Xoay chuyển cùng giống mới
Nắm bắt được nhu cầu thị trường về trứng chất lượng cao, anh Nguyễn Văn Hà, một hộ chăn nuôi tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã quyết định đi theo mô hình nuôi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, khác với các hộ dân chủ yếu nuôi giống gà bản địa, anh Hà đã mày mò nghiên cứu, tìm hiểu về giống gà mới. Sau một thời gian anh nhận thấy giống gà đẻ trứng hồng có nhiều ưu điểm vượt trội về khả năng phòng chống dịch bệnh, năng suất trứng cao, nên đã mạnh dạn đầu tư nuôi.
Dẫn chúng tôi thăm trang trại với quy mô hàng ngàn con nằm trọn trong nhà xưởng chế biến mủ cao su của gia đình, anh Hà cho biết, từng khởi nghiệp với nghề mua bán mủ, do giá mủ cao su xuống thấp, đầu ra khó khăn nên anh Hà quyết định chuyển đổi sang nuôi gà. Qua tìm hiểu, thấy giống gà đẻ trứng hồng này có tỷ lệ đẻ trứng rất cao, lên đến 310 quả/năm, trứng màu sắc đẹp, chất lượng cao, nên năm 2018 anh dồn mọi tâm huyết để phát triển. Hiện anh có trong tay hơn 15.000 gà con giống và 14.000 gà đẻ. Để đảm bảo gà sinh trưởng phát triển tốt, trên nền nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông, anh Hà phân thành nhiều khu vực khác nhau lắp đặt hệ thống kỹ thuật phù hợp với chuồng trại nuôi.
Theo cách tính của anh Hà, gà đẻ khỏe nhất là tháng thứ 6 với tỷ lệ bình quân 24,5 giờ đẻ một trứng, đạt tỷ lệ 96%, sau đó giảm dần. Đến tháng thứ 9 tỷ lệ bình quân 30 giờ đẻ 1 trứng là đạt. Trung bình 1 năm mỗi con đẻ 310 trứng và sau 1 năm, khi năng suất đẻ kém thì bán gà phế phẩm.
“Với giá bán trứng bình quân 2.500 đồng/quả, sau khu trừ chi phí thu lời khoảng 40%. Đối với gà phế phẩm, lợi nhuận thu về khoảng 30% sau khi trừ chi phí sản xuất. Đây là lợi nhuận khá so với chăn nuôi các giống gà truyền thống tại địa phương”, anh Hà phấn khởi nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà đẻ, anh Hà cho biết: Lúc đầu chưa biết thì hơi khó nhưng lâu dần đúc rút kinh nghiệm thấy dễ hơn. Nuôi gà cần chú ý về thời tiết, tiêm vắc xin đầy đủ. Mặt khác Bình Phước chưa có trại nhiều nên áp lực bệnh chưa cao, đó là điều kiện thuận lợi vì dịch bệnh hiếm khi xảy ra...
Hướng đến sản phẩm OCOP
Tương tự, gia đình anh Lê Xuân Vinh, ấp Bù Dinh, xã Thanh An cũng mạnh dạn chuyển đổi và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao từ nuôi gà đẻ trứng hồng. Hiện trang trại của gia đình anh Vinh có 8.000 con, trong đó 3.500 con đang cho trứng và 4.500 gà giống.
Anh Vinh cho biết, với diện tích hơn 10 ha đất sản xuất nông nghiệp nên anh đầu tư mỗi thứ một ít nhằm tăng nguồn thu trên cùng đơn vị diện tích. Mặt khác, nếu thất thu cái này thì cái kia sẽ bù lại. Do diện tích đất trồng cao su, điều nằm xa khu dân cư nên mỗi khu vực anh Vinh xây dựng 1 chuồng trại chăn nuôi nhằm phòng tránh dịch bệnh phát tán, lây lan.“Người ta nói là gà siêu đẻ trứng, đẻ liên tục, ngày nào cũng đẻ, giá bán trứng cũng ổn nên tôi thấy nuôi gà đẻ phát huy rất hiệu quả” - anh Lê Xuân Vinh chia sẻ.
Chăn nuôi gà dưới tán cao su, điều ngoài tận dụng tối đa diện tích đất trống thì đây còn là giải pháp tạo nguồn thu nhập kép. Đó là lợi nhuận từ sản phẩm nông sản, bán trứng gà, gà phế phẩm, gà giống và phân gà. Chỉ tính riêng tiền bán phân gà cũng cho thu nhập kha khá, bởi phân gà rất tốt cho cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là trong xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay.
Ông Hồ Lê Minh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh An cho biết: Qua tham quan, khảo sát, đánh giá thì mô hình nuôi gà đẻ trứng hồng của các hộ nông dân rất hiệu quả. Đây cũng là mô hình mới của xã, vì vậy Hội nông dân tham mưu Đảng ủy, UBND xã cùng chủ thể cùng xây dựng thương hiệu trứng gà thành sản phẩm OCOP.
“Trước đó, năm 2022 xã vinh dự có 3 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận OCOP hạng 3, 4 sao và năm 2023 này hy vọng sẽ có thêm sản phẩm trứng gà. Bởi khi được chứng nhận OCOP thì sẽ được quảng bá nhân rộng, sản phẩm sẽ được các thị trường đón nhận. Qua đó không chỉ góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, ông Hồ Lê Minh nhấn mạnh.