Sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn, Lào Cai), tốt nghiệp Đại học lâm nghiệp Hà Nội, anh An Văn Tuấn không bám trụ tại Thủ đô mà quay về quê hương lập nghiệp.
Anh Tuấn cho biết, ban đầu anh nghiên cứu cho ra các sản phẩm thảo dược vì muốn tránh dùng thuốc tây, bảo vệ sức khỏe của con nhỏ và gia đình từ các bệnh thông thường như cảm mạo, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn đến các bệnh lý mãn tính về dạ dày, gút...
Sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt của sản phẩm, không có tác dụng phụ, trong khi các loại cây này có sẵn trong vườn nhà, anh Tuấn bắt tay vào nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu sản phẩm, nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với các loại cây cỏ thân thuộc quanh mình.
Lúc này, anh An Văn Tuấn thấy rằng, đất đồi xung quanh mảnh đất quê hương của mình có rất nhiều loại thực vật quý, dược liệu quý mà có thể chế biến và thương mại hóa như sả đỏ, màng tang, đài bi, tía tô…
Khi đang tìm cho mình con đường riêng để lập nghiệp, tỉnh Lào Cai có chủ trương, chính sách “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Lào Cai được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, phát triển thị trường.
Ngay sau đó, anh An Văn Tuấn thuyết phục 6 thanh niên cùng chí hướng vay vốn, bắt tay vào thành lập Hợp tác xã Thế Tuấn để thu gom, mua cây dược liệu phục vụ việc sản xuất và kinh doanh tinh dầu.
Sau khi xây dựng xong nhà xưởng, lò đốt và nồi ép để chưng cất tinh dầu, đầu năm 2020, hợp tác xã cho ra mắt 3 sản phẩm đầu tiên gồm tinh dầu sả java, tinh dầu đài bi và tinh dầu màng tang với sản lượng trên 10.000 lít/tháng được canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ.
Các sản phẩm đầu tay nhưng đã mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20 lao động tại địa phương.
Theo những lao động làm việc tại hợp tác xã, trước đây họ chỉ làm làm ruộng, lên nương trồng sắn ngô, vất vả và thu nhập không đáng là bao. Từ khi được tạo điều kiện vào làm hợp tác xã, công việc ổn định, hằng ngày tôi cắt sả mang về lò chưng cất, đốt lò đã có mức thu gấp nhiều lần trồng lúa, ngô…
“Từ khi làm tại hợp tác xã, thu nhập ổn định, gia đình có kinh tế lo cho các con ăn học và mua sắm thêm vật dụng trong nhà”, chị La Thị Hoan, thôn Bẻ 2, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn cho biết.
Anh An Văn Tuấn cho biết, sản phẩm tinh dầu đài bi là sản phẩm có rất nhiều công dụng y học mà chưa được cơ sở tinh dầu nào của Việt Nam chưng cất cũng là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nhất bởi những lợi ích đặc biệt mà nó mang lại.
Lá cây đài bi tươi tốt và có thể thu hái quanh năm, đặc biệt có chất lượng và dược tính tốt nhất khi được hái vào mùa hạ. Cây đài bi có chứa rất nhiều tinh dầu, đặc biệt là phần lá. Lượng tinh dầu trong lá đài bi chiếm khoảng 0,2 – 1,8% tất cả các dược chất. Ngoài ra, trong thành phần của đài bi còn có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe khác như: Vitamin C, protit, lipit, sắt, corten, canxi…
Với những đặc tính kỳ diệu từ loại cây này, không chỉ dừng lại ở sản phẩm tinh dầu, cuối năm 2002, Hợp tác xã Thế Tuấn tiếp tục cho ra đời các sản phẩm cao lá, nước súc miệng, sản phẩm xông tắm... từ cây đài bi.
Không dừng lại ở đó, năm 2021, tận dụng những đặc tính điển hình của cây tía tô trong việc chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả, anh An Văn Tuấn cho ra mắt thêm một số sản phẩm mới như cao lá, xịt khoáng, sữa tắm, trà... từ loại cây này và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Dự án sản xuất và kinh doanh tinh dầu tự nhiên của anh An Văn Tuấn đã xuất sắc đạt giải nhất tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Startup Ideas” tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2020.