| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi sáng tạo [Bài 2] Hiệu quả từ nguồn nông sản sẵn có

Thứ Tư 15/03/2023 , 15:16 (GMT+7)

Dịch bệnh phức tạp, chi phí thức ăn tăng cao, giá heo giảm, nhưng nhờ tận dụng các nguồn nông sản sẵn có đã giúp anh Bình 'vượt bão', chăn nuôi hiệu quả.

Với đặc thù là một huyện nông nghiệp, người nông dân nơi biên giới Bù Đốp (Bình Phước) đã mạnh dạn đổi mới, tìm hướng đi riêng cho mình trong chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó nghề nuôi heo được số đông nông dân lựa chọn. Anh Đinh Duy Bình, tổ 4, ấp Phước Tiến, huyện Bù Đốp là một trong những người như thế.

Trang trại heo của gia đình anh Bình. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại heo của gia đình anh Bình. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Bình, cũng như nhiều người dân tại địa phương, ban đầu, anh chọn cây tiêu để phát triển kinh tế. Những năm trở lại đây, giá tiêu lao dốc, cây tiêu do bệnh mà lụi dần. Từ đó anh mạnh dạn thay đổi tư duy, tìm cho mình một hướng đi mới từ mô hình nuôi heo thịt.

Bắt tay vào làm, anh gặp không ít khó khăn vì phải tìm mua heo và lựa chọn con giống để gây đàn, phát triển số lượng. Nhưng với kiến thức học được trên sách vở cộng với học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, anh nắm được đặc tính sinh sản, sinh trưởng, cách phòng các loại bệnh trên heo.

Cùng với việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại nghiêm ngặt, nên anh kiểm soát được dịch bệnh. Từ 16 con heo giống ban đầu, đến nay, mỗi lứa anh đã có trên 100 con heo thịt, bình quân mỗi năm xuất trên 31 tấn. “Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời vài trăm triệu đồng từ nuôi heo”, anh Bình cho biết.

Theo anh Bình, trong bối cảnh dịch bệnh nhiều, giá thức ăn liên tục tăng mạnh, vốn vay lãi suất cao, trong khi giá lợn hơi lại có xu hướng giảm... khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, mất trắng không còn khả năng tái đàn. Đây chính là vấn đề khiến bà con chăn nuôi không khỏi lo lắng, trăn trở.

Anh Bình tận dụng các nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để tự chế biến, phối trộn thức ăn cho heo. Ảnh: Trần Trung.

Anh Bình tận dụng các nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để tự chế biến, phối trộn thức ăn cho heo. Ảnh: Trần Trung.

“Làm thế nào để giảm được chi phí nhưng chăn nuôi vẫn hiệu quả?”, từ trăn trở đó, anh nhận thấy trong chăn nuôi, thức ăn là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và giá thành vật nuôi, đặc biệt là heo. Tuy nhiên, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi đang rất cao, chất lượng cũng khó kiểm soát. Để đảm bảo giá trị dinh dưỡng, anh Bình đã mày mò nghiên cứu, tận dụng các nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để tự chế biến, phối trộn thức ăn cho heo. Cách làm này không chỉ kích thích sức tăng trưởng heo, cải thiện năng suất, mà còn giúp anh tiết kiệm chi phí rất lớn và là yếu tố chính tạo hiệu quả kinh tế.

Anh Bình tận dụng các nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để tự chế biến, phối trộn thức ăn cho heo. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Bình tận dụng các nguồn nông sản sẵn có tại địa phương để tự chế biến, phối trộn thức ăn cho heo. Ảnh: Minh Sáng.

Theo đó, thay vì đầu tư cả một dây chuyền máy cồng kềnh gồm nhiều máy đơn lẻ như máy xay, máy nghiền, máy trộn, máy đùn viên, vừa lãng phí tiền của vừa chiếm nhiều diện tích, anh Bình chỉ đầu tư một máy ép cám viên đa năng và tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có của gia đình như: cỏ, bắp, lúa, đậu tương, cá… phối trộn các men vi sinh, men tiêu hóa, sau đó ủ 2 đến 3 ngày rồi ép thành viên. Anh Bình cho rằng, cách làm này tuy vất vả, nhưng mang lại lợi nhuận, thu nhập tốt cho gia đình.

Anh Bình (áo đen) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong vùng. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Bình (áo đen) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong vùng. Ảnh: Minh Sáng.

“Theo tính toán, 100 con heo thịt, mỗi tháng sử dụng đến 5 tấn cám, việc tự chế biến 1 tạ thức ăn chăn nuôi chỉ tốn khoảng 830.000 đồng trong khi cám đóng bao bán sẵn lên đến trên 2.000.000 đồng/tạ. Với cách làm này, tính trung bình 1 tháng tôi tiết kiện được hơn 40 triệu đồng”, anh Bình phấn khởi nói.

Ông Mai Văn Sang – Chủ tịch hội nông dân huyện Bù Đốp cho biết: “Anh Đinh Duy Bình là hội viên nông dân xuất sắc của địa phương. Có thể thấy, mô hình lập nghiệp nuôi heo như anh Đinh Duy Bình đang là điểm sáng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nông dân nơi biên giới. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển".

Giá thức ăn thường chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi, vì thế, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo hơi lại giảm mạnh, thì việc tận dụng các nguyên liệu nông sản tại địa phương để xây dựng khẩu phần ăn chăn nuôi sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất. Các loại nông sản có thể dùng để phối trộn nuôi heo, như: gạo, tấm, bắp, khoai mì, khoai lang, cám, rau muống, rau lang, bèo, các loại quả, bột cỏ, đậu xanh, đậu nành,  bột cá, cá khô, cá tươi, tôm, cua, còng, ruốc,... phối trộn các men vi sinh, men tiêu hóa...

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.