| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi xuất khẩu đứng trước cơ hội và thách thức Hiệp định CPTPP

Thứ Năm 13/12/2018 , 09:05 (GMT+7)

Ngày 12/12, tại Biên Hòa, Đồng Nai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã tổ chức Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới lĩnh vực chăn nuôi và thú y khối DN (phía Nam)...

Tại hội thảo, những thông tin về khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia CPTPP, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà chăn nuôi.

16-34-00_cptpp
Một trại heo ở Tiền Giang

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hiệp định CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho người chăn nuôi Việt Nam. Trước hết, CPTPP giúp cho ngành chăn nuôi dễ dàng tiếp cận các công nghệ tiên tiến về giống, trang thiết bị, tạo cơ hội cho DN Việt Nam có điều kiện trao đổi về kinh nghiệm quản trị điều hành, kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trong khối. Việc gia nhập CPTPP sẽ có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi công nghệ cao. Bởi thị trường nông nghiệp Việt Nam quá hấp dẫn, nhiều DN nước ngoài đang muốn đầu tư vào lĩnh vực con giống, thức ăn, thiết bị chuồng trại, chế biến giết mổ.

Ngành chăn nuôi có cơ hội mở rộng thị trường XK sản phẩm thịt, trứng, sữa, khi mà các điều khoản và điều kiện được nêu trong CPTPP tạo ra một khuôn khổ thương mại cho phép tiếp cận thị trường lớn hơn giữa các nước thành viên. Hiện nay, các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch XK và chiếm khoảng 16% kim ngạch NK các sản phẩm công, nông nghiệp của Việt Nam, nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam.

Trong cộng đồng CPTPP có các quốc gia chiếm vị trí hàng đầu về sản xuất con giống, sữa và thiết bị chăn nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong nội khối. Qua đó, giúp cho Việt Nam hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây. Tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện the chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, kể cả DN FDI. Do đó, ngành chăn nuôi chịu sức ép buộc phải thúc đẩy nhanh Đề án Tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ CPTPP. Thác thức hàng đầu là sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp. Nguyên nhân là do phần lớn được sản xuất ở quy mô nhỏ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào giống và thức ăn NK. Chẳng hạn, hiện nay, giá thịt lợn hơi Việt Nam ở mức từ 42.000-43.000 đ/kg, trong khi ở nhiều nước trong khối CPTPP, giá thịt lợn hơi chỉ khoảng 32.000-35.000 đ/kg. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ trong Top 20 nước có đàn lợn nái lớn nhất thế giới. Nhưng năng suất sinh sản của đàn nái Việt Nam lại đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 20 khi chỉ đạt bình quân 17-20 con/nái/năm, trong khi nhiều nước châu Âu, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc … đạt 24-26 con/nái/năm, riêng Đan Mạch là 30-31 con/nái/năm. Do đó, sản lượng thịt lợn sản xuất chỉ đứng thứ 6 sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil và Nga. Năng suất lao động quá thấp trong ngành chăn nuôi cũng làm tăng giá thành sản xuất. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ cần 1 lao động, còn Việt Nam là hơn 20 người.

Hàng năm, nước ta phải NK tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột thịt xương, bột cá. Khoáng vi lượng, vitamin NK 100%. Gần 80% các loại vacxin lưu hành ở Việt Nam là từ NK. Mỗi năm, nước ta phải chi ra hàng tỷ USD để NK TĂCN và nguyên liệu sản xuất TĂCN. Phần lớn các giống vật nuôi cao sản phải NK với kim ngạch khoảng 500 triệu USD. Trong khi đó, XK các sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt 400-500 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, các tồn tại về dịch bệnh, VSATTP, ô nhiễm môi trường … cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả, sức cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam.

Sau khi CPTPP có hiệu lực, sản phẩm chăn nuôi từ một số nước như Úc, Canada, Mexico, Malaysia NK vào Việt Nam có khả năng gia tăng khi thuế NK giảm xuống còn 0% theo lộ trình. Cụ thể, mức thuế trung bình thịt NK hiện khoảng 15% sẽ được giảm xuống 0% trong 4-8 năm tới với các nước thuộc CPTPP, sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng và nhà NK tiếp cận với các sản phẩm rẻ hơn. Nhưng các nhà sản xuất và XK trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không thể cạnh tranh được với các dòng sản phẩm NK từ các nước trong CPTPP như thịt bò từ Úc, New Zealand, thịt gà và lợn từ Canada, Mexico…

Trong ngắn hạn, vì phần lớn người Việt có thói quen tiêu dùng thịt tươi ấm hơn đông lạnh, nên có thể làm chậm tác động của CPTPP đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi thịt đông lạnh sẽ được chấp nhận rộng rãi, sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ các nước CPTPP.

Ở chiều XK, các thị trường nội khối như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore… lại nổi tiếng về sự “khó tính” với hàng rào kỹ thuật tương đối cao đối với sản phẩm chăn nuôi NK. Do đó, nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát VSATTP, thì dù thuế suất NK của các nước này giảm xuống 0% theo lộ trình CPTPP, thì sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng không thể vào được.

Gà trắng ở Đông Nam Bộ đã đủ sức cạnh tranh

Theo ông Gabor Fluit, De Heus, với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thơi gian qua và liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, sản xuất gà trắng ở các tỉnh Đông Nam Bộ đã đủ sức cạnh tranh với gà trắng NK.

Cụ thể, ở những trang trại chăn nuôi tốt, giá thành gà trắng hiện chỉ khoảng 22.000 đ/kg, thấp hơn một chút so với giá thành ở Thái Lan, châu Âu. Ở những trang trại khác, giá thành hiện phổ biến từ 22.000-24.000 đ/kg, cũng đủ khả năng cạnh tranh với thịt gà NK, nhất là ở mảng thịt gia cầm tươi sống.

Tuy nhiên, do thói quen khác nhau của người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng ở nhiều nước sản xuất gà lớn, mà có những sản phẩm của con gà khi NK vào Việt Nam sẽ có giá rất rẻ như cánh, đùi, chân … Ngược lại, có những sản phẩm nếu tiêu thụ ở Việt Nam giá sẽ không cao, nhưng khi XK lại có giá tốt như ức gà. Vì vậy, Việt Nam sẽ vẫn phải NK nhiều đùi, cánh, chân … gà, nhưng có thể tập trung sản xuất để XK ức gà, thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ. Hiện nhiều DN đang đẩy mạnh đầu tư để XK thịt gà chế biến (chủ yếu từ ức gà). Nếu đi đúng hướng, sau 5 năm nữa mà giá trị XK ức gà tương đương với giá trị NK đùi, cánh, chân gà … thì đã có thể coi là thành công.

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.