| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi sáng tạo [Bài 1] Thị trường rộng mở với ‘dê thảo mộc’

Thứ Ba 14/03/2023 , 10:28 (GMT+7)

Dê nguồn gốc rõ ràng, không dùng chất kích thích, cám tăng trọng, được bao tiêu đầu ra. Đó là kim chỉ nam tạo thành công của HTX dê thảo mộc Tân Thành (Bình Phước).

Tận dụng thảo mộc địa phương

Từ một địa phương từng xem cây hồ tiêu là kinh tế chủ lực, sau khi giá tiêu giảm liên tục trong nhiều năm liền cùng sâu bệnh phá hoại gia tăng, diện tích tiêu ngày càng thu hẹp, người dân đã tận dụng nguồn keo, cẩm từ các trụ sống, cùng hệ thống tưới tự động sẵn có để trồng cỏ nuôi dê. Từ đây, huyện Bù Đốp đã trở thành thủ phủ nuôi dê của tỉnh Bình Phước. Để con phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu dê sạch là hướng đi mà cả chính quyền và người nuôi dê địa phương đã và đang hướng đến.

Tận dụng lá từ trụ sống của cây hồ tiêu, bà con phát triển chăn nuôi dê thương phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Tận dụng lá từ trụ sống của cây hồ tiêu, bà con phát triển chăn nuôi dê thương phẩm. Ảnh: Trần Trung.

HTX dê thảo mộc Tân Thành là một trong những HTX điển hình trong xây dựng mô hình nuôi dê sạch tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Tám – Phó Giám đốc HTX dê thảo mộc Tân Thành cho biết, HTX hiện có 11 thành viên với tổng đàn hơn 500 con. Ngay từ khi thành lập HTX đã định hướng cho các thành viên nuôi dê sạch, không được sử dụng chất kích thích, cám tăng trọng, dê phải có nguồn gốc rõ ràng. Để đảm bảo dinh dưỡng cho dê, thành viên chỉ được phép tận dụng nguồn keo, cẩm, cỏ kết hợp mỳ thái lát phơi khô, bắp hạt, do vậy thịt dê đạt chất lượng sạch theo hướng nuôi thảo mộc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Qua quá trình nghiên cứu thị trường, tôi thấy mô hình dê lấy thịt và dê giống đã được nuôi tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, dê chủ yếu được nuôi bằng cám công nghiệp nên lớn rất nhanh nhưng thịt dê thường nhão, nhiều mỡ. Bên cạnh đó, tại một số quán ăn, nhà hàng sử dụng thịt dê đông lạnh, vận chuyển từ nơi khác đến, nguồn gốc không rõ ràng, do vậy chất lượng không đảm bảo. Vì thế, với mô hình chăn nuôi dê sạch theo hướng thảo mộc sẽ là hướng đi tích cực, tạo thương hiệu cho HTX nói riêng và con dê huyện nhà nói chung”, bà Tám chia sẻ.

Bà Trần Thị Lan chăm sóc đàn dê của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Bà Trần Thị Lan chăm sóc đàn dê của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Tham gia vào HTX, các thành viên được chia sẻ nhiều lợi ích như: trao đổi con dê đực lai giống để tránh trùng huyết; bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định; được trang bị về kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận các bác sĩ thú y trong huyện hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi dê; hỗ trợ vay vốn để đầu tư. HTX cũng chủ động xây dựng khu giết mổ tập trung nhằm giảm bớt chi phí trung gian, đồng thời, chuẩn bị ra mắt sản phẩm “dê một nắng” để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Với đàn dê hơn 40 con gồm dê thịt và dê nái, bà Trần Thị Lan, thành viên HTX cho biết, trước khi tham gia HTX, mỗi năm đàn dê của bà cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. “Từ ngày tham gia HTX, gia đình tôi đã tìm được hướng làm ăn mới và kinh tế tốt lên rất nhiều. Bản thân là nông dân chuyên trồng trọt, bây giờ chuyển sang chăn nuôi nên bước đầu khá lúng túng. May mắn là các chị em trong HTX giúp đỡ nhau nhiệt tình. Bây giờ tôi đã tự tin với hướng đi mới này” bà Lan phấn khởi nói.

HTX dê thảo mộc Tân Thành từng bước chế biến sâu, nâng cao thu nhập cho thành viên. Ảnh: Minh Sáng.

HTX dê thảo mộc Tân Thành từng bước chế biến sâu, nâng cao thu nhập cho thành viên. Ảnh: Minh Sáng.

“Với năng lực sản xuất khoảng trên 10 tấn thịt dê thương phẩm mỗi tháng, đối tượng khách hàng của HTX là hầu hết các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận như: Tây Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…. Nhờ chăn nuôi sạch, dê HTX luôn được khách hàng tin dùng và thu mua với giá cao hơn thị trường 20-30%”, bà Nguyễn Thị Tám – Phó Giám đốc HTX dê thảo mộc Tân Thành nói.

Thúc đẩy xây dựng thương hiệu dê sạch

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, dê là loài vật bán hoang dã, rất dễ nuôi, ít bị bệnh. Bên cạnh đó, các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp trước đây bị vứt bỏ gây lãng phí thì nay có thể tận dụng làm thức ăn cho dê. Hiện nay đàn dê trên địa bàn huyện Bù Đốp khoảng 80.000 con. Hộ nuôi ít thì 15 – 20 con, hộ nuôi nhiều có khoảng 1.000 con. Đến nay, nguồn thịt dê và dê giống của Bù Đốp đang cung cấp cho thị trường Đông Nam bộ và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chăn nuôi dê nhốt chuồng đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Chăn nuôi dê nhốt chuồng đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Từ lợi thế trên, huyện Bù Đốp xác định tập trung nguồn lực để hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mạnh ngành chăn nuôi dê. Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện cùng các đơn vị chức năng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh và xây dựng các khu giết mổ tập trung để người chăn nuôi có điều kiện tăng đàn và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm dê Bù Đốp.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết thêm, thực tiễn chăn nuôi trên địa bàn thời gian qua cho thấy con dê đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, đặc biệt là thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Trong khi ngành trồng trọt và chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm khác gặp rất nhiều khó khăn thì chăn nuôi dê lại phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, đồng thời giải quyết tốt việc làm cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Địa phương từng bước quy hoạch khu giết mổ tập trung nâng cao chuỗi giá trị cho người nuôi dê. Ảnh: Trần Trung.

Địa phương từng bước quy hoạch khu giết mổ tập trung nâng cao chuỗi giá trị cho người nuôi dê. Ảnh: Trần Trung.

Việc chuyển đổi những diện tích cây trồng không phù hợp, diện tích cây trồng bị sâu bệnh chết để có thể trồng cỏ chăn nuôi dê, đồng thời tận dụng các phế thải nông nghiệp, nguồn phân từ chăn nuôi dê để đầu tư lại cho cây trồng, đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào; từ đó có thể giảm giá thành trong sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt dê.

“Với thế mạnh và tốc độ phát triển đàn dê như hiện nay, ngành nông nghiệp cùng với người chăn nuôi ở địa phương đang từng bước xây dựng thương hiệu “dê Bù Đốp”, nhằm tạo sức cạnh tranh, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm thịt dê Bình Phước nhiều hơn” , ông Trần Văn Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.