Cricket One còn có hơn 10 nông trại vệ tinh của các nông hộ. Công suất của Cricket One khoảng 25 tấn dế tươi/tháng. Hiện 60% dế đầu vào của Cricket One là tự sản xuất, còn 40% là từ các nông trại vệ tinh. Hiện chi phí chăn nuôi dế khá thấp, khoảng dưới 20.000 đồng/kg. Mức giá mà công ty bao tiêu cho nông dân hiện nay là 50.000 đồng/kg. Những nông dân Bình Phước hiện đang liên kết chăn nuôi có thể thu 30.000 đồng/kg chưa trừ chi phí công lao động. Đây vẫn là mức thu nhập khá đối với nông dân”, anh Nam chia sẻ.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh đánh giá, nông trại dế của Cricket One là một mô hình chăn nuôi mới tại địa phương với đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, không yêu cầu sức lao động lớn, đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không cần nhiều vốn. Thành công của nông trại dế của Cricket One đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, đưa các cây con giống mới vào sản xuất để phát triển, làm giàu. Địa phương sẽ phối hợp với công ty tổ chức cho người dân học tập nhân rộng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.